Những thói quen gây đột quỵ trong ngày nắng nóng

PV |

Nếu không muốn đối diện với tình trạng “nghìn cân treo sợi tóc” do đột quỵ trong mùa nắng nóng, chúng ta cần thay đổi những thói quen xấu, đây có thể sẽ là yếu tố then chốt tác động căn bệnh này đến sớm hơn, gần hơn.

Đột quỵ mùa nóng: Đến nhanh như “trở bàn tay”

Nếu đang đinh ninh “chắc đột quỵ chừa mình ra” thì những con số cảnh báo của các tổ chức sức khỏe quốc tế có thể sẽ khiến bạn cần suy nghĩ nghiêm túc hơn về căn bệnh này.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) thống kê, ở Mỹ mỗi 40 giây có một trường hợp đột quỵ mới mắc và cứ 4 phút trôi qua thì sẽ có 1 trường hợp tử vong do đột quỵ.

Chưa dừng ở đó, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong 6 người thì có 1 người tiềm ẩn nguy cơ bị đột quỵ, tỷ lệ mắc bệnh dự báo sẽ tăng nhanh và đạt 1,2 triệu người mắc mới mỗi năm trên thế giới vào năm 2025.

Nếu bạn cho rằng điều này vẫn còn xa vời vì xảy ra ở trời Tây, thì đây, tại Việt Nam theo thống kê của mỗi năm có hơn 200.000 người bị đột quỵ, hơn 50% trong số đó tử vong và chỉ có 10% sống sót là hồi phục hoàn toàn.

Căn bệnh này đang dần “lăm le” những người đang trong giai đoạn đỉnh cao năng suất lao động. Tỷ lệ người trẻ và người trung niên chiếm khoảng 30% tổng các ca đột quỵ, đặc biệt gia tăng mạnh từ 40 - 45 tuổi hay thậm chí xuất hiện cả ở tuổi 20.

Những thói quen gây đột quỵ trong ngày nắng nóng - Ảnh 1.

Thời tiết là yếu tố tác động lên những người có nguy cơ cao đưa đến đột quỵ (Ảnh minh họa)

Đột quỵ có thể xảy ra vào bất kỳ thời gian nào trong năm, nhưng đỉnh điểm nhất là mùa hè khi nhiệt độ tăng cao, trời oi bức.

Cứ nhiệt độ tăng 1 độ C, nguy cơ đột quỵ tăng 10% trong thời gian 6 ngày - đó là công bố từ các nhà khoa học thuộc Đại học Haifa (Israel) đưa ra kết luận trên căn cứ số liệu báo cáo về tình trạng đột quỵ của Bộ Y tế nước này.

Lý giải nguyên nhân cơ thể dễ đột quỵ khi nắng nóng, các chuyên gia cho rằng, khi nhiệt độ tăng cao, cơ thể bài tiết nhiều mồ hôi.

Do bị mất một lượng nước khá lớn khiến nồng độ nước trong cơ thể giảm, độ kết dính trong máu tăng cao làm tăng huyết áp, tăng nguy cơ đột quỵ. Nắng nóng còn khiến hệ tuần hoàn, đặc biệt là tim hoạt động kém, kèm theo sự giãn mạch dẫn đến thiếu máu nuôi não, đặc biệt ở người có tiền sử xơ vữa động mạch, cao huyết áp.

Bên cạnh đó, nắng nóng còn làm suy giảm chức năng các cơ quan, gây mất ngủ, rối loạn giấc ngủ... khiến đột quỵ dễ xảy ra. Nhiều người tìm cách tránh nóng bằng cách vào siêu thị, trung tâm thương mại hoặc để điều hòa với nhiệt độ quá thấp dễ dẫn tới giảm thân nhiệt đột ngột, mạch máu bị co lại, nguy cơ đột quỵ lúc này cũng tăng lên.

Nhận diện sớm đột quỵ để sơ cứu đúng cách

Đột quỵ xảy ra rất đột ngột và tinh vi. Khi thấy một người đột nhiên xuất hiện triệu chứng xây xẩm, chóng mặt, tê yếu tay chân, đau đầu dữ dội, bạn có thể yêu cầu người bệnh nói - cười - giơ tay chân.

