Nhờ ơn tướng Nga cứu mạng, Napoleon trở lại khiến cả châu Âu "cúi đầu"

Mạnh Kiên |

Nếu không nhờ vị tướng Nga cứu mạng trong tình thế ngặt nghèo nhất, những năm tháng khuynh đảo châu Âu của Hoàng đế Pháp Napoleon lừng danh đã không tồn tại trong lịch sử.

Hoàng đế thất thế

Vào mùa Xuân năm 1814, Đế quốc Pháp sụp đổ khi Lực lượng Liên minh đánh chiếm Paris. Napoleon Bonaparte thoái vị và Bourbon trở lại ngai vàng nước Pháp. Như một cử chỉ tôn trọng người đàn ông đã từng thống trị khắp cõi châu Âu, các nước đồng minh vẫn để Bonaparte giữ danh hiệu hoàng đế.

Nhưng nơi duy nhất còn lại để ông cai trị là hòn đảo nhỏ Elba ở Địa Trung Hải.

Vào cuối tháng 4, sau khi nói lời tạm biệt với những người lính cũ tại Cung điện Fontainebleau, Napoleon bắt đầu cuộc sống lưu vong. Hành trình của Napoleon đi xuyên nước Pháp để đến cảng Fréjus, nơi một con tàu đang chờ đưa ông đến Elba.

Hoàng đế bị lật đổ có một chuyến đi thầm lặng, trong một cỗ xe đơn giản, với một vài tùy tùng được cho phép đi cùng. Sa hoàng Alexander I khi đó đã phái thêm tướng Pavel Shuvalov đi theo hộ tống – người mà sau này hoàng đế Napoleon nợ một mạng sống.

Khi đoàn quân của Napoleon xâm chiếm biên giới Đế quốc Nga, Bá tước Shuvalov là chỉ huy Quân đoàn Bộ binh số 4.

Nhưng do ốm nặng, ông phải giao lại quyền hành cho người khác. Shuvalov trở lại nhiệm vụ vào năm 1813, khi quân đội Nga chinh chiến khắp châu Âu, từ từ đẩy quân Pháp về phía Paris.

Bá tước Shuvalov đi cùng Hoàng đế Alexander I trên tất cả các mặt trận và có những đóng góp to lớn. Về sau, ông được trao tặng Huân chương Saint Alexander Nevsky.

Rất lâu sau đó, vào tháng 4/1814, Napoleon gặp lại Shuvalov tại Cung điện Fontainebleau và hỏi tướng Nga đang đeo huy chương gì trên ngực.

Khi Bonaparte biết rằng đó là tấm huy chương đến từ cuộc chiến năm 1812, ông tỏ ra khinh miệt và không nói một lời nào với người bạn đồng hành của mình trong nhiều ngày. Tuy nhiên, Napoleon đã sớm phải thay đổi hoàn toàn quan điểm của ông về vị tướng Nga.

Thoát chết

Nhờ ơn tướng Nga cứu mạng, Napoleon trở lại khiến cả châu Âu cúi đầu - Ảnh 2.

Bá tước Shuvalov.

Trong hành trình đi xuyên nước Pháp, ban đầu đám đông chào đón đoàn xe ngựa của Napoleon với sự phấn khích, nhưng khi tiến về phía Nam, sự ngưỡng mộ nhường chỗ cho sự im lặng và sau đó là sự phẫn nộ.

Ở Provence, đám đông la hét và chửi rủa Napoleon. Ông vẫn bình tĩnh, giả vờ không quan tâm đến chuyện gì đã xảy ra. Nhưng mối nguy hiểm thực sự đang chờ đợi Napoleon ở thị trấn Orgon, phía Nam Avignon.

Trên tuyến đường thị trấn, một đám đông đã dựng lên giá treo cổ với hình nộm Napoleon đung đưa chờ đón. Đám người ùa lên xe ngựa cố gắng kéo hoàng đế bị phế truất ra ngoài nhằm giết hại.

Sau khi áp đảo đội hộ tống mong manh, đám đông đã tiếp cận được mục tiêu của mình nhưng bị Bá tước Shuvalov chặn lại vào phút cuối. Ông là người duy nhất kháng cự được sự tấn công dữ dội của đám đông và cố gắng đẩy lùi họ bằng nắm đấm. Thừa cơ hội, ông ra tín hiệu cho người lái xe ngựa tức tốc rời khỏi Orgon càng nhanh càng tốt.

Thất bại trong việc chạm tay vào Bonaparte, đám đông dường như sẵn sàng xé nát Shuvalov thành từng mảnh. Nhưng khi nhận ra một vị tướng Nga đang ở trước họ, sự tức giận đã nhường chỗ cho sự kính trọng.

Ngay sau đó, khi bắt kịp đoàn xe của Napoleon, Shuvalov đã đề nghị đổi áo khoác và chuyển sang xe ngựa của Napoleon. Tướng Nga giải thích rằng ông làm như vậy để bất kỳ kẻ tấn công nào cũng sẽ giết mình chứ không phải Bonaparte.

Khi Napoleon kinh ngạc hỏi tại sao Shuvalov muốn làm như vậy, ông nhận được câu trả lời: "Hoàng đế của tôi ra lệnh đưa ngài đến nơi lưu vong bình an. Tôi cảm thấy vinh dự khi hoàn thành mệnh lệnh của hoàng đế".

Lòng biết ơn

Nhờ ơn tướng Nga cứu mạng, Napoleon trở lại khiến cả châu Âu cúi đầu - Ảnh 4.

Thanh gươm của Napoleon.


Vài ngày sau, Bonaparte đến bến cảng an toàn để chuẩn bị cho chuyến đi ra Địa Trung Hải. Trước khi khởi hành, Napoleon tặng vị tướng Nga thanh gươm của mình như một sự biết ơn vì đã ra tay cứu mạng.

Suốt 15 năm chinh chiến, Bonaparte chưa bao giờ rời bỏ thanh gươm báu. Việc ông tặng nó cho Bá tước Nga là một cử chỉ trân trọng và biết ơn thực sự.

Chưa đầy một năm sau, Napoleon Bonaparte trở lại Pháp để giành lại quyền lực và khuấy động toàn bộ châu Âu một lần nữa. Có lẽ nếu không nhờ một vị tướng Nga cứu mạng, câu chuyện lịch sử về sau đã không xảy ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại