Nhà thầu đường sắt trên cao đòi phạt 40 triệu USD, trách nhiệm thuộc về ai?

Hoàng Đan |

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, cơ quan, cá nhân nào chịu trách nhiệm về việc bàn giao mặt bằng cho dự án đường sắt trên cao mà để chậm trễ thì phải chịu trách nhiệm nộp phạt.

"Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự"

Liên danh Hyundai E&C - Ghella JV, một trong những nhà thầu ngoại của dự án đường sắt đô thị Hà Nội vừa có văn bản gửi Ban quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội yêu cầu điều chỉnh tăng phí hợp đồng thực hiện gói thầu số 3 hầm và ga ngầm do chủ đầu tư chậm trễ bàn giao mặt bằng.

Số tiền nhà thầu đòi bổ sung lên tới 40 triệu USD, tương đương trên 800 tỷ đồng.

Trao đổi với chúng tôi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, việc bàn giao mặt bằng phụ thuộc vào hợp đồng, quy định của dự án nên cần căn cứ vào đó để xử lý.

"Đã là hợp đồng, cam kết thì ta phải thực hiện theo đúng quyền, nghĩa vụ. Cơ quan, cá nhân nào chịu trách nhiệm về việc bàn giao mặt bằng mà để chậm trễ thì phải chịu trách nhiệm.

Còn khi nhà thầu có đề nghị phạt như vậy thì về phương diện hợp đồng ta nên đàm phán xem nó liên quan đến thiệt hại thực sự hay cam kết thông thường.

Nếu là thiệt hại thì tính toán cho chính xác, đầy đủ, còn nếu chỉ là cam kết thông thường thì đề nghị châm chước và các cơ quan có thẩm quyền phải xử lý nhanh, rốt ráo để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu", ông Nhưỡng nói.

Nhà thầu đường sắt trên cao đòi phạt 40 triệu USD, trách nhiệm thuộc về ai? - Ảnh 1.

Đại biểu Nhưỡng

Ông cũng chỉ ra, việc chậm trễ bàn giao mặt bằng khiến nhà thầu đề nghị phạt không chỉ liên quan đến thiệt hại tiền, mà còn ảnh hưởng chung đến nền kinh tế.

Vì thế, cần xem xét một cách thấu đáo, kỹ lưỡng. Nên mời chuyên gia xem xét, tư vấn cho lĩnh vực này.

"Trong trường hợp này, theo tôi, ở hợp đồng đã ghi rất rõ ai, đơn vị nào chịu trách nhiệm đối với dự án này nên nếu Ban quản lý đường sắt đô thị hay Hà Nội hoặc Bộ nào làm chưa đúng thì phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Nếu để thất thoát quá lớn nhưng không phải do khách quan mà do quá trình quản lý, điều hành thì phải truy cứu, xử lý, thay đổi người, ban điều hành, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự", ông Nhưỡng nêu rõ.

Cần quy trách nhiệm cho Trưởng ban quản lý đường sắt Hà Nội?

Còn đại biểu Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, liên danh nhà thầu trong văn bản cũng đã nêu rất rõ việc phạt hơn 800 tỷ đồng là chậm do công việc nào, đơn giá cụ thể nhân ra con số đó.

Đây chắc chắn chưa phải con số cuối cùng, bởi còn phải thương thảo, căn cứ nội dung hợp đồng đã ký kết, đặc biệt điều khoản xử lý vi phạm để xử lý.

"Nhưng việc giải phóng mặt bằng chậm là lỗi của chúng ta và không chỉ dự án này mà gần như đây là sự cố hữu ở nhiều dự án khác nhau. Tôi cho rằng, trước tiên cần rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện", ông Thắng nói.

Ông cũng cho rằng, chúng ta phải lường trước được khó khăn trong giải phóng mặt bằng vì thực tế đã gặp nhiều trường hợp chậm trễ. Khi chưa có mặt bằng mà chúng ta ấn định các công việc tiếp theo là việc làm mạo hiểm, vì nó nằm ngoài khả năng kiểm soát của người điều hành dự án đó.

Chúng ta cần rút kinh nghiệm chung trong việc ký kết, thực hiện các dự án, đặc biệt các dự án có yếu tố nước ngoài. Bởi, dù người ta viện trợ vốn vay thì cũng đều được quy định bằng các điều khoản chặt chẽ về trách nhiệm mỗi bên, nên chúng ta phải lường trước khó khăn để tránh chuyện bút sa gà chết.

Về mặt xử lý, vị đại biểu này cho rằng, tất cả các bộ phận thực hiện dự án đều có quy định rõ ràng về trách nhiệm nên trách nhiệm của bộ phận nào đến đâu tì xử lý đến đó.

"Nguồn tiền nộp phạt này ở đâu là vấn đề vô cùng khó khăn, nhưng theo tôi cần quy trách nhiệm.

Dự án này liên quan đến 2 chủ thể từ Trung ương, Nhà nước và thứ 2 là TP Hà Nội, do đó trách nhiệm và trách nhiệm giải phóng mặt bằng đến đâu thì chúng ta sẽ xác định được.

Nếu căn cứ vào hợp đồng, điều khoản cụ thể như thế thì chúng ta không thể thoái thác được. Còn để khắc phục phải tìm nguồn nhanh nhất để thực hiện và cần rút kinh nghiệm một bước nữa để đẩy nhanh tiến độ các hạng mục để sau này tránh phải đền bù", ông Thắng nhấn mạnh.

Trước ý kiến cho rằng, có nên quy trách nhiệm đền bù này cho Trưởng Ban quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nôi, đại biểu Thắng nêu rõ:

"Tôi cho là cần thiết, bởi rõ ràng, căn cứ vào trách nhiệm của các bên tham gia vào dự án đến đâu phải quy trách nhiệm rõ. Cần rút kinh nghiệm chung cho hệ thống công chức công vụ của chúng ta và xử lý cán bộ khi có sự việc xảy ra".

Trước đó, ngày 30/10/2015, liên danh Hyundai E&C - Ghella JV trúng thầu thi công gói thầu số 3 và đã kí với Ban quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) hợp đồng thầu hầm và các ga ngầm.

Ngày 6/9/2016, nhà thầu gửi văn bản cho chủ đầu tư đính kèm bản thảo biên bản ghi nhớ. Trong đó khẳng định nhiều mốc thời hạn bàn giao mặt bằng công trường từng phần và giai đoạn 1 của kế hoạch di dời các công trình ngầm nổi đã hết hạn.

Chi phí ảnh hưởng của kế hoạch thi công sơ bộ sẽ phải được sửa đổi cho phù hợp.

Theo nhà thầu, phần "Chi phí điều chỉnh thời gian hoàn tất" sẽ được điều chỉnh với giá trị 84.600 USD/ngày nhân với 10 tháng (303 ngày) để tính toán phí tổn bổ sung do thời gian bị kéo dài hơn so với kế hoạch.

Khoản phí bổ sung sẽ là 25,6 triệu USD. Về chi phí bổ sung do sự trùng lặp giữa thứ tự của các công trình và các giai đoạn di dời công trình hạ tầng kĩ thuật cũng được tạm tính 8.509 USD/ngày nhân với 438 ngày (cho 4 ga tầu) bằng 3,7 triệu USD.

Ngoài ra, nhà thầu JV còn đòi thêm khoản chi phí "chậm trễ ngày bắt đầu" khoảng 180 ngày với giá 46.500 USD/ngày tương đương với 11 triệu USD.

Tổng mức phí bổ sung mà nhà thầu đòi chủ đầu tư khoảng 40 triệu USD.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại