3 anh em trong một gia đình cùng mắc ung thư gan: BS chỉ ra "thủ phạm" quen mặt

Ngọc Minh |

3 anh em trai trong một gia đình đều mắc ung thư gan. Khi khai thác tiền sử, bác sĩ phát hiện họ đều nhiễm viêm gan B và không điều trị.

Anh Nguyễn Văn Hà * (45 tuổi, Vĩnh Phúc) có triệu chứng đau âm ỉ mạn sườn nên đã đi khám. Lúc ở nhà, anh Hà cho rằng mình bị đau dạ dày nên có tự mua thuốc về uống nhưng cơn đau xuất hiện với tần suất ngày càng tăng. Khi siêu âm gan, bác sĩ nghi ngờ anh có khối u tại gan nên chỉ định làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu và chụp cắt lớp vi tính. Kết quả anh Hà được chẩn đoán mắc ung thư gan giai đoạn muộn trên nền bệnh nhân viêm gan virus B.

Khi hỏi sâu hơn, anh Hà chia sẻ gia đình có 3 anh em, anh Hà là út. Hai anh trai của anh Hà đã mắc ung thư gan và qua đời nhiều năm trước đó.

3 anh em trong một gia đình cùng mắc ung thư gan: BS chỉ ra "thủ phạm" quen mặt- Ảnh 1.

Virus viêm gan B có thể gây ung thư gan (Ảnh minh hoạ)

PGS.TS.BS Trịnh Thị Ngọc, Phó chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam, cho biết với trường hợp của bệnh nhân Hà và 2 người anh trai, việc nhiễm viêm gan B và không điều trị là nguyên nhân dẫn tới ung thư gan. Đây là một trong rất nhiều trường hợp gia đình có nhiều người mắc ung thư gan.  

Nguyên nhân cả gia đình bị ung thư gan, theo bác sĩ Ngọc là do việc tiêm vắc xin ngừa virus viêm gan B trước đây chưa được thực hiện tốt. Khi người mẹ bị nhiễm virus viêm gan B nhưng không được điều trị, trong quá trình sinh con có thể lây nhiễm virus sang cho con, đặc biệt nếu trẻ không được tiêm ngừa vắc xin ngay sau khi sinh. 

Người nhiễm viêm gan virus B không được điều trị sau khoảng từ 20-30 năm có thể diễn biến thành xơ gan và ung thư gan.

Ngoài ra, yếu tố gen là một nguyên nhân khác khiến nhiều người trong cùng một gia đình mắc ung thư gan. Nếu có gen ung thư cộng thêm viêm gan virus thì sẽ thúc đẩy ung thư đến sớm hơn.

Cách phát hiện ung thư gan

Ung thư gan có hai loại là nguyên phát và thứ phát. Ung thư gan nguyên phát thường gặp nhất ở Việt Nam, chiếm 80-90% trường hợp ung thư nguyên phát do viêm gan B,C gây ra.

Viêm gan B lây truyền rất cao qua đường máu, đường tình dục và từ mẹ sang con. Đặc biệt, nguy cơ lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con cực kỳ cao (tới 90%) khi mẹ trong lúc mang thai có HbeAg trong máu dương tính và trẻ sau sinh không được tiêm ngừa vắc xin viêm gan B.

Với viêm gan C, việc điều trị sẽ dễ dàng hơn. Nếu bệnh nhân chưa có tổn thương gan (xơ gan), chỉ cần điều trị sau 3 tháng sẽ hết virus.

PGS Ngọc lưu ý, với những gia đình có nhiều người bị viêm gan B, đã có người bị ung thư gan thì nên đi khám thường xuyên và kiểm tra gan qua siêu âm để phát hiện sớm bệnh. Khi phát hiện sớm thì việc điều trị sẽ đơn giản và ít xâm lấn hơn.

Ung thư gan ở giai đoạn đầu thường rất khó phát hiện. Phần lớn người bệnh đến khám khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn muộn gây khó khăn cho việc điều trị. Ở giai đoạn sớm của ung thư có thể gặp các triệu chứng của viêm gan mạn tính hoặc xơ gan tiến triển như: Chán ăn; Đau, nặng tức vùng hạ sườn phải; Chướng bụng; Vàng da, củng mạc mắt,…

Trong giai đoạn muộn hơn của ung thư gan, các triệu chứng trên rõ ràng hơn, hoặc xuất hiện thêm các biến chứng của bệnh gồm:

- Sụt cân không rõ nguyên nhân

- Buồn nôn, nôn, mệt mỏi, chán ăn

- Luôn có cảm giác ngứa

- Đi ngoài phân trắng/bạc màu

Cách tốt nhất để phòng ngừa, phát hiện ung thư gan là khám sức khỏe định kỳ, siêu âm gan 6 tháng/lần, đặc biệt là những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao như xơ gan, viêm gan mạn tính do rượu, viêm gan virus B, C,….

* Tên nhân vật đã được thay đổi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại