Nhóm bệnh ung thư có dấu hiệu ban đầu mờ nhạt, dễ nhầm lẫn: Bác sĩ chỉ cách phát hiện

Mộc Trà |

Hầu hết các dấu hiệu của ung thư đường tiêu hóa rất mờ nhạt. Nhưng có một số dấu hiệu bạn không nên bỏ qua.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

BS.CKII Nguyễn Quốc Thái, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết Việt Nam là quốc gia đang có tình hình mắc mới và tử vong do ung thư tăng nhanh. Trong đó, ung thư đường tiêu hoá (ung thư đại trực tràng, dạ dày, thực quản…) nằm trong số những loại ung thư phổ biến hàng đầu. Theo một nghiên cứu quần thể tại TP HCM, ung thư dạ dày chiếm 6,8% ở nam giới và 3,7% ở nữ giới, còn tỷ lệ ung thư đại trực tràng ở nam và nữ lần lượt là 13,5% và 9,7%.

Mặc dù nguy hiểm nhưng ung thư đường tiêu hóa hoàn toàn có thể điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm và có phương pháp can thiệp chính xác, kịp thời.

Theo thống kê của WHO, ở nhóm bệnh nhân phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, tỷ lệ sống sau 5 năm sẽ đạt tới 90%, trong khi người bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn thì chỉ khoảng 10%.

Một số dấu hiệu ung thư đường tiêu hóa

ThS. BS Trần Đức Cảnh, Bệnh viện K Trung ương, cho biết nhiều người lầm tưởng xét nghiệm máu có thể phát hiện ung thư đường tiêu hóa. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn sai lầm bởi ung thư đường tiêu hóa giai đoạn đầu chỉ có biến đổi rất nhỏ ở bề mặt niêm mạc dạ dày, tiêu hóa. Do đó, chưa có việc rối loạn máu, rối loạn chức năng ở trong cơ thể. Dạ dày của chúng ta rất rộng và chỉ một vùng nhỏ biến đổi thì chắc chắn chưa gây ra việc rối loạn hấp thu.

Đa phần, các bệnh nhân mắc ung thư đường tiêu hóa giai đoạn đầu thường bị nhầm lẫn với các triệu chứng của viêm đường tiêu hóa: chậm tiêu, nóng rát vùng thượng vị, khó ăn... Hầu hết các dấu hiệu của ung thư đường tiêu hóa rất mờ nhạt.

Khi mắc ung thư đường tiêu hóa, khối u trong ruột có thể cản trở lưu thông của thức ăn và ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa. Khi khối u lớn hơn, có thể gây tắc nghẽn, dẫn đến triệu chứng đau bụng. Một khối u chảy rỉ máu có thể dẫn đến thiếu máu và làm cho phân có màu đen. Sự tắc nghẽn (khi sự lưu thông của thức ăn bị chặn hoàn toàn) có thể gây ra đau bụng dữ dội, buồn nôn, nôn và phải phẫu thuật ngay lập tức.

BS Phạm Nguyên Quý, bác sĩ điều trị tại Khoa Ung thư nội khoa, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren, Nhật Bản, cho biết ung thư đường tiêu hóa hiện nay tại Việt Nam đang có xu hướng trẻ hóa so với trước đây. Trước đây độ tuổi thường mắc ung thư tiêu hóa là 40-50, nhưng nay, độ tuổi này trẻ hơn từ 5-7 tuổi.

Việc tầm soát, phát hiện bệnh sớm vô cùng quan trọng. "Tuy nhiên, hiện nay nhiều người thường xuyên bị ảnh hưởng bởi tin đồn, không theo phác đồ điều trị chính thống, mà tin vào những lời có cánh của ‘lang băm’. Chính vì thế, chúng ta cần giúp bệnh nhân tìm đúng đường chữa bệnh của mình", BS Qúy nhấn mạnh.

Nhóm bệnh ung thư có dấu hiệu ban đầu mờ nhạt, dễ nhầm lẫn: Bác sĩ chỉ cách phát hiện - Ảnh 1.

Ung thư đường tiêu hóa nếu phát hiện và điều trị sớm có thể kéo dài thời gian sống nhiều năm. Ảnh minh họa.

Một số phương pháp chẩn đoán ung thư đường tiêu hóa

Ung thư đường tiêu hóa được chẩn đoán hết sức nhanh gọn bằng cách nội soi toàn bộ đường tiêu hóa, nếu có tổn thương nghi ngờ sẽ sinh thiết và xét nghiệm tìm tế bào ung thư. Có thể nội soi tiêu hóa thường hoặc nội soi tiêu hóa không đau. Nội soi tiêu hóa tầm soát polyp có thể phát hiện ung thư ruột già, 80-90% trường hợp ung thư ruột già do phát triển từ polyp.

BS Cảnh đưa ra lời khuyên mỗi người nên khám sức khỏe tổng quát định kỳ 6 tháng một lần. Đối với người trên 40 tuổi có những triệu chứng như sút cân, đau dạ dày nên được soi dạ dày kiểm tra. Người ngoài 40 tuổi nên làm xét nghiệm máu trong phân, nội soi đại trực tràng 2-3 năm một lần. Người có tiền sử gia đình mắc bệnh và có đa polyp đại trực tràng, thường xuyên đau âm ỉ vùng thượng vị, viêm loét dạ dày, đại tiện ra máu... thì cần thăm khám (gồm soi đại trực tràng, dạ dày) thường xuyên hơn để phát hiện bệnh sớm.

"Hiện nay, dưới sự phát triển của y học hiện đại, ung thư đường tiêu hóa nếu được phát hiện sớm thì với phương pháp cắt tách dưới niêm mạc đường tiêu hóa qua nội soi là hoàn toàn có thể điều trị khỏi bệnh. Hiểu một cách đơn giản hơn, trong giai đoạn niêm mạc đường tiêu hóa loạn sản nặng, tiền ung thư, hoặc ung thư còn khu trú ở lớp niêm mạc ống tiêu hóa, nếu được cắt tách dưới niêm mạc thì bệnh có thể khỏi hoàn toàn, và thời gian sống của bệnh nhân có thể kéo dài như những người bình thường khác mà không cần sử dụng các phương pháp điều trị hóa chất hay tia xạ", BS Cảnh cho biết thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại