Nhiễm bệnh tình dục từ bạn trai cũ, giờ lấy chồng có ổn?

Anh Thư thực hiện |

Em nhiễm bệnh lậu từ bạn trai cũ 3 năm trước, giờ có người mới, anh ấy muốn kết hôn nhưng em nghe nói mẹ từng bị bệnh lây truyền qua đường tình dục con sẽ bị tật….

Bạn đọc Tr.A. (nữ, 27 tuổi, Long An), hỏi: Em đã chữa khỏi bệnh lậu 3 năm trước sau khi chẳng may lây từ bạn trai cũ. Nay em kết hôn và rất lo lắng không biết khả năng làm mẹ của mình có bị ảnh hưởng hay không, và nếu có thể mang thai thì căn bệnh cũ có đột ngột tái phát và làm hại con em hay không? Em nghe nói mẹ bị bệnh lây truyền qua đường tình dục con sẽ bị mù, dị tật…

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, trả lời:

Bệnh lậu là một bệnh lây truyền qua đường tình dục, tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Neisseria Gonorrhoeae hay còn gọi là Gonococcus (Song cầu gram âm).

Bệnh chủ yếu lây truyền do quan hệ tình dục (bằng nhiều hình thức) không an toàn với người đang mắc bệnh mà chưa được điều trị triệt để. Bệnh có thể điều trị khỏi hẳn bằng thuốc kháng sinh đúng loại, đủ liều nếu bệnh nhân chưa bị kháng thuốc.

Tiên lượng bệnh rất tốt nếu phát hiện sớm và điều trị đúng, có thể trị khỏi mà không để lại di chứng hoặc biến chứng.

Ngược lại, nếu không điều trị kịp thời hoặc điều trị không đúng mức sẽ dẫn đến tình trạng nặng hơn, vi khuẩn lậu sẽ lan tỏa gây viêm toàn bộ cơ quan sinh dục - tiết niệu và vùng chậu, có thể dẫn đến viêm vùng chậu, viêm tắc vòi trứng gây vô sinh hoặc thai ngoài tử cung về sau.

Nếu người mẹ đang mắc bệnh lậu mà sinh đẻ, con có thể bị lây bệnh khi đẻ do tiếp xúc dịch tiết, mủ vùng niệu - sinh dục của mẹ dẫn đến viêm mủ niêm mạc tai – mũi - họng, mắt…, diễn tiến nặng nề khiến trẻ bị mù nếu không được xử lý kịp thời.

Nhưng trường hợp của bạn - đã bệnh đã từ nhiều năm trước và đã được điều trị khỏi hẳn - thì không có gì đáng ngại. Các dấu hiệu khỏi hẳn bệnh là:

- Không còn tình trạng viêm đường tiểu, đi tiểu bình thường .

- Không còn tình trạng tiết dịch sinh dục (khí hư nhiều và có khi như mủ).

- Không còn các triệu chứng đau, khó chịu vùng chậu và vùng sinh dục. Khám phụ khoa thông thường không thấy biểu hiện viêm âm đạo, cổ tử cung , tử cung và vòi trứng .

Khi kết hôn và chuẩn bị có con, bạn chỉ cần lưu ý những điều sau:

- Tình trạng có thai không làm tái phát bệnh nếu thật sự bệnh đã được chữa khỏi . Bệnh chỉ có thể bị tái nhiễm nếu lại có quan hệ tình dục không an toàn với người đang mắc bệnh .

- Nếu không áp dụng một biện pháp tránh thai nào mà trong khoảng 6 – 9 tháng vẫn chưa có thai thì cần đi khám phụ khoa, chụp X quang buồng tử cung- vòi trứng để loại trừ trường hợp di chứng viêm tắc vòi trứng 2 bên.

Nếu quá lo lắng, bạn có thể chủ động đi khám phụ khoa và chụp hình X quang trước khi kết hôn để phát hiện di chứng và điều trị sớm nếu có. Bạn nên đến khám và làm các xét nghiệm ở các BV chuyên khoa phụ sản lớn như BV Từ Dũ, Hùng Vương ở TP HCM để được chẩn đoán và điều trị tốt nhất.

Chúc bạn nhiều may mắn và hạnh phúc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại