LTS: "Nhật ký Blouse trắng" là tuyến bài ghi lại những câu chuyện, cảm xúc, suy tư của những nhân viên y tế, giúp độc giả hiểu hơn về những người ngày đêm tận tuỵ chăm sóc sức khoẻ cho người dân. BBT hân hạnh giới thiệu!
Bài 1: Tâm sự của bác sĩ 2 lần liên tiếp bị chỉ mặt chửi vô đạo đức
Công việc hàng ngày của tôi là lái xe tới nhà những người cần chăm sóc: các ông bà cụ ở nhà một mình, những người tàn tật đủ mọi lứa tuổi.
Họ vẫn còn khỏe, có thể di chuyển và tự mình làm một số việc nhẹ nhàng, nhưng vẫn phải cần người giúp đỡ như cho uống thuốc, đo huyết áp, đo đường huyết, chuẩn bị thức ăn sáng và giúp họ làm vệ sinh cá nhân…
Chị Trần Lệ Vân - Nguyên Điều dưỡng khoa HSCC BV Trưng Vương TP HCM. Hiện đang là sinh viên ngành Acupuncture và TCM tại Canada
Công việc không cực nhọc nhưng cũng căng thẳng vì hàng ngày phải giao tiếp với những người mà bệnh tật đeo đuổi khiến họ bực dọc, cáu gắt, thậm chí la hét, đuổi người chăm sóc đi. Và cả những người bị tâm thần nhẹ nữa.
Tôi có nhiều kỷ niệm với những người mà tôi đã chăm sóc, đơn giản vì tôi gặp họ hàng ngày nên có cảm giác thân thiết lắm.
Dạo đó, tôi có chăm một bà cụ 90 tuổi. Bà bé nhỏ, vẫn còn khỏe, có thể tự đi lại trong nhà, nhưng mỗi ngày đều có nhân viên y tế tới nhà bà 3 lần.
Họ tới cho bà uống thuốc, giúp bà làm thức ăn sáng, giúp bà đánh răng, thay quần áo, bỏ quần áo dơ vào máy giặt, và dọn phòng, hút bụi... Tất cả những thứ này đều có lập kế hoạch chăm sóc rõ ràng, chúng tôi cứ thế mà thực hiện theo.
Bà cụ là một quân nhân về hưu. Người chồng quá cố cũng vậy. Mỗi khi đến nhà, bà hay kể cho tôi nghe về những ngày bà còn tại ngũ và về đứa con đã mất. Những người lính ở đâu cũng khá giống nhau, khi giải ngũ về thì lập gia đình, sinh con.
Bà cũng vậy, sanh được một đứa con gái. Con của bà mất trong ngày sinh nhật 2 tuổi của bé, mà theo lời bà nói, nguyên nhân gây ra cái chết của con là do sự bất cẩn của bà. Kể từ đó, bà không sinh con thêm nữa và luôn bị ám ảnh.
Buổi sáng, tôi hay bỏ 2 lát bánh mì vào cái lò nướng nhỏ, sau đó chiên cho bà một quả trứng. Vì già cả, lại không ai nấu cho ăn nên quanh năm suốt tháng bà chỉ có ăn bánh mì với trứng, hoặc bơ đậu phộng và mứt...
(Ảnh minh họa)
Tôi làm việc với bà không có phiền toái gì, ngoại trừ bà hay níu kéo không cho tôi về khi đã hết giờ. Nếu không đi ngay sau đó thì tôi sẽ bị trễ khi đến nhà người tiếp theo. Tuy nhiên, bà khóc lóc rất tội nghiệp, cứ bảo rằng làm ơn đừng đi, bà cô đơn quá...
Bà bảo ôm tôi đi cô, tôi cần ai đó thương yêu tôi... Những lúc ấy, tôi nghe trái tim mình nhói lên. Nhưng tôi vẫn phải đi, bỏ lại một người già gục xuống sofa khóc rấm rứt vì bị bỏ rơi, và chuyện đó cứ xảy ra thường xuyên như thế.
Các bạn đồng nghiệp tôi rất thương bà. Có một cô bạn của tôi chụp hình cho bà rồi về nhà in hình, làm khung tới tặng bà. Bà luôn kể với tôi rằng cô M đó thương tôi lắm, hôm sinh nhật tôi cổ mua bánh kem cho tui nữa.
Tôi đã chăm sóc bà như thế gần 2 năm. Tôi đã quen với việc bước vào căn nhà trước cửa có mọc những khóm hoa uất kim hương đỏ vào mùa xuân và hoa mẫu đơn vào mùa hè, quen với việc bỏ 2 lát bánh mì sandwich vào cái lò nướng nhỏ và sau đó đi chiên quả trứng, quen với sự ám ảnh của bà về việc bị mất đứa con, quen với những cái ôm thân thiết trước khi về…
Cho đến một hôm, tôi nhận được một cuộc gọi điện thoại của công ty, báo rằng bà đã vô cấp cứu, bảo tôi đừng ghé nhà bà nữa…
Tôi thấy buồn buồn và nhớ bà.
Ảnh minh họa
Sau đó ít hôm, tôi lái xe vòng qua nhà bà. Trước cửa nhà, tôi thấy bó hoa của ai đó đặt trên bãi cỏ. Tôi cố không nghĩ quẩn, nhưng tận sâu trong suy nghĩ, tôi tin là nếu bà có qua thế giới bên kia, chắc có lẽ bà sẽ hạnh phúc hơn là sống mòn mỏi trong sự ám ảnh và nỗi sợ hãi như bà đã sống mấy chục năm qua.
Tôi không thích dùng những từ ngữ hoa mỹ để nói về ngành y của chúng tôi, nhưng tôi tin rằng đa số chúng tôi là những người có một trái tim đầy yêu thương.
Trong muôn vàn những thứ áp lực mà chúng tôi phải chịu khi làm ngành này, có một thứ rất quan trọng là phải sống trong cảm xúc của người bệnh. Đó là thứ cảm giác không dễ chịu chút nào vì khi mình đã chăm sóc người bệnh nào đó, về lâu về dài giữa mình và họ sẽ nảy sinh mối quan hệ gắn bó với nhau. Nếu đó là cảm xúc buồn bã đau thương, sẽ rất nặng nề.
Tôi từng chứng kiến những câu chuyện cảm động như một cô bạn đã hôn lên trán bệnh nhân bị ung thư sắp mất của bạn ấy mỗi buổi tối trước khi tan ca. Một cô bạn khác luôn đi viếng lễ tang của bệnh nhân cô ấy và đi không sót đám tang nào. Riêng tôi, tôi nhớ một bệnh nhân nào đó đã mất đi. Cảm giác này không thể mất đi trong một sớm một chiều được.