Nguy cơ tử vong cao khi tự ý rút “dị vật” đâm vào người

Kim Đồng |

Nhiều trường hợp không may bị vật nhọn, vật sắc như dao, thanh sắt, cành cây, mảnh sành, mảnh kính… đâm vào người. Để xử lý, nhiều người lại tự ý rút dị vật khỏi cơ thể. Việc làm này khiến vùng bị tổn thương chảy máu nhiều gây khó khăn khi điều trị và tiềm ẩn nguy cơ tử vong cao.

Vết thương nhỏ… nguy cơ tử vong cao

Tại TPHCM, nhiều bệnh viện thường xuyên phải tiếp nhận và chữa trị các ca bệnh tai nạn lao động, tai nạn giao thông, các ca đả thương và đâm chém nhau…

Trong đó, có trường hợp người bệnh bị vật nhọn, vật sắc như dao, thanh sắt, cành cây, mảnh sành, mảnh kính… đâm vào người.

Tuy nhiên khi xử lý, người bệnh hoặc người nhà tự ý rút dị vật ra khỏi cơ thể khiến vùng tổn thương chảy nhiều máu, tổn thương nặng và tiềm ẩn nguy cơ tử vong cao.

Tối 3.1, bé gái N. (2 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM), được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi đồng (BVNĐ) cấp cứu trong tình trạng ngưng tim ngưng thở, mất nhiều máu.

Qua lâm sàng, các bác sỹ nhìn thấy vết đâm sâu khoảng 3 cm ở chân cổ bên phải làm đứt nhiều mạch máu và dây thần kinh. BVNĐ cấp cứu trong tình trạng nguy kịch: Ngưng tim, ngưng thở, mất nhiều máu…

Người nhà bệnh nhi cho biết, tối 3.1, bé N. đang cầm chén cơm trên tay thì không may vấp ngã nên chén cơm bị vỡ và một mảnh sành đã đâm sâu vào cổ.

Quá lo sợ, mất bình tĩnh và rối lên nên người nhà cháu N. đã tự ý rút mảnh sành ra khỏi cổ bé, lấy khăn quấn lại và đưa đến BVNĐ cấp cứu. Qua khám lâm sàng, các bác sĩ nhìn thấy vết đâm sâu khoảng 3 cm ở cổ bên phải làm đứt nhiều mạch máu và dây thần kinh.

Ngay sau khi tiếp nhận ca bệnh, bệnh nhi được các bác sĩ cho truyền dịch, truyền máu và đưa thẳng vào phòng mổ.

Quá trình tiến hành kẹp các động mạch, tĩnh mạch vùng cổ bị đứt và cầm máu, các bác sĩ phát hiện bên cạnh các động mạch và tĩnh mạch bị tổn thương còn có một thương tổn nguy hiểm khác là đám rối thần kinh ngoại vi vùng cổ bên phải bị đứt.

Hơn 5 giờ vừa hồi sức vừa phẫu thuật khâu nối các mạch máu và đám rối thần kinh, bệnh nhi N. đã thoát khỏi nguy cơ tử vong.

Cháu N. có dấu hiệu hồi sinh, đồng tử phản xạ với ánh sáng, mạch, huyết áp ổn định, vết mổ khô và không còn chảy máu. Mặc dù mạng sống được giữ nhưng bệnh nhân phải đối diện với khả năng tổn thương não do ngưng tim, ngưng thở kéo dài…

Ngoài trường hợp cháu N., qua tìm hiểu của phóng viên Báo Lao Động, việc nhiều người tự ý rút miếng sắt, mảnh kính, mảnh sành hay cành cây nhọn đâm vào chân, tay, vùng bụng, cổ… và tự ý rút dị vật ra cơ thể thường gặp.

Thậm chí có trường hợp, tự điều trị vì nghĩ là vết thương nhẹ… Tuy nhiên, một thời gian sau, vết thương bị nhiễm trùng, gây tổn thương nặng. Có trường hợp nhiễm trùng phải cắt bỏ một phần tay, chân hoặc vùng tổn thương…

Cố định vết thương, sơ cứu để cầm máu

Bác sỹ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BVNĐ cho biết, trường hợp cháu N. gia đình bệnh nhi đã sai lầm khi rút mảnh sành ra khỏi cổ khiến máu tràn ra ngoài nhiều và không cầm máu lại được.

Bệnh viện đã gặp và chữa trị nhiều trường hợp tương tự và cũng đã nhiều lần tư vấn cho người bệnh, người nhà bệnh nhân cách xử lý ban đầu khi không may bị dị vật đâm vào người.

“Cách xử lý đúng nhất là để nguyên mảnh sành ở cổ, tìm cách cố định cổ, đầu cháu bé và đưa đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện gần nhất.

Có thể hạn chế máu chảy ở vết thương bằng cách dùng gạc đắp xung quanh, băng quanh cổ, vùng tổn thương… trước khi đến bệnh viện để các y bác sĩ điều trị”, bác sĩ Tiến nói.

Ngoài ra, bác sĩ khuyến cáo, đối với trẻ em: trẻ rất hiếu động, các bậc cha mẹ phải luôn để mắt đến trẻ. Một số trường hợp trẻ đang chập chững tập đi đã bị té cầu thang trong lúc đi xuống cầu thang, gây các chấn thương như chấn thương sọ não, chấn thương cột sống, gãy tay, gãy chân...

Một số tai nạn sinh hoạt khác cũng thường gặp ở trẻ như phỏng điện, phỏng nước sôi, té vào chậu, xô nước (nhiều trường hợp trẻ nghịch té cắm đầu vào xô nước dẫn đến tử vong), tổn thương do những vật nhọn (do đùa nghịch, chơi dao, chơi miếng sành)... người lớn cần trông bé cẩn thận, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Các bác sĩ tại TPHCM khuyến cáo, nếu không may bị dị vật đâm vào người tuyệt đối không rút ra. Phải dùng gạc đắp xung quanh, băng quanh vùng tổn thương, cố định vết thương và nhanh chóng đưa bệnh nhân tới bệnh viện điều trị… nhằm tránh nguy cơ tử vong.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại