Người đàn ông suýt bị cắt gan do tưởng tổ sán là ung thư

Nguyễn Ngoan/VTC News |

Sau khi mổ, cắt bỏ một phần thuỷ gan trái, nam bệnh nhân mới phát hiện phần tổn thương là sán không phải khối u.

TS.BS Trần Huy Thọ, Phó giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, thời gian gần đây liên tục thăm khám nhiều ca nhiễm sán lá gan lớn. Một số ca bị chuẩn đoán nhầm thành ung thư, khiến bệnh nhân phải cắt bỏ một phần gan.

Trong đó có trường hợp anh L, người Phú Thọ nhập viện sau một tuần mổ cắt gan tại bệnh viện chuyên ung bướu. Anh bị đau hạ sườn trái, lan sang phần ức nên đi khám thì được chẩn đoán bị đau thần kinh liên sườn. Tuy nhiên, siêu âm lại phát hiện bóng đen ở gan trái nhưng không rõ là khối u hay áp xe gan.

Người đàn ông suýt bị cắt gan do tưởng tổ sán là ung thư - Ảnh 1.

Nhiều người nhầm tưởng sán lá gan lớn là ung thư. (Ảnh minh hoạ)

Lo lắng, nam bệnh nhân đi thăm khám tại bệnh viện chuyên ung bướu, được các bác sỹ chẩn đoán bị u gan bên trái, có vấn đề về tuỵ mật. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt một phần thùy gan trái mở rộng, cắt túi mật và nạo vét hạch cuống gan.

Tuy nhiên khi thực hiện phẫu thuật các bác sĩ phát hiện khối lưu trú trong gan không phải u ác mà là tổn thương do nhiễm sán lá gan lớn.

Bệnh nhân được chuyển sang Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương để tiếp tục điều trị sán lá gan.

Một trường hợp khác, bệnh nhân T. người Thanh Hoá, khi đi khám tuyến tỉnh phát hiện tổn thương gan, bác sỹ chẩn đoán bị u trong gan. Quá lo sợ bệnh nhân xin lên tuyến trung ương kiểm tra tại Bệnh viện K, qua xét nghiệm phát hiện khối nhỏ chứa dịch tại phần gan, không loại trừ sán lá gan.

Bệnh nhân được chuyển sang Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương kiểm tra loại trừ sán lá gan lớn. Qua xét nghiệm xác định dương tính sán lá gan lớn. Sau một thời gian dùng thuốc, siêu âm lại, "khối u" trong gan chị T đã giảm dần kích thước.

“Trường hợp của anh L rất đáng tiếc. Nếu bệnh nhân được làm các xét nghiệm loại trừ bị sán lá gan sẽ không phải thực hiện ca đại phẫu ”, bác sĩ Thọ chia sẻ.

Nguyên nhân và triệu chứng nhiễm sán lá gan lớn

Theo bác sĩ Thọ, sán lá gan lớn (Fascioliasis) là bệnh nhiễm ký sinh trùng gây ra bởi Fasciolia hepatica hoặc Fasciola gigantica.

Vật chủ chính của sán lá gan lớn là trâu, bò, dê, cừu, lạc đà, người… ngoài ra ngựa, chó, mèo đôi khi cũng là vật chủ chính. Ấu trùng của ký sinh trùng này ở thực vật thủy sinh như rau cải xoong, rau muống, rau ngổ, rau rút, rau răm.

Khi con người ăn những loại rau này hoặc uống nước bị nhiễm ấu trùng có thể bị bệnh. Ấu trùng thoát kén và đi xuyên qua thành ruột vào trong khoang phúc mạc và tìm đường đến gan, mật, ở đó chúng định vị và thành sán trưởng thành.

Người bị bệnh sán lá gan lớn thường có triệu chứng đau vùng hạ sườn phải lan về phía sau hoặc đau tức vùng thượng vị và mũi ức, tính chất đau không đặc hiệu, có thể âm ỉ, đôi khi đau dữ dội, cũng có trường hợp không đau bụng.

Bệnh nhân ăn không ngon miệng, cảm giác đầy hơi, thậm chí thấy nghẹn. Cơ thể suy nhược, mệt mỏi, có cảm giác đầy bụng khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, có thể sốt hoặc đau khớp, đau cơ và mẩn ngứa, sụt cân...

“Nhiều bệnh nhân nhầm các triệu chứng trên là bệnh dạ dày và điều trị mãi không khỏi ”, bác sĩ Thọ chia sẻ.

Người đàn ông suýt bị cắt gan do tưởng tổ sán là ung thư - Ảnh 2.

Sán lá gan ký sinh gây tổn thương gan. (Ảnh minh hoạ)

Khi kén sán lá gan thâm nhập cơ thể sẽ ký sinh ở người khoảng 4 tháng gây tổn thương gan, tạo nhiều ổ áp xe lớn nhỏ, có trường hợp biến chứng vỡ ổ áp xe gây viêm phúc mạc, đe dọa đến tính mạng.

Một số biến chứng do sán lá gan lớn dẫn đến như viêm đường mật, túi mật, viêm tụy, viêm phúc mạc, thiếu máu...

Cách phòng ngừa bệnh sán lá gan

Những cách giúp bạn phòng ngừa hiệu quả bệnh này bao gồm:

- Đảm bảo ăn chín uống sôi.

- Sử dụng nguồn nước sạch.

- Không ăn những loại thực vật tươi sống ở các vùng nước gần khu chăn nuôi.

- Rửa sạch trái cây trước khi ăn.

- Tuyên truyền về những đường lây nhiễm bệnh và cách thức giữ gìn vệ sinh môi trường.

- Trong trường hợp có dịch cần nhanh chóng khoanh vùng dịch và kiểm soát dịch nhanh chóng.

- Trong trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh, nên đến cơ sở y tế khám và điều trị sớm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại