Những loại cá dễ nhiễm ký sinh trùng

NGUYỆT ÁNH/VTC News |

Cá là một trong những thực phẩm lành mạnh hàng đầu, tuy nhiên bạn cần thận trọng trong việc mua và chế biến vì một số loại cá rất dễ nhiễm ký sinh trùng.

Các loại cá sống trong môi trường nước ngọt và nước lợ thường dễ nhiễm ký sinh trùng hơn so với cá biển, bởi các vùng nước này có nhiều yếu tố thuận lợi cho sự phát triển và lây lan của ký sinh trùng hơn, chẳng hạn như nhiệt độ, chất lượng nước và mật độ sinh vật.

Những loại cá nào dễ nhiễm ký sinh trùng?

Ký sinh trùng có thể tồn tại trong cơ thể cá mà không làm chết chúng. Tuy nhiên, khi con người tiêu thụ cá chưa được nấu chín kỹ, ký sinh trùng có thể truyền sang người, gây ra các vấn đề sức khỏe, thậm chí cả các bệnh lý nghiêm trọng. Hiểu rõ về các loại cá dễ nhiễm ký sinh trùng và thực hiện đúng biện pháp phòng tránh, bạn có thể yên tâm hơn khi thưởng thức các món ăn từ cá.

 - Ảnh 1.

Cá chép là một trong những loại cá nước ngọt dễ nhiễm ký sinh trùng, đặc biệt là sán lá gan.(Ảnh: Britannica)

Các loại cá nước ngọt dễ nhiễm ký sinh trùng gồm:

- Cá chép : Loài ký sinh trùng thường gặp là sán lá gan. Triệu chứng nhiễm sán lá gan bao gồm đau bụng, sốt, buồn nôn và viêm gan. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như xơ gan.

- Cá trắm : Loài này dễ bị nhiễm các loại sán và giun ký sinh. Cá trắm thường sống ở tầng nước đáy, nơi có nhiều bùn đất, là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ký sinh trùng.

- Cá lóc (cá quả): Chúng sống ở ao hồ và các vùng nước đọng, cũng dễ nhiễm các loại giun ký sinh.

 - Ảnh 2.

Môi trường nước lợ của sông ngòi và kênh rạch là điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của các loại ký sinh trùng. (Ảnh: aFishDeal)

Các loài cá nước lợ dễ bị nhiễm ký sinh trùng gồm:

- Cá basa : Môi trường nước lợ của sông ngòi và kênh rạch là điều kiện lý tưởng cho sự phát triển và xâm nhập của các loại ký sinh trùng, trong đó có giun và sán.

- Cá rô phi : Chúng dễ nhiễm sán và giun tròn.

 - Ảnh 3.

Cá hồi dù sống ở môi trường nước mặn hay nước ngọt đều dễ nhiễm ký sinh trùng như giun Anisakis. (Ảnh: Qualifoods)

Cá biển sống ở môi trường nước mặn, nguy cơ nhiễm nhiễm ký sinh trùng thấp hơn nhưng vẫn tồn tại, đặc biệt là các loài sống ở tầng nước sâu hoặc tầng đáy. Các loại cá biển có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng cao gồm:

- Cá hồi : Cá hồi dù sống ở môi trường nước mặn hay nước ngọt (trong giai đoạn di cư) cũng đều dễ nhiễm giun Anisakis, gây ra các triệu chứng như đau bụng dữ dội, nôn, nổi mề đay...

- Cá tuyết : Cá tuyết cũng là một trong những loài cá biển dễ nhiễm giun Anisakis. Loài ký sinh trùng này có thể tồn tại trong các mô cơ của cá và gây nguy hiểm cho sức khỏe con người nếu không được nấu chín.

Cách phòng tránh ký sinh trùng trong cá

Để đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng tránh nguy cơ lây nhiễm ký sinh trùng từ cá, bạn cần thực hiện các biện pháp sau:

Nấu chín cá hoàn toàn

Nấu chín cá là cách hiệu quả nhất để tiêu diệt ký sinh trùng. Hạn chế ăn cá sống hoặc chế biến chưa chín kỹ, đặc biệt là các món như sushi, sashimi, hoặc gỏi cá.

Đông lạnh cá trước khi ăn sống

Nếu bạn muốn ăn các món cá sống, hãy đảm bảo rằng cá đã được đông lạnh ở nhiệt độ -20°C trong ít nhất 7 ngày để tiêu diệt ký sinh trùng. Đông lạnh là cách hiệu quả để làm suy yếu và tiêu diệt ký sinh trùng mà không làm mất đi hương vị tự nhiên của cá. Đây là cách thường được áp dụng để vô hiệu hóa giun ký sinh trong cá hồi.

Bảo quản và vệ sinh cá đúng cách

Việc bảo quản cá trong tủ lạnh hoặc tủ đông giúp ngăn chặn sự phát triển của ký sinh trùng và vi khuẩn. Cá tươi nên được bảo quản ở nhiệt độ dưới 4°C và cá đông lạnh ở nhiệt độ -18°C.

Trước khi chế biến, rửa cá sạch dưới vòi nước lạnh để loại bỏ bụi bẩn và các chất cặn bã.

Sử dụng dao và thớt riêng khi chế biến cá sống để tránh lây nhiễm chéo vi khuẩn và ký sinh trùng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại