Bệnh nhân nữ 79 tuổi vào viện trong tình trạng lơ mơ do hạ đường huyết, suy hô hấp, tụt huyết áp, theo dõi nhiễm trùng huyết. Tiên lượng rất nặng.
Sau nhập viện 30 phút, bệnh nhân đột ngột ngưng tim ngưng thở, các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu kịp thời đặt nội khí quản, thở máy và chuyển Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc theo dõi và điều trị.
Qua khai thác tiền sử, bệnh sử gia đình thông tin: bệnh nhân được chẩn đoán đái tháo đường trên 1 năm nhưng điều trị không liên tục.
Gần đây, bệnh nhân có đi bốc thuốc nam, thuốc bắc uống khoảng 20 thang (không rõ loại).
Sau 1 tuần điều trị, bệnh nhân tỉnh, thở oxy qua sonde mũi, tình trạng sức khỏe đã qua giai đoạn nguy hiểm, được chuyển đến Khoa Nội tiết theo dõi và điều trị.
Cũng trong thời gian này, bệnh viện đồng thời tiếp nhận thêm 2 trường hợp cấp cứu với bệnh cảnh tương tự.
Qua tìm hiểu, quá trình điều trị bệnh nhân cũng không tuân thủ theo lời khuyên của bác sĩ, tự ý sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc. Cả hai bệnh nhân đều không qua khỏi, đáng tiếc trong đó có một bệnh nhân nam mới 32 tuổi.
Hiểu đúng về bệnh đái tháo đường
Theo khảo sát của Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới, năm 2017 trên toàn cầu có khoảng 425 triệu người mắc bệnh đái tháo đường và ước tính đến năm 2045 tăng lên con số 629 triệu người mắc bệnh (gia tăng 48%).
Tại Việt Nam, bệnh đái tháo đường trong những năm qua đã tăng lên một cách nhanh chóng.
Kết quả điều tra gần đây nhất cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường chiếm khoảng 6% dân số, tăng gấp đôi so với đầu những năm 2000 và tuổi mắc bệnh đái tháo đường ngày càng trẻ hóa.
Đây là điều đáng báo động khi tỷ lệ gia tăng bệnh đái tháo đường ở nước ta tăng nhanh hơn so với mức trung bình của thế giới.
Bệnh đái tháo đường mang tính di truyền, người có cha mẹ ruột mắc bệnh thì có nguy cơ dễ mắc bệnh hơn. Bên cạnh đó, yếu tố môi trường chiếm phần quan trọng.
Các chuyên gia y tế cho rằng, nguyên nhân chính khiến người dân sống ở các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam) bị bệnh đái tháo đường ngày càng nhiều là do thay đổi lối sống, mọi người có xu hướng ít vận động hơn, sử dụng các thực phẩm giàu năng lượng, giàu chất béo và tỷ lệ người quá cân hay béo phì tăng lên.
Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến cho sự đề kháng insulin gia tăng, tuyến tụy tăng tiết insulin và đến một giai đoạn nào đó cạn kiệt insulin và sẽ sinh ra bệnh đái tháo đường.
Điều trị bệnh đái tháo đường hiệu quả chúng ta cần kết hợp giữa chế độ ăn phù hợp, luyện tập thể lực và dùng thuốc tương thích với từng người bệnh và từng giai đoạn bệnh.
Tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường ngày càng gia tăng, gây nhiều biến chứng nặng nề, nguy hiểm, đôi khi dẫn đến tử vong .
Nếu bệnh nhân được điều trị đúng và phù hợp thì có thể kiểm soát được bệnh cũng như hạn chế tối đa các biến chứng cho người bệnh.
Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường có nhiều loại thuốc không rõ nguồn gốc, được quảng cáo là thuốc "gia truyền", "thuốc tàu" hay "thuốc cặp" điều trị bệnh đái tháo đường.
Các loại thuốc này đã được biết là trộn với các hoạt chất điều trị bệnh đái tháo đường được thế giới sử dụng hơn nửa thế kỷ trước và hiện nay đã không còn dùng nữa vì gây tác hại nguy hiểm cho người bệnh thậm chí có thể tử vong.
Các bác sĩ khuyến cáo: người bệnh đái tháo đường không nên tự ý dùng các loại thuốc không rõ nguồn gốc nêu trên và nên đến các cơ sở y tế địa phương để được các bác sĩ thăm khám và kê toa thuốc phù hợp.