Người đàn ông có gan tổn thương lỗ chỗ, nguyên nhân đến từ thứ cưng nựng hàng ngày

Ngọc Minh |

Ông Hưng* không ngờ rằng trong gan mình có nhiều tổn thương, nguyên nhân lại đến từ loài vật ông đang nuôi.

Khoảng 6 tháng nay, ông Hưng (55 tuổi, ở Bắc Giang) bị ngứa nhiều ở vùng mạn sườn. Ông đã đi khám bệnh ngoài da, uống thuốc theo đơn 3 đợt nhưng bệnh không thể khỏi được dứt điểm. Lần đi khám này, ông Hưng bị ngứa toàn thân, xuất hiện nhiều ban dạng sẩn đỏ.

Sau khi làm các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh cần thiết, kết quả cho thấy ông Hưng có nhiều tổn thương dạng nốt kích thước < 2cm, nằm rải rác ngoại vi của gan.

Kết quả xét nghiệm máu của ông Hưng cho thấy chỉ số bạch cầu ái toan tăng cao và dương tính với giun đũa chó. Bác sĩ đưa ra chẩn đoán xác định bệnh nhân mắc ấu trùng giun đũa chó, thể ấu trùng di chuyển nội tạng.

Người đàn ông có gan tổn thương lỗ chỗ, nguyên nhân đến từ thứ cưng nựng hàng ngày- Ảnh 1.

Hình ảnh tổn thương nẳm rải rác tại gan (Ảnh: BSCC)

Ông Hưng cho biết gia đình ông có nuôi chó nhiều năm nay. Ông Hưng rất yêu thích động vật nên ông hay chơi và cho thú cưng ngủ cùng. Tuy nhiên, ông Hưng không có thói quen tẩy giun định kỳ cho vật nuôi và thường xuyên làm vườn mà không sử dụng găng tay bảo hộ.

Khi biết bị lây bệnh từ ký sinh trùng, ông Hưng đã rất bất ngờ: "Bấy lâu nay tôi cứ nghĩ bị dị ứng hay con gì đốt chứ chưa từng nghĩ nuôi động vật lại bị lây nhiễm ký sinh trùng".

BS Nguyễn Thị Ngoại, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho hay, vật nuôi (chó, mèo) bị nhiễm giun đũa, sau khi ký sinh, trứng sẽ phát triển rồi phóng thích ra môi trường thông qua phân của động vật. Đặc biệt, hậu môn của chó/mèo cũng là nơi có chứa trứng giun, khi chúng liếm hậu môn sau đó liếm lên thân thể, vật dụng sinh hoạt hay mặt người vô tình đã phát tán trứng khắp mọi nơi.

Hoặc trong quá trình sinh hoạt, chăm sóc vật nuôi, người dân không sử dụng các vật dụng bảo hộ khi làm vườn (do chó, mèo phóng uế phân có trứng ra đất) là nguồn lây nhiễm bệnh.

Cách phòng bệnh giun đũa chó, mèo

Theo bác sĩ Ngoại, khi trứng giun đũa chó, mèo xâm nhập cơ thể người, chúng di chuyển đến ruột, sau đó thoát vỏ thành ấu trùng xuyên qua thành ruột và theo đường máu đến các cơ quan, trong đó nguy hiểm nhất là gây tổn thương ở phổi, mắt, gan, não.

Bác sĩ khuyến cáo, người dân có nuôi chó, mèo khi có biểu hiện sau cần đi khám:

- Ngứa, nổi mẩn;

- Đau đầu;

- Đau bụng;

- Ho;

- Rối loạn giấc ngủ;

- Thay đổi hành vi (thèm ăn, lo lắng, bất an...).

Ký sinh trùng là bệnh lý khó chẩn đoán bởi các triệu chứng đa dạng, không đặc hiệu, tùy vị trí ký sinh mà có biểu hiện lâm sàng khác nhau. Ở nhiều trường hợp, bệnh lý âm thầm tồn tại trong cơ thể nhiều năm với biểu hiện mờ nhạt cho đến khi gây tổn thương nghiêm trọng đến các cơ quan.

"Thông thường, ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể và 'ẩn nấp' dưới các cơ quan, do đó, nhiều trường hợp phải làm tới 2-3 xét nghiệm hay thăm dò khác mới xác định chính xác được bệnh", bác sĩ Ngoại nói.

Để có thể chung sống an toàn với các loài vật nuôi, bác sĩ khuyến cáo người dân nên lưu ý những điều sau:

- Vệ sinh sạch sẽ, loại bỏ ngay phân của thú cưng để ngăn ngừa trứng từ các con vật nhiễm bệnh;

- Rửa sạch tay sau khi chơi với vật nuôi trong nhà, hoặc sau khi phơi nhiễm với các nơi có nguy cơ nhiễm bệnh;

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước khi ăn;

- Đảm bảo ăn chín, uống sôi;

- Vệ sinh sạch sẽ khu vui chơi của trẻ em.

* Tên nhân vật đã được thay đổi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại