Bà Hoàng Thị Diễm Tuyết - giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) - báo cáo với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM những khó khăn, vướng mắc ngay chính tại bệnh viện của mình - Ảnh: XUÂN MAI
Báo cáo với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM trong buổi khảo sát thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện công lập trên địa bàn TP.HCM sáng 7-10, bà Hoàng Thị Diễm Tuyết - giám đốc Bệnh viện Hùng Vương - quyết liệt nêu ý kiến:
"Nên chăng chúng ta bỏ đấu thầu? Hiện các nước châu Âu đã thực hiện con đường này, tại sao chúng ta cứ phải đi vào con đường đấu thầu thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị. Chẳng hạn quản lý tốt giá ngay từ đầu vào như một thuốc đưa vào Việt Nam có giá thế nào thì từ Bắc vào Nam đều mua giá đó".
Một trong những trăn trở của người đứng đầu Bệnh viện Hùng Vương là vấn nạn nhân viên y tế bị bạo hành. Theo quy định, nhân viên y tế có quyền từ chối công tác khám chữa bệnh khi bị người bệnh xúc phạm danh dự hoặc người nhà có hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe.
Tuy nhiên, điều này rất khó và chưa đủ để ngăn chặn bạo hành với nhân viên y tế dù bị người bệnh hay người nhà làm hại. Nhưng về mặt y đức, nếu bệnh nhân đang trong tình trạng cấp cứu, tính mạng bệnh nhân đang bị đe dọa thì không thể nào không làm.
"Tôi có cảm nhận chưa đủ mức ngăn ngừa được bạo hành đối với nhân viên y tế. Mong có nhiều biện pháp hạn chế và phòng ngừa tối đa về việc này", bà Tuyết nói.
Về thẩm định quyền cấp và đình chỉ thu hồi giấy phép với cơ sở khám chữa bệnh, bà Tuyết cho rằng hiện có xu hướng ai cấp thì người đó thu, trong khi TP.HCM có nhiều cơ sở y tế khám chữa bệnh do Bộ Y tế cấp mà bộ thì ở xa nên việc theo dõi, giám sát chưa sát sao.
Do đó đến nay vẫn chưa ngăn chặn được các cơ sở y tế khám chữa bệnh trái phép, đặc biệt là phòng khám Trung Quốc, làm ảnh hưởng sức khỏe và tài sản của người dân. Bà Tuyết cho rằng cần quan tâm nhiều hơn vấn đề này để ngăn chặn triệt để các phòng khám hoạt động trái phép.
Bà Tuyết cho biết thêm, hiện Bệnh viện Hùng Vương được đào tạo bác sĩ, cử nhân, điều dưỡng... nhưng lại không được đào tạo về mặt kinh tế. Để nâng cao kiến thức và vì nhiệm vụ nên những nhóm người này phải đi học. Thực tế trong thời gian qua đã có những sai sót làm ngành y tế mất đi người tài, rất lãng phí.
Đối với công tác mua sắm thuốc có yêu cầu việc xác định giá không vượt quá trong vòng 12 tháng thì theo bà Tuyết là bất hợp lý với nền kinh tế bởi giá có xu hướng ngày càng tăng. Bên cạnh đó còn có bất cập là giá thuốc ở bệnh viện mua vào bao nhiêu thì bán cho bệnh nhân bằng giá đó, trong khi đó quy trình cung ứng thuốc đòi hỏi rất nhiều thứ.
"Bệnh viện chúng tôi đưa thuốc đến tận tay bệnh nhân trước khi xuất viện, như vậy thì công của nhân viên chia thuốc từ kho, đóng gói, ghi hướng dẫn sử dụng thuốc… tất cả đều làm miễn phí. Chưa kể những thuốc lưu trữ trong kho cũng tốn kém, hao hụt mà hoàn toàn không có chi phí nào cho các bệnh viện trong bối cảnh bệnh viện tự chủ khiến chúng tôi phải bù lỗ", bà Tuyết phân tích.
Kết luận tại buổi khảo sát, bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết - phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM - cho biết sau buổi khảo sát tại các bệnh viện công cho thấy hiện có rất nhiều vướng mắc, khó khăn trong tự chủ và mua sắm vật tư, Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ kiến nghị với Quốc hội.
Đối với cơ chế tự chủ thì đã làm được nhiều việc ở bệnh viện công nói chung và các đơn vị sự nghiệp nói riêng. Tuy nhiên Chính phủ khi ra các văn bản lại chưa tính đến tình hình hiện tại làm cho các bệnh viện gặp khó.
Trước khó khăn, vướng mắc mà các bệnh viện báo cáo, bà Tuyết cho biết sẽ kiến nghị Quốc hội xem xét phải có luật về đơn vị sự nghiệp hoạt động như thế nào, cơ chế ra sao, khi hiện nay không có luật để làm cơ sở ban hành nghị định, thông tư.