Tiểu đường hay đái tháo đường là căn bệnh để lại những tổn thương nặng nề và kéo dài đối với sức khỏe, người bệnh gần như phải uống thuốc hàng ngày trong suốt phần đời còn lại của mình.
Theo thống kê sơ bộ, một quốc gia đông dân như Trung Quốc đã có tới 100 triệu người mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên nhiều người chưa có đủ thông tin về việc phòng bệnh, khi có bệnh mới chú ý đến phòng ngừa thì đã quá muộn.
Bài viết từ chuyên mục Tiểu đường, Kênh Bác sĩ Gia đình (TQ) sẽ giúp bạn hiểu rõ về 4 giải pháp phòng bệnh quan trọng nhất, hãy chủ động phòng ngừa để bệnh tật không còn cơ hội tấn công bạn.
4 phần việc quan trọng nhất để phòng ngừa tiểu đường/đái tháo đường
1, Hãy hiểu rõ hơn về bệnh tiểu đường
Các chuyên gia chỉ ra rằng, nhiều người nghĩ rằng yếu tố "3 tăng 1 giảm" gồm uống nhiều hơn, ăn nhiều hơn, nhiều nước tiểu hơn hoặc giảm cân là triệu chứng của bệnh tiểu đường, và để xác định xem mình có bệnh tiểu đường hay không, họ chỉ dựa vào những yếu tố đó. Thực tế thì lại không phải như vậy.
Công thức "3 tăng 1 giảm" ở trên nếu áp dụng duy nhất để xem có phải có bệnh tiểu đường hay không chính là sai lầm cơ bản điển hình nhất của những người mắc bệnh tiểu đường.
Trên thực tế, cơ tới 90% số bệnh nhân bị bệnh tiểu đường ở thời kỳ đầu không có những dấu hiệu đó, họ đơn giản chỉ là có cảm giác mệt mỏi, cơ thể thiếu sức sống, mắt nhìn mờ, thị lực giảm hoặc có dấu hiệu vết thương lâu lành.
Do các triệu chứng ban đầu của bệnh tiểu đường thường không có những bất thường về ngoại hình, thể chất, vì vậy nếu dựa vào dấu hiệu "3 tăng 1 giảm" như nói ở trên thì bệnh đã rơi vào giai đoạn khá nghiêm trọng.
Cho dù trẻ hay cao tuổi, ít nhất mỗi năm một lần bạn nên kiểm tra lượng đường trong máu, khám sức khỏe định kỳ là cách chính xác nhất để xác định có bệnh tiểu đường hay không.
Hãy tập thói quen thường xuyên bổ sung kiến thức liên quan đến sức khỏe, đặc biệt là bệnh tiểu đường, sẽ giúp cho chúng ta phòng trị bệnh hiệu quả và chính xác.
Thi thoảng sẽ có những quảng cáo nêu quá tác dụng của một loại thuốc nào đó để phòng chữa tiểu đường, bạn cũng nên trang bị kiến thức để cảnh giác, nếu có bệnh thì sử dụng thuốc hợp lý, kiểm soát tốt mức tiểu đường.
2, Hãy ăn uống chừng mực
Theo truyền thống, đối với bệnh nhân tiểu đường, lời khuyên cho bạn là cơm không nên ăn quá no, trái cây không nên ăn quá nhiều, kẹo bánh đồ ngọt cơ bản không nên sử dụng.
Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa nhiều đường như kẹo, mật, trái cây chế biến, mứt, kem, bánh quy ngọt, bánh mì ngọt và các loại bánh ngọt khác. Đây là những thực phẩm có lượng đường cao, ăn vào sẽ dễ làm tăng lượng đường trong máu.
Không nên ăn những thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao và chất béo động vật như não động vật, gan, tim, phổi, cật, lòng đỏ trứng, thịt mỡ, bơ, dầu… những thực phẩm này dễ dàng làm cho lipid máu cao, dẫn đến mắc xơ vữa động mạch.
Không nên uống rượu vì cồn có thể làm biến chứng đường huyết, nếu uống rượu khi bụng đói còn có thể dẫn tới hạ đường huyết trầm trọng. Người thường xuyên say rượu còn khiến cho các triệu chứng hạ đường huyết bị che đậy, không dễ phát hiện, vô cùng nguy hiểm.
3, Hãy siêng năng tập thể dục
Muốn phòng tránh bệnh tật, bạn nên duy trì một hình thức tập thể dục nhất định nào đó với mức độ phù hợp. Kiểm soát chế độ ăn uống, cùng với tập luyện thể dục đều đặn, trọng lượng sẽ được kiểm soát và bạn sẽ không bị thừa cân.
Chúng ta đã biết rằng béo phì là một yếu tố quan trọng trong gây ra tiểu đường, khi không béo phì, nguy cơ bị tiểu đường sẽ giảm.
Có một câu nói nổi tiếng rằng "vòng bụng càng dài, vòng đời càng ngắn", do đó, kiểm soát cân nặng là rất quan trọng.
4, Hãy biết cách thư giãn
Thư giãn là cách điều chỉnh tâm lý. Một thái độ sống tốt có tác dụng tích cực để phòng ngừa bệnh tiểu đường. Bởi vì nếu có sự mất cân bằng tâm lý sẽ làm tăng sự kháng insulin, thúc đẩy đái tháo đường.
Một số trường hợp, sau khi bị tiểu đường đã phát hiện ra rằng, một vài năm trước đây, chỉ vì một sự kích động hay có cú sốc tinh thần lớn, lo lắng trong thời gian dài, sau đó đã mắc tiểu đường.
Mặc dù bạn có chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục và dùng thuốc ổn định, nhưng khi căng thẳng tinh thần sẽ gián tiếp làm tăng lượng đường trong máu. Do đó, để làm cho lượng đường trong máu trở lại mức bình thường, ngoài chế độ ăn uống, tập thể dục, kiểm soát thuốc, loại bỏ căng thẳng, cần lưu ý hơn việc tự thư giãn, bình tâm, an thần.
Các bằng chứng khoa học mới nhất cho thấy, khi mọi người bị căng thẳng, lo âu, sợ hãi hoặc các cảm xúc khác, hoạt động thần kinh giao cảm bị hưng phấn, ức chế trực tiếp việc bài tiết insulin. Các nhà nghiên cứu nhắc nhở mọi người rằng, tâm trạng thư giãn có thể gián tiếp làm tăng bài tiết insulin, điều này tốt cho việc kiểm soát tình trạng tiểu đường.
*Theo Tiểu đường/Bác sĩ Gia đình (TQ)
Xem thêm:
Bài tập đặc biệt dành cho bệnh nhân tiểu đường