Cảnh báo này được đưa ra tại Hội thảo giới thiệu mô hình sàng lọc viêm gan virus C (HCV) tại Thành phố Hồ Chí Minh, do Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS thành phố phối hợp với Tổ chức phi lợi nhuận quốc tế PATH tổ chức vào chiều 1/2.
Bác sỹ Tiêu Thị Thu Vân, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn quốc gia về chẩn đoán và điều trị viêm gan virus C từ năm 2016.
Song hầu hết người bị bệnh không biết mình mắc bệnh, nhất là những người có nguy cơ nhiễm HIV và sống chung với người nhiễm HIV bởi đây là đối tượng có nguy cơ cao nhiễm viêm gan virus C.
Với sự hỗ trợ của Tổ chức PATH và Công ty Gilead Sciences, từ tháng 2/2018 những người nhiễm HIV, có nguy cơ cao nhiễm HIV và những người sống chung với người nhiễm HIV sẽ được tiếp cận xét nghiệm viêm gan virus C miễn phí, nhanh chóng và dễ dàng thông qua các phòng khám tư nhân do cộng đồng điều hành và phòng khám công lập.
Dự kiến, khoảng 5.000 người nguy cơ cao tại Thành phố Hồ Chí Minh được tiếp cận thông tin về viêm gan virus C, 2.500 người được xét nghiệm sàng lọc và 90% người sàng lọc dương tính với viêm gan virus C được điều trị.
Tiến sỹ Kimberly Green, Giám đốc chương trình về HIV/Lao, viêm gan virus và các bệnh không lây nhiễm của PATH tại Việt Nam cho biết viêm gan virus C là bệnh rất nguy hiểm nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Khoảng 4% dân số Việt Nam có bằng chứng phơi nhiễm với virus viêm gan C và nhiều người trong số họ trở thành mãn tính.
Virus viêm gan C lây qua đường máu hoặc dịch tiết tương tự như đường lây truyền HIV là quan hệ tình dục không an toàn, dùng chung kim tiêm.
Những người có nguy cơ cao nhiễm virus viêm gan C ở Việt Nam cũng là nhóm nguy cơ cao nhiễm HIV như người tiêm chích ma túy và nam quan hệ đồng giới.
Thống kê tại Việt Nam cho thấy có 43-99% người tiêm chích ma túy và khoảng 29% nam quan hệ tình dục đồng giới nhiễm virus viêm gan C./.