Nguyên nhân của căn bệnh này là màng kết bị kích thích hoặc bị nhiễm trùng, dẫn đến sưng tấy màng nhãn cầu và phần trắng bên trong mí mắt, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Đây là một loại bệnh về mắt khá phổ biến, nhất là trong mùa hè, thời tiết nóng ẩm, độ ẩm không khí tăng cao.
Nếu đau mắt đỏ kéo dài mà không có phương pháp điều trị đúng đắn có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm.
Cơ chế lây lan bệnh đau mắt đỏ
Theo các bác sĩ Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này hoàn toàn không phải do "nhìn vào mắt người bệnh" như dân gian hay đồn đại. Trên thực tế, căn bệnh này lây lan qua hơi thở và nước bọt , hoặc khi tay có dính virus chạm vào mắt.
Đáng lưu ý, loại virus này có thể sống trên các mặt phẳng, ngoài môi trường tới 2 ngày. Do đó, khi tay chạm vào những nơi có virus, dùng chung khăn mặt với người bệnh… thì khả năng lây nhiễm sẽ rất cao.
Đây là một loại bệnh thường gặp vào mùa hè đến cuối mùa thu, khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm không khí cao, khi giao mùa. Lúc này khả năng lây lan bệnh khá dễ dàng, bệnh dễ bùng phát thành dịch.
Các triệu chứng thường gặp của bệnh đau mắt đỏ
Bệnh có dấu hiệu báo trước như: sốt nhẹ, gai họng, nổi hạch dưới cằm… Khi gặp những triệu chứng này, đa phần người bệnh thường nghĩ rằng đó là triệu chứng của những căn bệnh như cúm, viêm họng, sốt virus… Tuy nhiên, trong một vài ngày sau, bệnh đau mắt đỏ sẽ có những triệu chứng rõ rệt hơn.
Trong 5 - 7 ngày, khi phát bệnh, sẽ có một số triệu chứng như:
- Đỏ ở một hoặc cả hai mắt, có thể sưng tấy mí mắt.
- Ngứa một hoặc cả hai mắt.
- Cảm giác cộm như có sạn ở trong mắt.
- Có rỉ dịch ở mắt, khi thức dậy mắt bị dính chặt lại do rỉ mắt.
- Bệnh nhân có thể tiếp tục bị sốt nhẹ, gai họng.
Thông thường, bệnh đau mắt đỏ là một bệnh nhẹ và có thể hết sau từ 7 đến 10 ngày. Tuy nhiên, nếu bệnh không hết sau 7 ngày, người bệnh nên đi khám lại để tránh những biến chứng về sau như: viêm giác mạc sợi, viêm giác mạc đốm, viêm giác mặc sâu. Khi những biến chứng này xuất hiện, có thể gây sẹo giác mạc, khiến bệnh nhân giảm thị lực nhanh chóng.
Bệnh thường khởi phát khá đột ngột, dễ lây sang mắt bên kia, dễ lây lan sang người khác và bùng phát thành dịch bệnh. Cho đến nay, vẫn chưa có vaccine phòng bệnh và người bệnh hoàn toàn có thể mắc lại bệnh sau khi đã bị.