Nhiều người gần nhà tôi hễ ốm sốt hay ăn không ngon miệng là thường mời y tá về nhà truyền dịch. Làm như vậy có đúng không? Tôi có đọc thông tin thấy truyền dịch cũng phải có những chỉ định nhất định nếu không sẽ gây ra biến chứng, xin được tư vấn kỹ hơn.
Trần Minh Thư (Nam Định)
Truyền dịch là tiêm truyền tĩnh mạch nhỏ giọt những chất có lợi vào cơ thể để hỗ trợ điều trị bệnh hoặc phục hồi cơ thể...
Truyền dịch phải do bác sĩ chỉ định và thực hiện tại bệnh viện. Việc dùng dịch truyền bừa bãi có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe: Sốc phản vệ do truyền nhanh, áp lực thẩm thấu cao gây biến chứng với biểu hiện vã mồ hôi, chân tay lạnh, mạch nhanh, huyết áp tụt. Rối loạn điện giải là một biến chứng do truyền dịch.
Thiếu hụt các yếu tố vi lượng: Nếu truyền dịch kéo dài dẫn đến dung mao của ruột thoái hóa khiến thức ăn được hấp thụ kém, dẫn đến cơ thể thiếu trầm trọng các vitamin và khoáng chất. Phù toàn thân, tràn dịch màng bụng, phù phổi, suy hô hấp, suy tim (nhất là đối với người vốn có bệnh tim mạch), thậm chí gây tử vong.
Truyền dịch có thể dẫn đến lây nhiễm các bệnh nhiễm trùng như: Nhiễm trùng máu, nhiễm viêm gan virut. Thậm chí, nếu lượng dịch truyền quá nhiều, cơ thể lại bị mất nước ưu trương, teo tế bào não rất nguy hiểm.
Ngay cả khi truyền dịch đúng chỉ định, bệnh nhân vẫn có thể gặp một số nguy hiểm trong quá trình truyền: chỗ tiêm bị phù, đau sưng, viêm tĩnh mạch, rét run, mặt tái nhợt, vã mồ hôi, khó thở, đau ngực...
Sưng chỗ kim tiêm hoặc lan tỏa ra xung quanh khiến vùng da đó bị viêm tấy đỏ, nặng hơn là bị hoại tử nhất là khi truyền dịch cung cấp chất dinh dưỡng.
Vì những lý do trên, nên tuyệt đối không tự ý truyền dịch khi chưa được bác sĩ thăm khám và chỉ định.