Ảnh minh họa.
Bác sĩ Trần Đức Cảnh, Bệnh viện K, cho biết anh vừa điều trị cho một bệnh nhân 23 tuổi mắc ung thư dạ dày. Bệnh nhân vừa sinh con được 8 tháng. Trước đó, bệnh nhân đau bụng không rõ nguyên nhân, đi kiểm tra tại bệnh viện phụ sản nhưng không làm nội soi dạ dày.
Về nhà tiếp tục đau, bệnh nhân đi khám lại tại Bệnh viện Đa khoa Hải Phòng. Tại đây, bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân mắc ung thư dạ dày và khuyên bệnh nhân lên Hà Nội khám.
Sau khi khám, chụp chiếu và làm sinh thiết, bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày thể kém biệt hoá và được chỉ định cắt hớt niêm mạc qua nội soi.
Ung thư dạ dày là 1 trong 5 bệnh ung thư thường gặp nhất tại Việt Nam. Mỗi năm, nước ta có khoảng hơn 17.000 ca mắc mới và hơn 15.000 trường hợp tử vong vì căn bệnh này.
Theo nghiên cứu mới nhất, tỷ lệ ung thư dạ dày ở Việt Nam đứng thứ 18 trong số 20 nước có tỷ lệ ung thư dạ dày cao nhất thế giới. Ung thư dạ dày có biểu hiện tương đồng với các bệnh lý dạ dày thường gặp, khiến người bệnh dễ nhầm lẫn và chỉ được phát hiện khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn cuối.
Ung thư dạ dày ngày càng trẻ hóa
Theo BS Cảnh, ung thư đường tiêu hoá nói chung và ung thư dạ dày nói riêng hiện nay đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa. "Trước đây, ung thư dạ dày được cảnh báo với những người có độ tuổi từ 40-50 trở lên. Tuy nhiên, thời gian qua, có rất nhiều trường hợp mới hơn 20 tuổi, 30 tuổi, thậm chí 18 tuổi đã mắc ung thư dạ dày", BS Cảnh cho biết.
Theo bác sĩ Cảnh, một số yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư dạ dạy là lạm dụng rượu bia, sử dụng thuốc lá... Cụ thể, khi sử dụng rượu bia, 95% chất cồn được chuyển hóa qua gan trở thành các hợp chất mới, dưới tác dụng của enzyme alcohol dehydrogenase, rượu được oxy hóa thành acetaldehyde, một chất làm sinh sôi các tế bào ung thư bằng cách tấn công DNA.
Thêm vào đó, càng uống nhiều rượu, hàm lượng acetaldehyde trong nước bọt sẽ càng gia tăng, góp phần làm tổn thương DNA ở các tế bào niêm mạc miệng, vòm họng, thực quản, dạ dày, đại tràng và đường hô hấp.
Còn khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có amoniac, asen, methane và carbon monoxide... Khoảng 70 hóa chất trong số này có thể gây ung thư. Hút thuốc lá có thể gây ung thư ở nhiều các bộ phận khác như phổi, họng, thanh quản, thực quản, tuyến tuỵ, tử cung, cổ tử cung, thận, bàng quang, ruột và trực tràng…
Ung thư dạ dày đang có xu hướng trẻ hóa. Ảnh minh họa.
Dấu hiệu nhận biết ung thư dạ dày
- Đau bụng: Lúc đầu, triệu chứng đau rất giống với trong loét dạ dày (đau liên quan tới bữa ăn, giảm khi dùng các thuốc điều trị loét).
- Chán ăn: Mất cảm giác thèm ăn chắc chắn là một điều cần hết sức chú ý. Trong nhiều trường hợp, biểu hiện này không đơn thuần chỉ là tiết lộ bạn đang gặp rắc rối với vị giác, tốt nhất bạn nên đi gặp bác sĩ để kiểm tra. Các khối u ở dạ dày cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn chán ăn. Mà các khối u này chính là yếu tố nguy cơ ung thư dạ dày, do đó bạn không được chủ quan.
- Sụt cân chưa rõ nguyên nhân, mệt mỏi: Sụt nhiều cân trong thời gian ngắn, kèm theo cảm giác luôn no, chán ăn buồn nôn, mệt mỏi thì đó có thể là cảnh báo ung thư dạ dày.
- Nôn ra máu: Khi nôn có lẫn máu thì cũng nên suy xét đến khả năng ung thư dạ dày.
- Ợ chua, đầy bụng sau khi ăn: người bị ung thư dạ dày khi ăn xong có cảm giác tức bụng, đầy bụng và buồn nôn... Ợ nóng là một triệu chứng phức tạp, nó có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư (thường liên quan đến đau bụng hoặc đau vùng thượng vị) hoặc là yếu tố nguy cơ ung thư. Những người bị chứng ợ nóng có thể bị loét dạ dày tá tràng, có nghĩa là họ có nhiều axit trong dạ dày, điều này khiến họ có nguy cơ bị ung thư dạ dày cao hơn.
- Đi ngoài phân màu bất thường: Nếu bạn xuất hiện triệu chứng đi ngoài phân đen hoặc trong phân thường xuyên có máu, việc này lặp lại thường xuyên thì rất có thể bạn đã mắc ung thư dạ dày.
BS Cảnh lưu ý ung thư dạ dày hoàn toàn có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Nếu như thấy những dấu hiệu trên, bạn cần đến gặp ngay bác sĩ để được thăm khám và tư vấn, điều trị kịp thời.
"Đừng bao giờ chủ quan với sức khoẻ của chính mình. Đặc biệt, khi đi khám sức khoẻ định kỳ hoặc khám bệnh khác, đừng bỏ qua nội soi đường tiêu hoá", BS Cảnh cho hay.