Người đàn ông có mức mỡ máu cao gần gấp 6 lần bình thường
Một người đàn ông họ Tôn, 50 tuổi ở Thượng Hải, Trung Quốc đã được bác sĩ chẩn đoán mỡ máu cao khi đi khám sức khỏe định kỳ. Bác sĩ cho biết, lượng chất béo trung tính trong cơ thể ông Tôn ở mức cao, lên tới 10mmol/L.
Bác sĩ cho biết chỉ số triglyceride (chất béo trung tính) bình thường sẽ dưới 1,71 mmol/L, chỉ số triglyceride từ 1,71 - 2,25 mmol/L được coi là tăng mỡ máu nhẹ. Và nếu lượng chất béo trung tính tăng trên 2,26 mmol/L sẽ được coi là mỡ máu cao.
Như vậy, chỉ số chất béo trung tính của ông Tôn cao gần gấp 6 lần giá trị bình thường. Bác sĩ cho biết đây là dấu hiệu đáng báo động, nếu không được kiểm soát kịp thời, bệnh nhân có thể đối mặt với các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Ông Tôn sau đó đã được chỉ định nhập viện để điều trị.
Bác sĩ điều trị cho ông Tôn giải thích quá nhiều chất béo trung tính trong cơ thể có thể làm tổn thương mạch máu, từ đó tăng nguy cơ mắc xơ vữa động mạch. Đồng thời chất béo trung tính cao cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh lý khác.
Theo Mayo Clinic, chỉ số triglyceride cao có thể góp phần làm cứng động mạch hoặc làm dày thành động mạch (xơ cứng động mạch). Điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc đột quỵ, đau tim và các vấn đề tim mạch khác.
Lượng chất béo trung tính cao cũng làm tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa như huyết áp cao, tăng đường huyết và thừa cân béo phì.
Chỉ số triglyceride tăng cao quá mức cũng có thể gây viêm tuyến tụy cấp, hoặc khiến chất béo xấu tích tụ trong gan, dẫn đến gan nhiễm mỡ hoặc viêm gan cấp.
Bác sĩ Tống Chí Minh, giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng Tim thuộc Khoa Tim mạch, Bệnh viện số 1 trực thuộc Đại học Hà Nam, Trung Quốc cho biết một trong những nguyên nhân gây tăng mỡ máu là thói quen sử dụng các thực phẩm kém lành mạnh trong thời gian dài.
Theo đó, có 4 loại thực phẩm kém lành mạnh, có thể làm tăng mỡ máu nếu ăn quá nhiều mà mọi người cần hạn chế sử dụng, đặc biệt là những người ở độ tuổi trung niên, sau 50 tuổi khi cơ thể bắt đầu lão hóa và chức năng chuyển hóa của cơ thể bị suy giảm.
4 thực phẩm có thể làm tăng mỡ máu, cần tránh sau tuổi 50
1. Nội tạng động vật
Rất nhiều người thích ăn nội tạng động vật chẳng hạn như tim, gan, lòng, óc lợn, mề gà, gan ngỗng,... vì hương vị thơm ngon của chúng. Tuy nhiên, nội tạng động vật có hàm lượng chất béo trung bình chiếm từ 5-7%, trong đó chủ yếu là chất béo bão hòa và có lượng cholesterol cao.
Do đó, nếu tiêu thụ quá nhiều thực phẩm này sẽ có thể làm tăng mỡ máu có hại cho tim mạch, đặc biệt đối với người cao tuổi, hoặc những người vốn đã bị thừa cân, béo phì và mắc bệnh rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, tăng huyết áp, gout...
Bác sĩ Tống Chí Minh khuyến cáo mọi người nên hạn chế ăn nội tạng động vật để phòng ngừa tình trạng tăng mỡ máu.
2. Các loại thịt chứa nhiều mỡ và mỡ động vật
Rất nhiều người lại thích ăn thịt mỡ. Các loại thịt mỡ như thịt ba chỉ thường được nhiều người sử dụng làm món kho, xào, nấu. Một số người sử dụng mỡ lợn để thêm vào món ăn giúp món ăn thơm ngon hơn.
Các chuyên gia y tế cho biết thỉnh thoảng sử dụng thịt mỡ hoặc mỡ động vật sẽ không gây ảnh hưởng quá nhiều tới sức khỏe. Tuy nhiên, các loại thịt mỡ và mỡ động vật thường chứa nhiều chất béo bão hòa và ít chất đạm hơn so với thịt nạc. Việc sử dụng quá nhiều loại thực phẩm này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe tim mạch.
Bác sĩ Tống Chí Minh cho biết, thay vì ăn các loại thịt đỏ chứa nhiều mỡ, mỡ động vật, mọi người nên ưu tiên các thực phẩm giàu axit béo không bão hòa đa, như cá, các loại hạt.
3. Đồ chiên rán
Đồ chiên rán nhiều calo và chứa nhiều chất béo chuyển hóa, chất oxy hóa. Ăn quá nhiều đồ chiên rán dễ dẫn đến tình trạng tăng cân, béo phì và làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh chuyển hóa như tăng mỡ máu, các bệnh tim mạch,...
Chất béo chuyển hóa là tác nhân chính làm tăng cholesterol "xấu” LDL và làm giảm cholesterol "tốt" HDL trong máu, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Một nghiên cứu năm 2017 được công bố trên tờ JAMA Cardiology cho thấy việc hạn chế sử dụng chất béo chuyển hóa có thể giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh tim và đột quỵ.
Các cơ quan y tế khuyến cáo rằng lượng chất béo chuyển hóa không nên vượt quá 2,2gam/người/ngày, nếu ăn quá nhiều sẽ có hại cho sức khỏe tim mạch.
Ngoài ra, các chuyên gia cảnh báo rằng lượng chất béo và chất béo bão hòa trong thực phẩm chiên rán có thể làm tăng nguy cơ béo phì, có thể khiến lượng chất béo tích tụ trong gan và làm tăng nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ không do rượu.
4. Rượu bia
Bác sĩ y tim mạch Leslie Cho, làm việc tại phòng khám Cleveland Clinic, Mỹ cho biết lạm dụng rượu bia có liên quan đến tình trạng tăng mỡ máu.
Chuyên gia giải thích: “Phần lớn rượu khi tiến vào cơ thể sẽ được xử lý tại gan”.
Việc lạm dụng rượu bia có thể gây ảnh hưởng tới chức năng gan, cản trở quá trình chuyển hóa chất béo của gan và khiến mỡ tích tụ trong gan. Điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ do rượu.
Ngoài ra, thường xuyên sử dụng rượu bia còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe tim mạch, làm tăng nguy cơ mắc tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, đau tim, đột quỵ.
Bác sĩ Tống Chí Minh cho biết, hạn chế sử dụng rượu bia là cách hiệu quả giúp phòng ngừa bệnh tim mạch và bảo vệ chức năng gan.