Khi nói, người bệnh có biểu hiện nói ngọng, khó nói, nói không tròn vành rõ chữ, không nói được. Khi cười nhận thấy biểu hiện mồm méo, lệch một bên. Khi giơ tay chào, nhấc chân, người bệnh không giơ tay lên chào được, nhấc chân thấy khó hoặc không nhấc được, giơ hai tay ngang vai thì một bên bị sệ hơn. 3 dấu hiệu chính này là biểu hiện rõ nhất của đột quỵ.

Những thói quen gây đột quỵ trong ngày nắng nóng - Ảnh 2.

Trong cấp cứu, xử lý đột quỵ vuột mất thời gian là sẽ mất não. Cứ một phút trôi qua sẽ có khoảng 2 triệu tế bào não chết đi. Vì thế, lúc này việc đầu tiên cần làm là gọi ngay cấp cứu.

Chúng ta không được phép để mất một giây phút nào vào việc nằm bất động chờ tự hồi phục hay tự xử lý theo các phương pháp dân gian truyền miệng từ chích lễ 10 đầu ngón tay, bắt gió, xoa dầu gió, nặn chanh vào miệng đến uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc…

Đột quỵ - chủ động phòng ngừa để không phải “trời kêu ai nấy dạ”

Mùa hè năm 2021 được Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương dự báo nắng nóng sẽ xuất hiện sớm hơn các năm trước. Vì vậy, ngay từ bây giờ bạn cần loại bỏ ngày các thói quen xấu làm gia tăng rủi ro hình thành cơn đột quỵ.

Đầu tiên là các thói quen không lành mạnh như rượu bia; thuốc lá; thức khuya; ăn uống nhiều chất béo, dầu mỡ; tập luyện quá sức; nằm điều hòa ngay sau khi tắm; ngủ trên nền nhà lạnh; hay để quạt - điều hòa thổi thẳng vào mặt. Những điều này khiến chúng ta thoải mái nhất thời nhưng chẳng khác nào “thêm dầu vào ngọn lửa đang cháy” khiến nguy cơ đột quỵ càng cao.

Thứ nữa, nắng nóng oi bức, người vã mồ hôi nên hầu như ai cũng muốn vào ngay phòng điều hòa hoặc tắm ngay lập tức sau khi đi ngoài đường. Nhưng đây là thói quen bạn cần phải thay đổi, vì nó làm nhiệt độ cơ thể giảm xuống đột ngột, lỗ chân lông và vi mạch dưới da co lại. Điều này gây ảnh hưởng tới nhịp đập của tim, huyết áp và kéo theo tình trạng đột quỵ ngay sau đó.

Những thói quen gây đột quỵ trong ngày nắng nóng - Ảnh 3.

Mùa hè, không để quạt hay điều hòa thổi thốc vào người (Ảnh minh họa)

Để ngăn ngừa đột quỵ hiệu quả, điều tiên quyết là kiểm soát các yếu tố nguy cơ hàng đầu như tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu, rung nhĩ theo chỉ định của bác sĩ. Vào mùa hè nên hạn chế ra ngoài vào trời những lúc nắng gắt, đặc biệt là người cao tuổi. Nếu bắt buộc phải ra đường, cần trang bị mũ, nón rộng vành, mặc quần áo dài tay.

Dùng máy điều hòa chỉ nên khống chế nhiệt độ ở khoảng 27 độ C, chênh lệch trong và ngoài phòng tốt nhất không nên vượt quá 7 độ C. Cần uống đủ nước, đảm bảo 1,5 - 2 lít mỗi ngày để đề phòng máu tăng đặc dẫn tới hình thành huyết khối (cục máu đông).

Nếu muốn tắm sau khi đi nắng về, tốt nhất nên đợi thân nhiệt dần ổn định lại, ngồi nghỉ từ 15 - 20 phút. Sau đó, hãy lau người trước cho cơ thể thích ứng với nhiệt độ của nước rồi mới bắt đầu tắm toàn thân.

Khi thức giấc vào sáng sớm không bật dậy ngay lập tức. Bạn nên tuân theo nguyên tắc 2-2-1: Thức dậy, nằm trên giường trong 2 phút; sau đó ngồi dậy và ở trên giường thêm 2 phút; rồi hạ chân xuống giường trong một phút và đứng dậy, đi lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại