Nhiều bà bầu mắc sùi mào gà, tự ý đắp lá gây biến chứng nặng

Phạm Hiệp |

Thời gian gần đây tại BV Da liễu Trung ương tiếp nhận khá nhiều trường hợp mắc sùi mào gà đến khám và điều trị. Đáng chú ý, trong đó có không ít phụ nữ mang thai mắc phải căn bệnh lây truyền qua đường tình dục này.

Theo thống kê tại BV Da liễu Trung ương, bệnh sùi mào gà chiếm khoảng 20% trong số những bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Trung bình mỗi năm, BV khám cho khoảng 6.000-7.000 lượt bệnh nhân sùi mào gà , trong đó phụ nữ mang thai có khoảng 700 ca.

ThS.BS Nguyễn Tiến Thành – Khoa Laser và Săn sóc da, BV Da liễu Trung ương nhận định, số lượng bệnh nhân mắc sùi mào gà đang có xu hướng tăng lên, do nhiều người đã tiếp cận được thông tin về căn bệnh này nên có ý thức bảo vệ sức khỏe hơn.

Nhiều người khi thấy các dấu hiệu bất thường ở bộ phận sinh dục như xuất hiện các tổn thương sùi nổi cao, u nhú sùi, sẩn hạt cơm, hoặc các tổn thương có màu hồng tươi… đã chủ động đi khám sớm để điều trị.

Khó xác định thời điểm nhiễm HPV đầu tiên

Sùi mào gà là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục hay gặp ở nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới. ThS. Thành cho biết, bệnh do virut HPV (Human Papaloma Virus – hay còn gọi là virut gây u nhú ở người) gây nên.

Cho tới nay người ta đã xác định được khoảng 200 type vi rút HPV khác nhau trong đó có khoảng 40 type gây bệnh ở bộ phận sinh dục. Các type virut khác nhau sẽ gây bệnh ở các vùng da, niêm mạc khác nhau.

Nhiều bà bầu mắc sùi mào gà, tự ý đắp lá gây biến chứng nặng - Ảnh 1.

BS. Thành thăm khám cho bệnh nhân tại BV Da liễu Trung ương.

Bệnh sùi mào gà lây chủ yếu do quan hệ tình dục không an toàn.

Tuy nhiên, virut này cũng có thể lây qua một số đường tiếp xúc gián tiếp không qua quan hệ tình dục như sử dụng chung dụng cụ, đồ dùng cá nhân của người có HPV; lây qua can thiệp y tế, dụng cụ y tế không được tiệt trùng…

Tổn thương cơ bản của bệnh là các sần sùi nhỏ li ti (trông như mào của con gà) có màu hồng nhạt, khu trú ở bộ phận sinh dục.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, các tổn thương phát triển nhanh, lan ra xung quanh tạo thành những mảng, khối lớn.

“Bệnh sùi mào gà có thời gian ủ bệnh rất lâu, từ 3-6 tháng, cho nên rất khó xác định vì không biết chính xác thời điểm bị lây HPV đầu tiên.

Sau một thời gian bị lây nhiễm HPV, tại cơ quan sinh dục xuất hiện các sẩn, mụn nhỏ li ti, màu hồng nhạt, tập trung thành đám ở quy đầu, thân dương vật, bìu… (nam giới), môi lớn, môi bé, âm hộ, âm đạo… (nữ giới).

Các thương tổn này cũng có thể gặp ở xung quanh hậu môn, hầu, họng…

Đặc biệt ở phụ nữ có thai do sức đề kháng giảm, lúc này bộ phận âm hộ, âm đạo tăng sinh mạch máu nuôi dưỡng là điều kiện thuận lợi cho bệnh sùi mào gà phát triển.

Do đó, chị em cần cảnh giác, khi chăm sóc vùng kín nếu thấy bất thường cần đến cơ sở y tế uy tín để kiểm tra ngay.”- ThS. Thành cho hay.

Tuyệt đối không đắp lá, chữa truyền miệng

Một điều đáng chú ý được ThS. Thành cảnh báo đó là việc chữa sùi mào gà theo quảng cáo "chữa nhanh, khỏi dứt điểm" hoặc chữa bệnh bằng các biện pháp dân gian truyền miệng không rõ nguồn gốc.

“Hiện nay, có nhiều người tin theo mách bảo chữa khỏi bệnh sùi mào gà bằng các loại thuốc lá, thuốc nam không rõ nguồn gốc.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có khuyến cáo chữa bệnh sùi mào gà bằng phương pháp đông y”- ThS. Thành nói.

Nhiều bà bầu mắc sùi mào gà, tự ý đắp lá gây biến chứng nặng - Ảnh 2.

Phụ nữ có thai cần chú ý phát hiện các dấu hiệu bất thường để điều trị kịp thời. Ảnh minh họa.

Vị bác sĩ da liễu này cũng cho biết thêm, trong quá trình điều trị bệnh, các bác sĩ đã gặp không ít trường hợp sùi mào gà biến chứng nặng do đắp lá vào bộ phận sinh dục.

Một số biến chứng thường gặp là viêm nhiễm nặng, sưng nề, lở loét, chảy máu không cầm... ở vùng kín.

Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân nghe theo quảng cáo nên đã điều trị tại các phòng khám, cơ sở không uy tín khi bệnh nặng lên mới chịu vào bệnh viện chuyên khoa khiến việc điều trị vô cùng khó khăn.

Về vấn đề điều trị sùi mào gà, cho đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị khỏi bệnh này. Vì vậy mục đích của trị liệu là phá huỷ các sẩn, khối u, sùi, tăng cường miễn dịch toàn thân, tại chỗ để diệt vi rút.

Các phương pháp cụ thể là dùng thuốc, áp tuyết cacbon, đốt điện, laser… Nếu thương tổn lan toả thành khối, mảng lớn, phải can thiệp bằng phẫu thuật. Tuy nhiên vẫn cần chú ý theo dõi sau điều trị để phát hiện các thương tổn tái phát.

“Với phụ nữ mang thai, tùy thuộc vào vị trí tổn thương, mức độ tổn thương, tình trạng sức khỏe mẹ và bé, có nguy cơ đẻ non sảy thai hay không… từ đó sẽ có hướng điều trị thích hợp trước hoặc sau khi sinh.

Giới chuyên môn cũng khuyến cáo phụ nữ mang thai nên sinh con bằng phương pháp mổ đẻ giúp an toàn cho bé, tránh lây nhiễm từ mẹ sang con”- ThS. Thành thông tin.

Để phòng bệnh sùi mào gà, các bác sĩ khuyến cáo, vi rút gây bệnh sùi mào gà rất dễ lây lan, đặc biệt là qua con đường quan hệ tình dục không an toàn, vì vậy muốn phòng bệnh, cần thực hiện các biện pháp quan hệ tình dục an toàn.

Phụ nữ có thai cần khám định kỳ sản khoa, khi có bất thường cần đến các cơ sở chuyên khoa da liễu khám. Tuyệt đối không sử dụng chung đồ dùng cá nhân của người bị bệnh, chẳng hạn như khăn tắm…

Nếu mẹ bị sùi mào gà thì khi vệ sinh xong rồi thì nên vệ sinh sạch sẽ tay, chân rồi mới vệ sinh em bé…

Khi có biểu hiện nghi ngờ bị bệnh, cần đến các cơ sở chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời.

Cần khám sức khoẻ định kỳ, kịp thời phát hiện các biểu hiện bất thường (lâm sàng, xét nghiệm) để xử lý sớm, hiệu quả, tránh lây lan cho người khác, và đặc biệt tránh được nguy cơ biến chứng lâu dài.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại