Nhập viện cấp cứu vì bị hóc xương cá dứa và tự móc

Khánh Chi |

BSCK 2 Phạm Thanh Phong - Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết các bác sĩ vừa cấp cứu bệnh nhân bị áp xe cổ lan xuống trung thất nghiêm trọng do hóc xương cá và tự móc.

Bà Trần T. H. (ngụ tỉnh Tiền Giang) nuốt phải xương cá dứa trong bữa ăn. Bà H. cố nuốt cơm và sau đó móc họng nhiều lần. Đến khi cổ đau ngày càng tăng, sưng to, bà H. mới đến bệnh viện địa phương khám sau đó được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ điều trị.

Bệnh nhân được chụp cắt lớp vi tính cột sống cổ có tiêm thuốc cản quang. Hội chẩn liên khoa với chẩn đoán bệnh nhân bị áp xe cổ lan trung thất, đái tháo đường tuýp 2.

Nhập viện cấp cứu vì bị hóc xương cá dứa và tự móc - Ảnh 1.

Bệnh nhân được các bác sĩ cấp cứu.

Các bác sĩ sau đó thực hiện bóc tách vào ổ áp xe dọc động mạch cảnh – thực quản và khí quản thấy có nhiều mủ, lấy mủ làm kháng sinh đồ. Hút ra 500ml mủ đục hôi và lấy ra được xương cá.

Theo bác sĩ, nhiều người có thói quen bị hóc xương cá thường dùng tay để móc họng, nuốt cục cơm nóng, uống nước. Tuy nhiên, cách làm này rất nguy hiểm, bởi dễ khiến xương cá trôi sâu hơn hoặc đâm vào làm tổn thương, có thể gây thủng thực quản.

Nếu chẳng may bị hóc xương cá, không nên cố nuốt mà hãy cố gắng nôn oẹ càng sớm càng tốt. Chú ý không móc họng vì sẽ gây nôn nhiều, có thể gây phù nề hoặc khiến khó thở. Nếu không may hóc phải xương to, xương bị mắc quá sâu nên đến bác sĩ kiểm tra để xử lý kịp thời.

Để tránh bị hóc xương trong khi ăn uống tại nhà, tốt nhất nên lọc thịt riêng, xương riêng, không nên để xương thịt lẫn lộn. Trong khi ăn nên tập trung, tránh vừa ăn vừa nói chuyện, cười đùa. Hãy ăn chậm, nhai kỹ, không ăn nhanh, ăn vội vàng. Nếu cho trẻ nhỏ hay người già ăn cá nên gỡ kỹ xương, kiểm tra thật kỹ thức ăn trước khi cho trẻ ăn, nên chọn cá ít xương dăm tránh gây hóc xương cho trẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại