Người lớn cần làm gì để giúp trẻ mầm non hứng thú học tập?

Ngọc Trang |

Bên cạnh chương trình học ở trường thì ngay tại gia đình, người lớn cũng cần kích thích và tạo hứng thú học tập cho trẻ.

Người lớn cần làm gì để giúp trẻ mầm non hứng thú học tập? - Ảnh 1.

Làm thế nào để giúp trẻ mầm non hứng thú học tập là điều khiến không ít các bậc phụ huynh 'đau đầu'.

Tạo hứng thú trong đọc và viết

Hứng thú là một yếu tố quan trọng giúp trẻ ở độ tuổi mầm non xem học tập là niềm vui và hữu ích. Khi có hứng thú, trẻ sẽ tham gia hoạt động tích cực và mang lại hiệu quả công việc cao hơn.

Thông thường, trẻ mầm non đã có khả năng đánh giá, phân tích và phân biệt hiện tượng xung quanh. Tuy nhiên, ở độ tuổi này, khả năng tập trung của trẻ chưa cao nên bạn phải áp dụng đúng chiều, đúng hoàn cảnh.

Chuyên gia cho rằng, 4 tuổi là thời điểm não bộ của trẻ bắt đầu có sự phát triển vượt trội và trở nên tò mò với mọi thứ xung quanh. Do đó, cha mẹ hãy tận dụng tối đa khoảng thời gian này để hướng trẻ đọc và viết.

Một điều cần lưu ý bậc phụ huynh rằng, bước khởi đầu khá quan trọng trong việc giúp trẻ tập làm quen với việc học cũng như giúp trẻ hứng khởi hơn.

Cô Vũ Thu Trang, giáo viên STEAM Trường Mầm non Hoa Sen (Hà Nội) cho biết, trẻ em ở giai đoạn 4 tuổi thường có khả năng ghi nhớ, tiếp thu khá tốt những việc trẻ đã làm hoặc được dạy dỗ. Vì vậy, các bậc phụ huynh trong quá trình dạy con hãy liên tục lặp lại các từ mới. Đồng thời, yêu cầu trẻ đọc hoặc viết lại để các bé dễ dàng nhớ cũng như sử dụng đúng từ ngữ.

Điều này sẽ đặc biệt hiệu quả hơn khi cha mẹ có thể kết hợp những đoạn video có hình ảnh đa dạng để chỉ dẫn cho trẻ về cách đọc và viết. Sau khoảng thời gian học, trẻ sẽ tự tập cho mình thói quen nhớ mặt chữ, câu từ để có thể viết một cách dễ dàng.

Trong một số trường hợp, cha mẹ hãy khuyến khích các bé tự khám phá và học theo cách mà mình muốn. Đây cũng được đánh giá là phương pháp dạy học hiện đại, giúp trẻ phát huy khả năng sáng tạo. Điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy bản thân trở nên độc lập và có trách nhiệm cố gắng hoàn thành việc học.

Theo cô Trang, để làm được việc này, đầu tiên người lớn cần chỉ dẫn và khơi dậy niềm ham học hỏi từng độ tuổi. Với trẻ từ 3 - 5 tuổi thường xuyên hỏi những câu như “Tại sao?”, “Đây là cái gì?”… khiến cha mẹ khó kiên nhẫn. Khi đứng trước hàng trăm câu hỏi của trẻ, không nên to tiếng, bực mình.

Thực tế, những câu hỏi này là bằng chứng cho sự ham học hỏi điều mới của trẻ. Vì thế, khi đứng trước những câu hỏi này, nên kiên nhẫn giải thích cho trẻ bằng những ngôn từ dễ hiểu. Nếu trẻ không có câu hỏi gì, nên chủ động dạy trẻ về những điều đó, không nên cho rằng bé còn quá nhỏ, nghe không hiểu.

Ví dụ, bạn cho trẻ làm quen với con cua. Thay vì hỏi: “Con này là con gì?”, bạn có thể đố: “Con gì tám cẳng hai càng, đầu thì không có bò ngang cả đời”. Trẻ sẽ đoán được đó là con cua và trong đầu sẽ biết được những đặc điểm của con cua là có tám cẳng hai càng và chỉ bò ngang.

Đối với con cá bạn có thể đố: “Con gì có vẩy có vây, không đi trên cạn mà đi dưới hồ”. Sau khi trẻ đoán được là con cá bạn tiếp tục cho trẻ so sánh điểm giống và khác nhau giữa con cua và con cá.

“Phương châm chung của giáo dục mầm non là vui chơi làm quen với thế giới tự nhiên và khám phá nghệ thuật bằng những bài học đơn giản nhất. Vì vậy hãy cho trẻ cơ hội vững vàng nhất”, cô Trang nói.

Thái độ của cha mẹ ảnh hưởng tới trẻ

Cũng theo cô Trang, với trẻ mầm non, nên chú trọng dạy cho trẻ hiểu học tập là nghĩa vụ mà trẻ nên làm. Hiện, rất nhiều trường mở rộng chương trình học tập, và có nhiều môn học dường như không cần thiết. Nhưng cha mẹ cần là một tấm gương để bé hiểu rằng học tập là một nghĩa vụ của tất cả mọi người.

Lứa tuổi mẫu giáo, tư duy của trẻ còn nặng về trực quan hình ảnh, việc cung cấp cho trẻ các hình ảnh trực quan sinh động, nhiều màu sắc sẽ thu hút được sự chú ý đối với trẻ hơn là những hình ảnh tối màu, xấu.

Vì vậy, để cung cấp kiến thức cho trẻ, người lớn cần quan tâm đến các giáo cụ trực quan ở trường; Đồng thời, cần tạo ra các đồ dùng, đồ chơi đẹp mắt để cùng học với bé ở gia đình.

Cô Nguyễn Thu Hằng, giáo viên Nhà văn hoá quận Thanh Xuân chia sẻ: “Có bậc cha mẹ thích cho con học vẽ, nhưng khi bé khoe một bức tranh thì lại có thái độ hờ hững. Như vậy sẽ gây ảnh hưởng rất tiêu cực đối với trẻ. Bởi thái độ của cha mẹ rất quan trọng trong mắt con cái. Nếu không để ý tới điểm này, người lớn sẽ tình cờ dập tắt sự ham học hỏi của bé. Khi trẻ làm tốt, nên khen ngợi, nhưng khi không tốt, cũng nên nhìn thấy tính sáng tạo của bé. Vì vậy, thường xuyên khích lệ bé, chứ không nên vì một lần thất bại mà phá vỡ hứng thú học hành của con”.

Cũng theo cô Hằng, nếu cha mẹ bắt trẻ học trong lúc bé đang thích thú đọc một quyển truyện hoặc xem một chương trình tivi, trẻ sẽ không vui thậm chí có thái độ phản kháng, học sẽ không hiệu quả. Do đó, nên điều chỉnh thời gian, đợi bé xem xong chương trình yêu thích rồi nhắc nhở đi học. Sau đó, cha mẹ cũng có thể tìm hiểu trước những thói quen và dành thời gian trước đó là thời gian học tập cho con.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên để con quậy phá trong kiểm soát. Có thể nói đây là phương pháp thú vị tạo được nhiều hứng thú cho trẻ trong học tập. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, cần thương lượng, hãy chắc chắn rằng trẻ không lại gần khu vực nguy hiểm như công tắc điện, ban công, không sử dụng các vật nhọn như dao, kéo. Bù lại con sẽ được bày bừa đồ đạc trong nhà, được nặn đất sét, tô màu theo ý thích. Dĩ nhiên mọi hoạt động của trẻ phải nằm trong tầm ngắm của người lớn.

Não trẻ hoạt động rất linh hoạt, vì thế không nên coi nhẹ sự giáo dục ngay từ khi còn nhỏ. Ở độ tuổi này trẻ đã có thể nhớ được những từ cụ thể. Vì vậy bên cạnh việc bắt trẻ ngồi nghiêm túc vào bàn học bạn nên linh hoạt chọn các hình thức học tập cho trẻ như câu đố, âm nhạc, đồng dao… Mục đích để trẻ không bị nhàm chán, dễ tiếp thu và ghi nhớ kiến thức chính xác - Cô Vũ Thu Trang, giáo viên STEAM Trường Mầm non Hoa Sen (Hà Nội).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại