Rối loạn chuyển hóa là một nhóm các chứng bệnh xảy ra đồng thời như: cao huyết áp, tăng đường máu, rối loạn chuyển hóa lipid..., hội chứng này làm tăng nguy cơ các bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện có khoảng 20% - 25% người trưởng thành trên toàn cầu mắc hội chứng này. Một con số đáng được lưu tâm.
Ngày 31/7, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê đang điều trị cho một bệnh nhân điển hình về hội chứng này. Nam bệnh nhân 33 tuổi có tiền sử bệnh gút và tăng huyết áp. 1 tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, khát nước, tiểu nhiều, cân nặng giảm sút. Sáng ngày 26/7 bệnh nhân nhập viện, được chẩn đoán: đái tháo đường, gút, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid.
Xét nghiệm của bệnh nhân cho thấy nhiều chỉ số tăng bất thường: Glucose máu 35.04 , Mmol/Lđây là mức nguy hiểm, gấp gần 10 lần tiêu chuẩn khi đói (4,0-5,9 mmol/l), HbA1c 10.4%, đường niệu 28 mmol/L, Triglycerid: 9.24 mmol/L, Acid uric: 834 micromol/L, men gan tăng. Dù còn trẻ nhưng các khớp nhỏ đã tập trung hạt tophi - một biến chứng do gút gây nên.
BSCKI. Hà Huy Mến - Trưởng khoa Cấp cứu, Trung tâm y tế huyện Cẩm Khê - cho biết hội chứng này có sự liên quan rất lớn đến lối sống và khẩu phần ăn, đây là các yếu tố góp phần tăng hội chứng chuyển hóa ở Việt Nam.
Để giảm nguy cơ xuất hiện hội chứng này, bác sĩ khuyến cáo mọi người cần chú ý điều chỉnh các thói quen có hại cho sức khỏe, cụ thể như sau:
- Giảm cân nặng để đạt được cân nặng lý tưởng (BMI 18,5 - 22,9kg/m2).
- Hoạt động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày với cường độ vừa phải như đi bộ, duy trì tất cả các ngày trong tuần.
- Chế độ ăn ít chất béo bão hòa, ít cholesterol.
- Giảm 5 - 10% trọng lượng cơ thể giúp làm giảm nồng độ insulin, giảm huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.
- Chế độ ăn uống lành mạnh: hạn chế chất béo có hại, tăng cường rau hoa quả, cá và các loại hạt.
- Ngừng hút thuốc lám vì thuốc lá làm tăng đề kháng insulin.