3 tiến sĩ VN ở nước ngoài bóc trần loại tế bào gốc đắt 'cắt cổ’ với người tiêu dùng Việt

Hoàng Xuân (thực hiện) |

1 hộp thuốc viên được quảng cáo chứa tế bào gốc nhau thai cừu nhập từ New Zealand có giá đến 10 triệu đồng, dùng trong 1 tháng và phải dùng liên tục, được không ít người lùng mua.

Nhiều người thậm chí phải sang nước ngoài hoặc gia nhập các nhóm bán hàng đa cấp để trở thành hội viên mới mua được với giá rẻ hơn đôi chút hoặc được yên tâm đúng là hàng chính hãng, không bị làm giả.

Trong các hội xưng danh "nuôi con bằng sữa mẹ" cũng vậy, có vô số thông tin khẳng định các tác dụng của sữa mẹ với sức khỏe của trẻ sơ sinh là do sữa mẹ có chứa tế bào gốc.

Thậm chí có những trích dẫn kiểu thế này: "Các nhà khoa học đã tìm thấy trong sữa mẹ thành phần giúp tiêu diệt tế bào ung thư. Nghiên cứu trên các bệnh nhân ung thư được cho uống sữa mẹ hàng ngày có khả năng khỏi bệnh cao hơn và nhanh hơn".

Từ đó họ kết luận và truyền nhau: "Dùng sữa mẹ nhỏ mắt, xịt vào tai, mũi để chữa nhiễm trùng, hạ sốt, chữa côn trùng cắn… là hoàn toàn bình thường và rất tốt cho em bé, vì bé sẽ tự lành nhanh hơn "mà không phải uống hóa chất vào người"! (Xem thêm)

Để làm rõ những tin đồn này có cơ sở khoa học hay không, chúng tôi có cuộc phỏng vấn với một nhóm 3 nhà khoa học đang nghiên cứu về tế bào gốc và y sinh học tại nhiều nước trên thế giới, gồm:

3 tiến sĩ VN ở nước ngoài bóc trần loại tế bào gốc đắt cắt cổ’ với người tiêu dùng Việt - Ảnh 1.

Dược sĩ, TS Châu Tiểu Lan

- Tác giả Nguyễn Ngọc Kim Vy là tiến sĩ ngành Sinh học tế bào, hiện đang nghiên cứu về tế bào gốc vạn năng và bệnh tiểu đường tại Đại học California, San Diego, Hoa Kỳ;

- Dược sĩ Châu Tiểu Lan đồng thời là Tiến sĩ ngành Y sinh học, đang làm việc tại Đại Học Bilkent, Thổ Nhĩ Kỳ.

- Tác giả Dương Thị Thư là Tiến sĩ ngành Y sinh học tại Trường Y Perelman, Đại học Pennsylvania, Hoa Kỳ.

Phóng viên: Thưa các nhà khoa học, ở Việt Nam trên mạng xã hội có một người rất có uy tín với nhiều bà mẹ đang nuôi con sơ sinh là tài khoản Facebook tên Lê Nhất Phương Hồng, người tự xưng là chuyên gia sữa mẹ.

3 tiến sĩ VN ở nước ngoài bóc trần loại tế bào gốc đắt cắt cổ’ với người tiêu dùng Việt - Ảnh 2.

TS Dương Thị Thư

Được biết bà Hồng nhiều năm nay viết sách và tổ chức các lớp học về nuôi con bằng sữa mẹ. Dựa trên một bài báo trích dẫn lại một nghiên cứu từ Úc, bà Hồng thường xuyên khẳng định nếu em bé bú mẹ hoàn toàn thì mỗi ngày sẽ được nhận khoảng 2 tỷ tế bào gốc.

Xin trích một đoạn lý luận trong nghiên cứu trên: "Những tế bào gốc trong sữa mẹ có vai trò trong sự tăng trưởng và phát triển bình thường, đặc biệt, tác động quan trọng nhất ở những em bé sinh non còn cần tiếp tục phát triển và hoàn thiện những bộ phận cơ thể hơn những cá thể khác".

Với hiểu biết của các vị, xin hỏi sữa mẹ có chứa tế bào gốc không, có thể chữa được bệnh như kể trên không?

3 tiến sĩ VN ở nước ngoài bóc trần loại tế bào gốc đắt cắt cổ’ với người tiêu dùng Việt - Ảnh 3.

TS Nguyễn Ngọc Kim Vy

Các nhà khoa học: Để trả lời cho câu hỏi này, chúng tôi tìm kiếm rất nhiều thông tin nhưng chỉ tìm thấy có 5-6 bài báo nghiên cứu và 3-4 bài tổng hợp liên quan đến vấn đề tế bào gốc trong sữa mẹ, nghĩa là rất ít ỏi.

Sau khi đọc, tìm hiểu kỹ càng và tham khảo ý kiến của các đồng nghiệp làm trong lĩnh vực tế bào gốc và tuyến vú tại Mỹ, chúng tôi có thể khẳng định rằng: Hiện tại, KHÔNG có đủ căn cứ để phát biểu rằng sữa mẹ có tế bào gốc.

Tế bào gốc là một loại tế bào đặc biệt, PHẢI có đầy đủ hai đặc tính quan trọng: Tự làm mới và Biệt hoá. Tự làm mới là khả năng nhân lên và tạo ra thêm nhiều tế bào gốc giống hệt tế bào ban đầu. Biệt hoá là khả năng tạo thành nhiều loại tế bào chức năng khác nhau.

Dựa vào định nghĩa đã được chấp nhận rộng rãi này, chúng tôi và các đồng nghiệp trong ngành nhận thấy những tế bào được tìm thấy trong sữa mẹ chưa thể được coi là tế bào gốc.

Các tác giả trong các bài báo được dẫn chứng nói trên ở Úc không đưa ra được bằng chứng để chứng tỏ tế bào gốc của họ có khả năng tạo ra nhiều loại tế bào chức năng khác nhau. Thay vào đó, họ chỉ mới bước đầu nhận thấy rằng những tế bào trong sữa mẹ có vài biểu hiện GIỐNG tế bào gốc mà thôi. Tuy nhiên, một tế bào có biểu hiện giống tế bào gốc thì không có nghĩa chúng là tế bào gốc thật sự.

Phóng viên: GIỐNG về biểu hiện thì liệu chúng cũng có thể có chức năng tốt giống như tế bào gốc hay không, thưa các nhà khoa học?

Các nhà khoa học: Xin khẳng định là chức năng và vai trò của những tế bào này hiện nay vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Còn về việc suy diễn một số người khi đọc thấy những báo cáo này thì có thể có những lý do sau đây:

1. Có thể mọi người chưa hiểu rõ về bản chất và sự đa dạng của tế bào gốc. Có nhiều người còn nhầm tưởng rằng mọi loại tế bào gốc đều giống nhau và đều có năng lực kì diệu.

2. Những biểu hiện của các tế bào được tìm thấy trong sữa mẹ giống với một loại tế bào gốc đặc biệt, được gọi là tế bào gốc vạn năng. Đây là loại tế bào gốc được tìm thấy trong phôi và có khả năng tạo thành mọi loại tế bào trong cơ thể từ máu, xương, da, gan, tuỵ…

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, tế bào trong sữa mẹ chỉ có BIỂU HIỆN giống tế bào gốc vạn năng thôi, chứ không phải là tế bào gốc vạn năng. Vì vậy chúng không có những khả năng đó. Thêm nữa, việc tế bào gốc vạn năng có thể biệt hoá thành các loại tế bào chức năng nữa hay không lại là một vấn đề phức tạp và khó khăn khác nữa, chưa được nghiên cứu đầy đủ.

Phóng viên: Thế thì dùng sữa mẹ chữa nhiễm trùng cho em bé bằng cách nhỏ vào mắt, mũi, tai, hay chữa ung thư như thông tin kể trên thì sao?

Các nhà khoa học: Tất nhiên là không chữa được rồi. Cách làm này có 3 cái sai:

1. Vì tế bào trong sữa mẹ không hẳn là tế bào gốc như đã nói ở trên..

2. Tế bào gốc thường không trực tiếp thực hiện một chức năng nào đó nhất định. Ngược lại, tế bào gốc phải biệt hoá thành nhiều loại tế bào khác nhau, sau đó những loại tế bào này mới trực tiếp thực hiện chức năng.

Ví dụ, để chống lại bệnh nhiễm trùng, tế bào gốc ở máu phải biệt hoá trở thành tế bào miễn dịch, rồi những tế bào miễn dịch này mới tấn công và loại bỏ tác nhân gây bệnh. Vì vậy, đưa tế bào gốc trực tiếp vào vết thương thì không có tác dụng gì cả. Người ta cứ tưởng tượng và thần thánh nó ra thế thôi.

3. Chưa kể đến chuyện có tế bào gốc hay không, nhưng sữa mẹ là môi trường giàu dinh dưỡng, thích hợp cho các loại vi khuẩn, nấm mọc vì vậy nếu nhỏ sữa mẹ vào thì có thể làm cho nhiễm trùng càng nặng hơn.

Phóng viên: Không chỉ là nhỏ mắt, ung thư, nói về răng sữa cũng có tin đồn liên quan đến tế bào gốc. Cụ thể, người ta cho rằng nên giữ lại răng sữa của em bé gửi ngân hàng tế bào gốc để sau này dùng chữa bệnh, hoặc đơn giản giúp mọc lại răng khi bị mất răng hay gãy răng. Theo các tác giả, khoa học hiện đại có xác thực thông tin này không?

Các nhà khoa học: Nhiều nghiên cứu cho thấy trong răng sữa của em bé, đặc biệt là tuỷ răng, có một vài loại tế bào gốc, nhưng chúng có khả năng biệt hoá rất hạn chế. Ứng dụng chủ yếu được hướng tới của những loại tế bào gốc từ răng vẫn là tái tạo răng mới.

Tuy nhiên, việc đưa các ứng dụng này vào thực tế còn rất nhiều trở ngại nên vẫn chưa được công nhận và áp dụng cho bệnh nhân. Vì vậy việc lưu giữ tế bào gốc từ răng sữa hoặc răng sữa trong các ngân hàng có thể không đem lại hiệu quả lớn như mong đợi.

Phóng viên: Chưa hết, từ khoảng bảy tám năm trước, nhiều người giàu ở Việt Nam đã bỏ khoảng 2 tỷ đồng để ra nước ngoài (Hàn, Nhật) dùng liệu pháp tế bào gốc (tiêm). Họ nói thấy da hồng hào và nhẵn mịn, tóc đen lại, mọc thêm dày rậm, tinh thần phấn chấn, trẻ lại khoảng 20 tuổi. Thông tin này có chính xác về mặt y học không?

Các nhà khoa học: Có rất nhiều tin đồn và quảng cáo về sự thần kì của tế bào gốc trong thẩm mỹ. Nhưng cho đến hiện nay việc sử dụng công nghệ tế bào gốc trong thẩm mỹ và chống lão hoá vẫn CHƯA có nhiều cơ sở khoa học rõ ràng và được các cơ quan quản lý cấp phép.

Phóng viên: Có nhiều nơi bán thuốc viên, thuốc ống (để tiêm) tế bào gốc nhau thai (người hoặc cừu) nhập từ Úc, Anh, Nhật, New Zealand… với giá rất cao để làm đẹp và chữa bệnh. Họ quảng cáo đây chính là tế bào gốc cho nên chúng sẽ tái tạo cơ thể trẻ lại toàn bộ, các tế bào bệnh yếu đều bị thay hết mà không cần uống thuốc chữa bệnh nữa và còn đẹp ra như thời trẻ trung.

Những loại thuốc tế bào gốc như vậy có tác dụng và nguy hiểm gì không?

3 tiến sĩ VN ở nước ngoài bóc trần loại tế bào gốc đắt cắt cổ’ với người tiêu dùng Việt - Ảnh 4.

Dùng hình ảnh nhau thai cừu để quảng bá sản phẩm tế bào gốc trên một website tiếng Việt. Ảnh minh họa.

Các nhà khoa học: Với những sản phẩm như vậy, có 2 khả năng.

Một là chúng thực sự có tế bào gốc từ nhau thai; tuy nhiên chúng tôi không tìm thấy bằng chứng và căn cứ khoa học nào cho thấy những sản phẩm tế bào gốc như vậy có tác dụng làm đẹp hay chữa bệnh cả.

Nếu là dạng uống, khi đi vào hệ tiêu hoá, tế bào gốc không thể nào sống sót qua môi trường đầy acid của dạ dày và sẽ bị phân giải như những thức ăn thông thường, vì vậy sẽ không có tác dụng gì cả.

Nếu là dạng tiêm, tế bào gốc từ cơ thể của người khác hay động vật khác sẽ kích ứng hệ miễn dịch hoạt động và loại bỏ. Điều này rất nguy hiểm cho người dùng.

Hai là chúng không thực sự có tế bào gốc gì cả, chỉ là cách của nhà sản xuất và người bán hàng đánh vào tâm lý của người tiêu dùng ít hiểu biết vậy thôi.

Dù là khả năng nào thì đó đều là những sản phẩm không đáng tin cậy, không có lợi ích, tốn tiền và có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng.

Tóm lại, tế bào gốc có tồn tại trong sữa mẹ không và có vai trò gì vẫn còn là điều KHÔNG rõ ràng. Những suy diễn về vai trò kì diệu của tế bào gốc trong sữa mẹ lại càng KHÔNG có cơ sở khoa học, mà chỉ là những lời đồn thổi không có căn cứ.

Tế bào gốc là một lĩnh vực mới mẻ, rất thú vị và nhiều tiềm năng. Liệu pháp tế bào gốc cũng đem đến cho con người nhiều hi vọng trong việc chữa lành nhiều loại bệnh nan y và mãn tính. Tuy nhiên, rất nhiều liệu pháp hiện nay vẫn còn ở giai đoạn sơ khai và chưa có số liệu khoa học cụ thể về tính an toàn và hiệu quả. Vì vậy, việc ứng dụng liệu pháp tế bào gốc lên con người cần phải hết sức dè dặt và cẩn thận.

Nếu quan tâm đến tế bào gốc, các bạn nên tìm đọc cuốn sách "Tế bào gốc – Khám phá cùng nhà khoa học" vì nó sẽ giúp bạn có một cái nhìn toàn cảnh, khoa học và chân thực về lĩnh vực đầy thú vị này!

Cảm ơn các nhà khoa học!

Tài liệu tham khảo:

https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fonc.2013.00079/full

https://www.nature.com/articles/srep12933

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/27749687

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5508878/

http://genesdev.cshlp.org/content/28/11/1143.short


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại