Nhịn ăn có 'diệt' được tế bào ung thư? Chuyên gia dinh dưỡng giải đáp

Mộc Trà |

Theo chuyên gia dinh dưỡng, nhịn ăn để chữa ung thư là quan niệm hoàn toàn sai.

Hiện nay trên TikTok lan truyền nhiều đoạn video nói về phương pháp nhịn ăn có thể diệt trừ các tế bào ung thư.

Cụ thể, nội dung truyền tải: "Nhịn ăn là phương pháp giải phẫu không cần dao để chữa ung thư hiệu quả. Bởi cơ thể rất cần nghỉ ngơi, tế bào ung thư rất ham ăn, việc nhịn ăn sẽ tiêu diệt được các tế bào ung thư trong cơ thể".

Trao đổi về vấn đề trên, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khẳng định nhịn ăn chữa ung thư là một phương pháp sai.

Theo PGS Lâm, khi một người bệnh mắc ung thư, nguy cơ suy dinh dưỡng rất cao, hệ miễn dịch kém.

Trên thực tế, tế bào ung thư có phát triển được hay không phụ thuộc vào sức đề kháng của cơ thể. Những người có sức đề kháng tốt, hệ thống miễn dịch tốt sẽ kìm hãm được sự phát triển của tế bào ung thư. Ngược lại, đối với những bệnh nhân đã suy kiệt cả tinh thần, thể lực và sức đề kháng thì ung thư phát triển nhanh hơn.

Hơn nữa, có đến 50% bệnh nhân khi phát hiện ra ung thư đã có biểu hiện sụt cân, suy dinh dưỡng. Việc điều trị cũng cản trở hấp thu dưỡng chất. Nếu nhịn ăn thì chắc chắn bệnh nhân ung thư sẽ chết do suy kiệt.

Nếu một người bình thường một ngày cần 25 - 30kcal/kg cân nặng thì bệnh nhân ung thư cần từ 35 - 50kcalo/kg; tương tự lượng protein cần thiết ở người bình thường là 0,8g/kg thì bệnh nhân ung thư là 1,5-2g/kg.

PGS Lâm phân tích các tế bào ung thư vẫn phát triển, vẫn hút các chất bên trong cơ thể con người. Dù bạn ăn hay không ăn thì cơ thể vẫn bị các khối u đó khống chế và hút chất dinh dưỡng còn lại bên trong cơ thể đó.

Khuyến cáo từ chuyên gia

Chính vì vậy khi không nạp đủ năng lượng, dinh dưỡng cho cơ thể thì người bệnh sẽ dễ suy kiệt, suy mòn do ung thư, không đủ sức khỏe để theo các liệu trình điều trị tiếp theo để giảm nguy cơ tái phát của bệnh ung thư, phòng ngừa tình trạng di căn sau này.

Khi nhịn ăn, cơ thể bị đói, thiếu đi các chất dinh dưỡng cần thiết và lúc này đề kháng giảm sút khiến cho tế bào ung thư có cơ hội phát triển nhanh hơn. Tế bào ung thư phát triển được hay không nhờ hệ miễn dịch, sức đề kháng của cơ thể.

Nếu cơ thể có hệ miễn dịch tốt và đề kháng cao thì sẽ đẩy lùi bệnh ung thư nhanh chóng. Nhưng nếu bệnh nhân suy kiệt, tế bào ung thư nhiều khả năng phát triển nhanh hơn. Do vậy bệnh nhân sẽ chết vì suy kiệt trước khi bị tế bào ung thư hành hạ.

Thêm nữa, khi nhịn ăn cơ thể người bệnh sẽ bị suy dinh dưỡng, hệ miễn dịch suy giảm, từ đó dễ mắc những bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm virus.

Nhịn ăn có diệt được tế bào ung thư? Chuyên gia dinh dưỡng giải đáp - Ảnh 1.

PGS TS.BS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Ảnh: Bác sĩ cung cấp)

PGS Lâm lưu ý trong chế độ ăn cho bệnh nhân ung thư, chúng ta vẫn phải ăn thức ăn giàu năng lượng, đủ đạm, đủ chất dinh dưỡng mới cung cấp được những chất đảm bảo sức khỏe cho người bệnh.

Việc nhịn ăn để tiêu diệt tế bào ung thư có thể là sự nhầm lẫn với một phương pháp chuyên môn chữa ung thư. Ví dụ như trong điều trị ung thư gan, có phương pháp thắt mạch để giảm dinh dưỡng tới các tế bào ung thư. Có thể vì kiến thức chuyên môn này, nhiều người 'nghĩ ra' phương pháp nhịn ăn để diệt tế bào ung thư.

Chính vì thế, các bác sĩ khuyến cáo những người bệnh ung thư nên tuân thủ theo phác đồ điều trị của bệnh viện (hóa trị, xạ trị), cùng với đó nên tuân thủ những lời khuyên của các bác sĩ dinh dưỡng để có thực đơn phù hợp.

Nhịn ăn có diệt được tế bào ung thư? Chuyên gia dinh dưỡng giải đáp - Ảnh 2.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại