Bạn cảm thấy lo lắng khi phát hiện mình có khối u ở vú? Đó là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, đừng vội vàng kết luận mà thay vào đó, hãy gặp bác sĩ chuyên khoa ngay lập tức để biết chắc chắn khối u đó là gì. Đồng thời, hãy đảm bảo rằng bạn không mắc phải 8 quan niệm sai lầm sau đây:
Sai lầm 1: Khối u vú hầu như chắc chắn là ung thư
Sự thật là, hầu hết những khối u ở vú mà phụ nữ sờ thấy (8/10) không phải là ung thư. Đó thường là các u nang (dạng túi) hoặc u xơ (một dạng phát triển bất thường mà không phải là ung thư). Một vài khối u xuất hiện rồi biến mất trong chu kỳ kinh nguyệt.
Chỉ bằng cảm nhận, bạn không thể nói rằng khối u đó là gì.
Một điều hết sức quan trọng là bạn phải chú ý đến bất cứ thay đổi nào bất thường trên cơ thể. Nếu khối u mà bạn phát hiện thực sự là ung thư, điều đó có nghĩa là, bạn đã vừa cứu sống chính bạn rồi đấy.
Sai lầm 2: Nếu bạn có khối u vú tuy nhiên kết quả chụp nhũ ảnh là bình thường: Bạn đã an toàn!
Sự thật là, bạn có thể sẽ cần thêm nhiều xét nghiệm nữa như chụp MRI, siêu âm hay tiếp tục chụp nhũ ảnh mới có thể có được một cái nhìn toàn diện về khối u đó.
Bác sĩ cũng có thể lấy mẫu ở khối u để làm sinh thiết nếu cần.
Ảnh minh họa
Sai lầm 3: Nếu khối u là ung thư thì sẽ không gây đau
Sự thật là, mặc dù ung thư vú không phải lúc nào cũng gây đau, nhưng nếu cảm thấy đau ở vú, bạn không thể loại trừ khả năng bị ung thư được.
Ung thư vú thể viêm - với các triệu chứng ban đầu như sưng, nóng, đỏ, đau – là dạng ung thư có thể gây đau nếu có khối u.
Sai lầm 4: Nếu phát hiện khối u trong thời kỳ đang cho con bú, đó không thể là ung thư
Sự thật là, mặc dù phụ nữ đang cho con bú ít có khả năng mắc ung thư vú, điều đó vẫn hoàn toàn có thể xảy ra. Do đó, nếu bạn phát hiện khối u vú trong thời kỳ này, hãy vẫn thận trọng nhé.
Bạn có thể đi siêu âm để kiểm tra kỹ hơn.
Ảnh minh họa
Sai lầm 5: Nếu bạn còn trẻ, khối u vú không thể là ung thư
Sự thật là, ở bất kỳ độ tuổi nào, bạn cũng cần cẩn trọng và phải thăm khám ngay nếu phát hiện khối u ở vú.
Mặc dù đa số phụ nữ mắc ung thư vú đã qua thời kỳ mãn kinh hoặc trên 50 tuổi, bạn cũng không nên xem thường sự xuất hiện của một khối u khi còn trẻ.
Sai lầm 6: Nếu khối u có kích thước nhỏ, khả năng là ung thư sẽ cao hơn
Sự thật là, khối u vú thường đa dạng về kích cỡ, và việc khối u lớn hay nhỏ không thể nói lên rằng đó có phải là ung thư hay không.
Bất cứ khi nào phát hiện một khối u mới hoặc có bất thường, ngay cả khi nó rất nhỏ, việc cần làm là đi khám ngay.
Thậm chí một khối u cho dù rất nhỏ cũng có thể là một dạng ung thư xâm lấn (là trường hợp ung thư đã phát triển, lây lan tới các mô khỏe mạnh bình thường).
Sai lầm 7: Nếu phát hiện thấy khối u sau khi chụp nhũ ảnh chưa lâu, bạn có thể đợi đến năm sau để kiểm tra lại.
Sự thật là, hãy đi khám ngay nếu bạn phát hiện khối u ở vú, cho dù bạn vừa mới chụp nhũ ảnh trước đó không lâu với kết quả bình thường. Chụp nhũ ảnh có thể không phát hiện được một số ung thư, đặc biệt là khi bạn có mô vú dày hoặc nếu khối u nằm ở vị trí bất tiện (như ở gần nách).
Bác sĩ sẽ chỉ khuyên bạn nên tiếp tục theo dõi nếu như xét nghiệm cho kết quả bình thường và không có gì đáng nghi ngại.
Ảnh minh họa
Sai lầm 8: Khối u vú hầu như là vô hại nếu không ai trong gia đình bạn bị ung thư vú
Sự thật là, bạn có biết chưa đến 15% phụ nữ bị ung thư vú có quan hệ họ hàng với những người mắc bệnh này.
Do đó, dù gia đình bạn có ai bị ung thư vú hay không, hãy đến gặp bác sĩ ngay nếu phát hiện bất kỳ khối u vú khả nghi nào nhé.
*Theo Webmd
Xem thêm:
Dấu hiệu cảnh báo ung thư gan (Nguồn: VTC1)