300 người chết mỗi ngày
Theo thống kê ở Việt Nam năm 2018, có 165 nghìn người mắc ung thư mới và tỷ lệ tử vong là gần 115 nghìn người. Như vậy, mỗi ngày cả nước có hơn 300 người tử vong do ung thư. Ung thư đang trở thành gánh nặng không chỉ tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
Việt Nam xếp vị trí 99/185 quốc gia và vùng lãnh thổ với tỉ lệ mắc ung thư 151,4/100.000 dân, xếp 19 châu Á và thứ 5 tại khu vực Đông Nam Á. Vào năm 2015, Việt Nam xếp vị trí 107 và thời điểm 2013 xếp ở vị trí 108.
Giáo sư Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế e ngại về tỷ lệ tử vong do ung thư ở Việt Nam. Thứ trưởng Tiến cho rằng so với tỷ lệ mắc của người Việt Nam đứng ở vị trí 78 không phải là vị trí ung thư quá cao nhưng tỷ lệ tử vong lại ở vị trí 56/185 quốc gia, vùng lãnh thổ với tỉ lệ 104,4/100.000 dân.
Vào năm 2016, tỉ lệ tử vong của Việt Nam ở mức 110/100.000 dân. Giáo sư Tiến cho rằng cần phải lý giải vì sao bệnh nhân ung thư tử vong cao như thế.
Về mặt điều trị, hiện nay ở Việt Nam các phương pháp điều trị ung thư trên thế giới đều được cập nhật thường xuyên. Dù không phải là đứng đầu nhưng cũng ngang với các nước trong khu vực. Kỹ thuật điều trị công nghệ cao được áp dụng thường xuyên hơn nhưng tỷ lệ tử vong do ung thư vẫn rất cao.
Giáo sư Nguyễn Bá Đức – nguyên giám đốc Bệnh viện K trung ương, Phó chủ tịch Hội phòng chống ung thư Việt Nam
Giáo sư Tiến cho rằng cần tuyên truyền thật kỹ bệnh ung thư để người dân hiểu hơn về bệnh ung thư và có thói quen đi khám và sàng lọc ung thư sớm để phát hiện sớm được bệnh ung thư.
Các bệnh ung thư phổ biến ở Việt Nam hiện nay như: ung thư gan, ung thư phổi, ung thư vú ở nữ, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng, ung thư tiền liệt tuyến…
Việt Nam đã triển khai tầm soát ung thư vú trong cộng đồng và giáo sư Tiến cho rằng, cần tuyên truyền hơn nữa để người dân tự sàng lọc sớm ung thư và khi phát hiện ung thư cần điều trị theo các phương pháp khoa học.
Theo báo cáo của Bệnh viện K trung ương, 70% bệnh nhân ung thư ở Việt Nam đến bệnh viện ở các giai đoạn muộn, bệnh ung thư xâm lấn nên việc điều trị vừa khó khăn, tốn kém cho người bệnh.
Vì sao tỷ lệ tử vong cao?
Theo giáo sư Nguyễn Bá Đức – nguyên giám đốc Bệnh viện K trung ương, Phó chủ tịch Hội phòng chống ung thư Việt Nam nhìn vào bảng thống kê bệnh ung thư giữa con số mắc và con số tử vong thì Việt Nam nằm trong Top 2 trong nước, vùng lãnh thổ nhưng vì sao tỷ lệ tử vong cao. Giáo sư Đức lý giải tất cả các bệnh ung thư tỷ lệ chữa khỏi phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Giai đoạn phát hiện bệnh ở mức độ nào. Có nhiều bệnh ung thư nếu phát hiện sớm ở giai đoạn đầu thì tỷ lệ chữa khỏi lên tới 99%.
Ví dụ như ung thư da tế bào đáy phát hiện sớm điều trị khỏi 100%, ung thư cổ tử cung sớm 95%, phần lớn ung thư phát hiện sớm có thể chữa khỏi 100%. Còn ở giai đoạn muộn, phát hiện trễ thì việc điều trị khó khăn và việc khỏi cũng tiên lượng dè dặt.
Bệnh nhân ung thư còn chưa hiểu về bệnh.
Hay như với bệnh ung thư vú, đây là bệnh ung thư phổ biến không riêng gì ở nước ta mà trên toàn thế giới. Cách đây 10 năm tỷ lệ khỏi bệnh ung thư vú ở nước ta khoảng 30% nhưng đến năm 2018 tỷ lệ khỏi bệnh lên tới 75%. Đây là tỷ lệ cao ngang với Singapore và các nước trong khu vực.
Theo giáo sư Đức nhờ có tầm soát trong cộng đồng và tuyên truyền về sàng lọc ung thư vú nên người bệnh chủ động đi khám khi có bất thường. Điều này chứng tỏ việc phát hiện sớm, điều trị khoa học bài bản thì tỷ lệ thành công sẽ cao.
Tỷ lệ tử vong do ung thư ở Việt Nam cao hơn vì nhiều bệnh nhân ung thư phát hiện ở giai đoạn muộn.
Theo giáo sư Đức nhiều lý do khiến bệnh nhân vào viện ở giai đoạn muộn:
Thứ nhất: Do người bệnh chưa có điều kiện để sàng lọc và phát hiện sớm khi bệnh ở giai đoạn sớm. Nếu ung thư ở giai đoạn sớm không có dấu hiệu, người bệnh không cảm nhận được dấu hiệu nào. Khi có triệu chứng thì bệnh đã muộn, chỉ điều trị kéo dài được thời gian sống thêm vài nằm còn khỏi bệnh rất thấp.
Thứ hai: Trong những năm gần đây, nền y tế Việt Nam có nhiều tiến bộ về trang thiết bị máy móc trong điều trị ung thư nhưng ở các bệnh viện vùng sâu, vùng xa thì điều trị ung thư còn khó khăn. Các trung tâm ung bướu lớn ở Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP.HCM thì tốt nhưng các tỉnh thì còn khó khăn nên việc chăm sóc điều trị ung thư còn thấp nên tỷ lệ tử vong do ung thư cao.
Thứ ba: Người dân có thói quen và hiểu biết chưa đầy đủ về ung thư. Hầu như bệnh nhân rơi vào tình huống ở giai đoạn sớm thì giấu bệnh.
Tâm lý có bệnh vái tứ phương đầu tiên họ sẽ chạy theo các phương pháp phản khoa học trước như cúng bái, nhịn ăn, thuốc lá đủ các phương pháp và khi quá muộn họ mới vào bệnh viện. Đây cũng là lý do vì sao tỷ lệ tử vong do ung thư ở nước ta lại tăng cao như thế.
Giáo sư Đức khuyến cáo, người dân ngoài thói quen tự lắng nghe cơ thể mình có bất thường cần đi kiểm tra ngay thì nên có thói quen khám sức khỏe định kỳ.
Khi phát hiện sớm ung thư không nên chạy theo vòng luẩn quẩn "thầy lang – cúng bái – nhịn ăn – suy kiệt – bệnh viện" mà nên tìm hiểu các phương pháp điều trị khoa học. Hiện nay, các phương pháp điều trị ung thư đã tiến bộ hơn trước rất nhiều và hạn chế tác dụng phụ cho người bệnh.