Người phụ nữ tái nhiễm biến thể Omicron nhanh "kỷ lục": Chuyên gia miễn dịch nói gì

PV |

Một phụ nữ tại Tây Ban Nha đã tái nhiễm COVID-19 sau 20 ngày kể từ lần nhiễm bệnh cuối cùng. Đây được coi là khoảng cách tái nhiễm ngắn nhất được ghi nhận từ khi đại dịch bắt đầu.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

COVID-19 vẫn đang hoành hành khắp thế giới với những đợt tái nhiễm. Một số người tái nhiễm virus SARS-CoV-2 sau vài tháng kể từ lần nhiễm bệnh cuối cùng, nhưng cũng có những người tái nhiễm chỉ sau vài tuần.

Khoảng cách giữa 2 lần nhiễm COVID là bao lâu?  

Tái nhiễm là trường hợp mắc COVID-19 đã khỏi bệnh nhưng bị nhiễm lại. Khi các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện, đồng thời khả năng miễn dịch từ lần nhiễm bệnh trước đó hoặc miễn dịch do vaccine giảm dần thì việc tái nhiễm sẽ xảy ra dễ dàng hơn.

Thông thường, khi một người đã từng nhiễm COVID-19, hệ miễn dịch của họ sẽ tạo ra phản ứng giúp cơ thể chống lại virus nếu tiếp xúc những lần sau đó. Tuy nhiên, cho tới nay, khả năng miễn dịch này có thể kéo dài bao lâu vẫn là câu hỏi chưa tìm được lời đáp. Thêm vào đó, khả năng miễn dịch của mỗi người lại khác nhau.

Biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 được cho là có khả năng tái nhiễm cao hơn so với biến thể Delta.

Dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia, Vương Quốc Anh (ONS), cho thấy số ca tái nhiễm COVID-19 cao hơn gấp 10 lần trong khoảng thời gian bùng dịch Omicron tại quốc gia này.

Người phụ nữ tái nhiễm biến thể Omicron nhanh kỷ lục: Chuyên gia miễn dịch nói gì - Ảnh 1.

Omicron có khả năng gây tái nhiễm cao hơn. Ảnh minh hoạ.

Cũng theo dữ liệu từ ONS, những người chưa được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 có nguy cơ tái nhiễm cao gấp đôi so với những người đã được tiêm chủng đầy đủ từ 14 - 89 ngày trước.

Thế nhưng, một phụ nữ 31 tuổi, nhân viên y tế tại Tây Ban Nha đã tái nhiễm biến thể Omicron chỉ sau khi nhiễm biến thể Delta 20 ngày. Đây là thời gian ngắn nhất giữa 2 lần nhiễm COVID-19 được ghi nhận kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Tiến sĩ Gemma Recio, Viện Y tế Catalan, Tây Ban Nha, cho biết: "Trường hợp tái nhiễm này cho thấy Omicron có thể né tránh khả năng miễn dịch có được do lần nhiễm bệnh trước đó với các biến thể khác hoặc miễn dịch do vaccine".

"Nói cách khác, những người đã từng nhiễm COVID-19 không hoàn toàn có thể tránh được việc tái nhiễm, ngay cả khi họ đã được tiêm phòng đầy đủ."

"Tuy nhiên, vaccine chắc chắn sẽ có hiệu quả trong việc chống lại nguy cơ bệnh trở nặng và nhập viện khi tái nhiễm."

Làm gì khi tái nhiễm COVID-19?

Người phụ nữ tái nhiễm biến thể Omicron nhanh kỷ lục: Chuyên gia miễn dịch nói gì - Ảnh 2.

Hãy tự cách ly nếu bị tái nhiễm COVID-19. Ảnh minh hoạ.

Theo Dịch vụ Y tế Vương Quốc Anh (NHS), khi bị tái nhiễm COVID-19, bạn nên cố gắng tự cách ly, đặc biệt nếu bạn có các triệu chứng của bệnh như sốt cao, mệt mỏi,… để tránh lây nhiễm cho những người khác.

"Mặc dù bạn có thể có khả năng miễn dịch với virus từ lần nhiễm bệnh trước đó, nhưng không rõ khả năng miễn dịch này có thể tồn tại trong bao lâu", trang web của NHS viết.

"Hãy hết sức cẩn thận để tránh tiếp xúc gần với bất kỳ ai, đặc biệt với những người có nguy cơ cao mắc bệnh nặng khi bị nhiễm COVID-19."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại