1. Tần suất mắc bệnh
Theo ước tính của Tổ chức Bệnh lý đường tiếu hóa của Mỹ (1), có khoảng 16% dân số thế giới bị mắc chứng bệnh này. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ ai nhưng có xu hướng tăng ở người trên 60 tuổi với tỷ lệ 33,5%.
Táo bón gặp nhiều hơn ở phụ nữ so với nam giới (tỷ lệ: 1,5:1). Mặc dù là bệnh lý không quá nguy hiểm nhưng nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sinh hoạt và làm việc của người bệnh.
2. Táo bón có thể trở thành mạn tính hay không?
Bệnh táo bón mạn tính được tổ chức bệnh lý đường tiêu hóa Mỹ định nghĩa là có nhiều hơn 2 trong số các biểu hiện sau và các triệu chứng kéo dài trên 3-6 tháng (2): Giảm số lần đi ngoài ≤3 lần tuần, thường xuyên sử dụng các biện pháp can thiệp thông thường như thụt tháo.
3. Quá trình tiêu hóa thức ăn và sự hình thành táo bón
Toàn bộ chiều dài ruột của người trưởng thành khoảng 7-8m. Quá trình tiêu hóa thức ăn trong đường ruột thường kéo dài 1-3 ngày.
Ruột già có chức năng chính là hấp thu nước. Vì vậy các chất cặn còn lại sau khi hấp thu tại ruột non sẽ dần được cô đặc và hình thành khuôn tại trực tràng, là phần phình to cuối cùng của đường tiêu hóa.
Vì một lý do nào đó như tổn thương thần kinh cơ sẽ làm chậm quá trình di chuyển phân trong lòng ruột già.
Điều này dẫn đến phân bị mất nước và trở nên rắn hơn bình thường và gây ra tình trạng táo bón.
4. Nguyên nhân gây táo bón
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến táo bón trong đó nguyên nhân phổ biến là ít uống nước, chế độ ăn thiếu chất xơ, ăn nhiều đường và chất béo. Một số thuốc có ảnh hưởng rất rõ ràng như thuốc chống trầm cảm và thuốc giảm đau, chống viêm khi sử phải dụng kéo dài.
Đái tháo đường, Parkinson và suy tuyến giáp cũng là các nguyên nhân phổ biến của táo bón. Chính vì vậy khi có biểu hiện táo bón mạn tính thì cần phải kiểm tra ngay đường máu và hoocmon tuyến giáp, giúp tầm soát các bệnh lý nội tiết này.
Sự thay đổi hoocmon trong thời kỳ mang thai và tiền mãn kinh cũng là một trong các nguyên nhân mà chị em phụ nữ hay gặp. Một bệnh lý rất phổ biến được gọi là "hội chứng ruột kích thích" hay hội chứng tăng nhu động ruột". Đây là một bệnh mạn tính và rất khó điều trị triệt để và cũng là một trong những nguyên nhân rất quan trọng gây nên táo bón.
Hội chứng này có nhiều thể bệnh, trong đó có 3 thể đáng quan tâm là thể táo bón, thể tiêu chảy và thể hỗn hợp.. "Hội chứng ruột kích thích thể táo bón" rất hay nhầm lẫn với bệnh táo bón mạn tính chức năng được đề cập đến trong bài viết này.
Không giống như táo bón mạn tính chức năng, hội chứng ruột kích thích được phân biệt bởi biểu hiện đau bụng thường xuyên tái diễn hoặc cảm giác khó chịu kết hợp với phân rắn không thường xuyên.
Nếu bệnh nhân có biểu hiện như vậy thì nên đi khám ngay tại các cơ sở y tế để có chiến lược điều trị tốt nhất vì là bệnh rất khó điều trị và ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống của người bệnh.
5. Táo bón có thể gây ung thư đại tràng?
Nhiều người tin rằng táo bón có thể dẫn đến việc cơ thể hấp thu những chất độc trong phân khi nó không được bài trừ nhanh ra ngoài cơ thể từ đó dẫn đến những bệnh lý như viêm khớp, hen suyễn hay ung thư đại tràng.
Táo bón mạn tính được cho là một yếu tố nguy cơ gây ung thư đại trực tràng đã được chứng minh (3). Nghiên cứu được tiến hành gần đây tại Boston-Mỹ theo dõi trên 28.854 bệnh nhân bị chứng táo bón mạn tính và 86.562 người bình thường với tuổi trung bình là 62.
Sau hơn một năm theo dõi, nhóm nghiên cứu cho biết những người bị táo bón mạn tính có tỉ lệ mắc ung thư đại trực tràng cao hơn người không bị táo bón đến 1,6 lần, đồng thời tỉ lệ mắc khối u lành tính cũng cao hơn 2,6 lần.
Đây là một nghiên cứu lớn, rất quan trọng giúp cảnh báo những người bị bênh táo bón mạn tính có chiến lược điều trị bệnh triệt và theo dõi nguy cơ phát sinh ung thư đại trực tràng có thể xảy ra trong tương lai. Việc phát hiện sớm ung thư đại tràng là cực kì quan trọng vì khả năng điều trị khỏi là khá cao, lên tới 92% ở giai đoạn I (4).
6. Táo bón và bệnh suy thận mạn tính
Nghiên cứu mới nhất tại Trường Đại học Tennessee (Mỹ) đăng trên tạp chí Journal of the American Society of Nephrology công bố mối liên quan giữa táo bón và bệnh thận mạn tính (5).
Nghiên cứu tiến hành trên 3,5 triệu cựu binh Mỹ trong khoảng thời gian 2004-2006. Tất cả các đối tượng có chức năng thận bình thường lúc bắt đầu tiến hành nghiên cứu và được theo dõi đến năm 2013 (7-9 năm theo dõi).
Những người bị táo bón có nguy cơ cao hơn 13% phát triển bệnh thận mạn tính và 9% phát triển suy thận so với người không bị táo bón. Đặc biệt hơn, những người bị táo bón mạn tính nặng có nguy cơ cao hơn bị cả bệnh thận mạn tính và suy thận.
Tiến sĩ. Kovesdy người dẫn đầu nghiên cứu nói: Táo bón đóng vai trò quan trọng trong bệnh lý thận. Cần phải tiến hành kiểm tra và theo dõi sát chức năng thận những người bị táo bón. Việc điều trị táo bón đặc biệt những người táo bón mạn tính có thể bảo vệ chức năng thận của họ".
7. Hành động: Nên và không nên
Nguồn tài liệu trích dẫn
1. Adil E. Bharucha et al. American Gastroenterological Association Technical Review on Constipation. Gastroenterology. 2013
2. Todd Stern et al. Evaluation and Treatment of Patients With Constipation. JAMA. 2016
3. Guérin A et al. Risk of developing colorectal cancer and benign colorectal neoplasm in patients with chronic constipation. Aliment Pharmacol Ther. 2014
4. https://www.cancer.org/cancer/colon-rectal-cancer/detection-diagnosis-staging/survival-rates.html
5. K. Sumida et al. Constipation and Incident chronic kidney disease. Journal of the American Society of Nephrology, 2016