Mô phỏng lá gan (Ảnh: AI thực hiện)
Anh Nam (tên nhân vật đã được thay đổi) đi khám sức khỏe tại tuyến cơ sở gần nhà thì phát hiện có khối u lớn tại gan. Sau đó, anh Nam được bác sĩ giới thiệu tới Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương để mổ.
Qua điều tra bệnh sử bác sĩ biết được anh Nam đồng nhiễm 3 virus: viêm gan B, C, HIV. Riêng với HIV, anh Nam đã chung sống với bệnh 18 năm nay. Kết quả thăm khám khối u của bệnh nhân khá lớn 10 cm.
Bác sĩ CKII Nguyễn Trường Giang, Khoa Ngoại gan mật và tiêu hóa, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, trước khi nhập Khoa, bệnh nhân đã đi một vài cơ sở y tế khác và được giới thiệu đến khoa Ngoại của Bệnh viện để phẫu thuật. Đây là một trong những bệnh nhân đặc biệt. Bệnh nhân đồng nhiễm virus viêm gan B, viêm gan C, HIV đã ở giai đoạn cuối.
Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân Nam, các bác sĩ khoa Ngoại đã lên phương án phẫu thuật triệt căn khối u cho bệnh nhân. "Khi quyết định phẫu thuật cho bệnh nhân, có người khuyên chúng tôi là bệnh nhân đang ở giai đoạn muộn, lại HIV nữa, sống được mấy, cố làm gì, cho về thôi… Nhưng chúng tôi không làm như vậy. Chúng tôi nghĩ mọi người đều bình đẳng. Bởi chúng tôi tin ai cũng xứng đáng có một cơ hội bình đẳng để chiến đấu. Và thật vui mừng, sau phẫu thuật, bệnh nhân đã khỏe mạnh bình thường", bác sĩ Giang cho hay.
Viêm gan B dễ tiến triển thành ung thư gan
BS CKII Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh cơ sở Kim Chung, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, tại Việt Nam, phần lớn các trường hợp mắc ung thư gan đều có nguyên nhân do nhiễm virus viêm gan B. Khi bệnh nhân mắc viêm gan B mạn tính, sức khỏe vẫn hoàn toàn bình thường, không có triệu chứng. Tuy nhiên, trong thời gian này virus vẫn đang âm thầm làm tổn thương gan, gây ra xơ hóa và hình thành khối u. Trên thực tế, rất nhiều bệnh nhân tình cờ đi khám sức khỏe phát hiện có khối u gan mới biết mình mắc viêm gan virus mạn tính.
Theo thống kê, hiện nay toàn cầu có hơn 300 triệu người mắc viêm gan B. Con số này không ngừng tăng lên từ 3 đến 4 triệu người mỗi năm. Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm viêm gan B ước tính chiếm khoảng 8-10% dân số, nghĩa là có 8 đến 10 triệu người dân mang trong mình căn bệnh này.
Theo bác sĩ Huyền, bệnh nhân có viêm gan virus cần phải tuân thủ theo đúng lịch khám định kỳ của bác sĩ chuyên khoa. Việc bệnh nhân viêm gan mạn theo dõi tình trạng sức khỏe sẽ giúp phát hiện kịp thời giai đoạn bệnh để điều trị, ngăn ngừa các biến chứng suy gan, xơ gan và ung thư gan xảy ra.
Người có viêm gan B mạn tính khi có bất cứ dấu hiệu nào bất thường cũng nên đi khám sớm.
Hiện nay, việc điều trị viêm gan mạn tính là các thuốc kháng virus, giúp ức chế virus viêm gan B. Có nhiều thuốc kháng virus khác nhau, phù hợp với từng người bệnh cụ thể nên bạn cần trao đổi với bác sĩ để có được cách thức điều trị tốt nhất phù hợp với bạn.
Với những trường hợp nhiễm viêm gan B cấp, khả năng tự hồi phục và thải sạch virus là 95% (coi như khỏi bệnh). Bác sĩ Huyền lưu ý, bệnh nhân cần tuân thủ điều trị của bác sĩ, tuyệt đối không uống bất cứ các loại thuốc không phải do bác sĩ chuyên khoa kê. Đặc biệt, trong thời gian này không uống các loại lá, thuốc bắc hoặc thuốc nam vì có thể gây ra suy thận, suy gan.
Với người đã mắc viêm gan mạn tính cần phải tuân thủ uống thuốc hàng ngày và kéo dài. Việc uống thuốc kháng virus sẽ giúp cho bệnh nhân giảm thiểu nguy cơ xơ gan và ung thư gan trong tương lai.