Người Việt chi nhiều tỷ đồng/năm mua sát thủ hại gan

Tiểu Nhã |

Theo các chuyên gia bia rượu chính là tác nhân gây ra 200 bệnh tật khác nhau và gánh nặng bệnh tật do bia rượu đã trở thành "báo động đỏ" với người Việt.

Rượu tàn sát hệ tiêu hoá

PGS Trần Văn Thuấn – PGĐ Bệnh viện K Trung ương cho biết hiện nay Việt Nam ước tính có 125 nghìn ca ung thư mới mắc thêm mỗi năm, 94 nghìn ca chết.

Dự đoán đến năm 2020 có 189 nghìn ca mới mắc, đây là xu hướng mới mắc các bệnh lây nhiễm có xu hướng giảm dần như ung thư, tim mạch, tâm thần, tiểu đường càng gia tăng, mô hình bệnh tật thay đổi và trong đó có tác nhân do rượu chiếm tới 50%.

Không chỉ gây ung thư, cồn "tàn sát" lá gan không thương tiếc. TS Lê Đinh Tùng – Bộ môn sinh lý trường đại học Y Hà Nội cho biết khi cồn vào cơ thể sẽ hấp thu một lượng nhỏ được qua niêm mạc miệng và thực quản.

Cồn có thể hấp thu từ dạ dày, nhưng thức ăn sẽ pha loãng rượu và làm chậm quá trình làm sạch dịch vị nên phần trên của ruột non là nơi hấp thu chủ yếu rượu.

Người Việt chi nhiều tỷ đồng/năm mua sát thủ hại gan - Ảnh 1.

Theo TS Tùng, khi uống rượu lượng cồn hấp thụ ở dạ dày 20% thì ở ruột non lên tới 80%, mức độ đào thải cồn là 15 mg/dl/hr. Chỉ 1% cồn được đào thải qua phổi, nước tiểu và mồ hôi. 

Phần lớn rượu được oxy hoá tại gan tạo thành acetaldehyde. Uống rượu ở dạng nghiện làm tích trữ mỡ ở tế bào gan gây gan nhiễm mỡ, tích luỹ acetaldehyde gây độc cho tế bào gan là chết tế bào và thay thế bằng tổ chức sợi.

Sợi hoá gan gây nên tình trạng xơ gan và chức năng gan suy giảm có thể gây nên tình trạng hôn mê gan.

Chúng ta đang uống 27,4 lít/người/năm

Gần 2 thập kỷ qua, mức tiêu thụ đồ uống có cồn toàn cầu đang chững lại thì Việt Nam là một trong số ít quốc gia có xu hướng tăng nhanh tiêu thụ đồ uống có cồn ở mức cao trên thế giới.

Bác sĩ Trần Quốc Bảo – Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế cho biết năm 2015 sản lượng rượu bia ở Việt Nam lên tới 3.4 tỷ lít bia, 70 triệu lít rượu công nghiệp (rượu sản xuất có đăng ký) và ước tính khoảng 200 triệu lít rượu không chính thống/năm.

Chỉ trong vòng 5 năm 2010-2015, sản lượng bia tăng trung bình 7%/năm, sản lượng rượu tăng 4,4%/năm. Với mức tiêu thụ 27.4lít cồn nguyên chất/người năm 2010, Việt Nam đứng thứ hai trong các nước Đông Nam Á, xếp thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới.

Theo nghiên cứu của Cục Y tế dự phòng thì có tới 77.3% nam giới trưởng thành (18-69 tuổi) hiện sử dụng rượu bia, cao hơn so với mặt bằng chung của toàn cầu (47.7%), và của các khu vực (Châu Phi-40.2%, Châu Mỹ-70.7%, Châu Âu -74.4%, Tây TBD -58.9%, Địa Trung Hải-7.4%).

Cùng với đó, có gần một nửa nam giới (44.2%) sử dụng rượu bia ở mức có hại (có ít nhất 1 lần uống từ 60g cồn trở lên trong 30 ngày) - mức tăng gần gấp đôi so với năm 2010 (25.1%), và gần một nửa nam giới lái xe sau khi uống rượu bia là 45%.

Người Việt chi nhiều tỷ đồng/năm mua sát thủ hại gan - Ảnh 2.

Song song với việc uống rượu bia, chi phí kinh tế của việc sử dụng rượu bia và để điều trị cho các bệnh liên quan đến rượu bia là rất lớn.

Các chuyên gia của tổ chức HealthBridge Canada đã nghiên cứu với chi trung bình 733.058 đồng/hộ, tổng chi tiêu cho rượu bia của Việt Nam năm 2010 là 16.372 tỷ đổng.

Số tiền này có thể mua 1.770.000 tấn gạo, đủ để nuôi sống 21 triệu người/năm. Ở các gia đình dưới ngưỡng nghèo, nếu số tiền mua rượu bia được dùng mua sữa thì trẻ em sẽ được uống khoảng 122 cốc sữa/năm thay vì 1 cốc/năm.

Cùng với đó, gánh nặng kinh tế - tổng chi phí trực tiếp và gián tiếp cho 6 loại bệnh ung thư phổ biến (như ung thư gan, ung thư đại trực tràng, ung thư khoang miệng, ung thư dạ dày, ung thư vú, ung thư cổ tử cung, trong đó có 5 bệnh liên quan đến sử dụng rượu bia) tại Việt Nam lên tới 25.789 tỷ đồng chiếm 0.22% tổng DGP năm 2012.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại