Người đàn ông 34 tuổi phải nhập viện tâm thần vì có 1 thói xấu khó bỏ

Ngọc Minh |

Mới đây, Viện sức khoẻ tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận bệnh nhân H (34 tuổi) có một thói xấu kéo dài trong nhiều năm, ảnh hưởng đến cuộc sống và các mối quan hệ.

Ths.BS Nguyễn Thành Long, Phòng M7, Viện sức khoẻ Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết theo lời kể của mẹ anh H, H là con thứ hai trong gia đình, quá trình sản nhi phát triển tâm thần vận động bình thường so với các trẻ cùng trang lứa. H không có tiền sử viêm não, chấn thương sọ não, không có tiền sử dị ứng, hen phế quản, không có tiền sử bệnh lý nội ngoại khoa thần kinh mạn tính hay sử dụng chất kích thích.

Anh H đã kết hôn và có hai con trai. Hiện, vợ chồng anh đã ly hôn 9 năm. Anh H và con trai lớn đang ở với ông bà nội. 

Thói xấu khiến người đàn ông phải nhập viện

Theo các chuyên gia, bệnh nhân H bắt đầu chơi cờ bạc khi đang là sinh viên đại học, chủ yếu chơi cá độ bóng đá với tần suất và mức tiền không nhiều, thời gian chơi và số tiền tăng dần.

Bác sĩ Long cho biết bệnh nhân là người có học thức, đã tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh. Sau tốt nghiệp đại học, bệnh nhân làm ở công ty nước ngoài 4 năm, thu nhập khá. Tuy nhiên, trong thời gian này, bệnh nhân vẫn chơi cờ bạc nhiều lên, có cả thắng cả thua. Bệnh nhân tự chi trả cho việc chơi cờ bạc của mình, có lần phải vay tiền bạn bè nhưng hoàn vốn nhanh do bệnh nhân chơi thắng và có lương từ việc làm. 

Sau 4 năm, công ty ngừng hoạt động, bệnh nhân phải nghỉ việc, bệnh nhân có nộp hồ sơ đi nước ngoài 3 lần nhưng đều bị từ chối.

Người đàn ông 34 tuổi phải nhập viện tâm thần vì có 1 thói xấu khó bỏ- Ảnh 1.

Bác sĩ Long đang khám cho một trường hợp bệnh nhân (ảnh PV)

Sau khi nghỉ làm, bệnh nhân tự kinh doanh, công việc chưa ổn định, thu nhập không tốt như trước đây. Vợ chồng bệnh nhân hay xảy ra mâu thuẫn về tiền bạc và quan điểm sống nên quyết định ly hôn.

Hôn nhân đổ vỡ, bệnh nhân càng trở lên buồn chán, mệt mỏi, không có năng lượng làm việc, ăn ngủ kém, không muốn tiếp xúc với mọi người xung quanh. Bệnh nhân chơi cờ bạc nhiều hơn, số tiền nợ lên đến hàng tỉ đồng. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn tiếp tục vay mượn, khi buồn chán, căng thẳng hoặc khi có tiền hàng, bệnh nhân bỏ nhà ra quán net chơi bạc và cá độ bóng đá. Mỗi tháng, bệnh nhân tiêu từ 60-80 triệu đồng cho việc đánh bạc và sinh hoạt ở ngoài quán net.

Bệnh nhân gần đây luôn cảm thấy tự ti, chán nản về bản thân, nhiều lần đã cố gắng ngừng việc chơi cờ bạc, lập kế hoạch để thay đổi, thử làm công việc mới, nhưng đều không thành công. Trong thời gian không đánh bạc, bệnh nhân thường suy nghĩ hồi tưởng nhiều đến cảm giác thoải mái khi chơi.

Hai nhóm người dễ nghiện cờ bạc

Bác sĩ Long cho biết sau 7 ngày nhập viện điều trị, hiện tại bệnh nhân H đã giảm lo lắng, khí sắc tốt hơn.

Cũng theo vị chuyên gia, nghiện cờ bạc thường gặp ở hai nhóm nhân cách: nhóm thích mạo hiểm và nhóm bốc đồng. Bệnh nhân được cho là nghiện cờ bạc khi việc đánh bạc ảnh hưởng tới công việc, mối quan hệ gia đình, quan hệ xã hội… Tuy nhiên, bệnh nhân không thể dừng được hành vi đánh bạc. Bệnh nhân nghiện cờ bạc thường có tỷ lệ cao mắc các rối loạn tâm thần đi cùng như lo âu, trầm cảm. Nghiện cờ bạc thường gặp ở nam và ở lứa tuổi trường thành trẻ tuổi.

Bác sĩ CKII Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc, Phó phòng M7, Viện sức khoẻ Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết rối loạn cờ bạc (đánh bạc bệnh lý hay nghiện cờ bạc) liên quan đến hành vi cờ bạc lặp đi lặp lại nhiều lần dẫn đến các vấn đề cho cá nhân. Người rối loạn cờ bạc gặp khó khăn trong việc kiểm soát cờ bạc của họ ngay cả khi nó gây ra những vấn đề đáng kể.

Người đàn ông 34 tuổi phải nhập viện tâm thần vì có 1 thói xấu khó bỏ- Ảnh 2.

Bác sĩ CKII Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc.

Nghiện cờ bạc hay những trò may rủi là một rối loạn tâm thần có thể số sánh với nghiện rượu, ma tuý. Nghiện đánh bạc là sự thôi thúc để tiếp tục đánh bạc, không thể kiểm soát được, bất chấp số tiền phải trả cho trò chơi và những ảnh hưởng đến cuộc sống.

Dấu hiệu nghiện cờ bạc

Theo bác sĩ Bảo Ngọc, người nghiện cờ bạc được chẩn đoán khi có 1 hoặc nhiều triệu chứng sau:

- Nhu cầu đánh bạc với số tiền ngày càng tăng để đạt được sự hưng phấn mong muốn.

- Bồn chồn hoặc cáu kỉnh khi cố gắng cắt giảm hoặc ngừng đánh bạc.

- Đã nhiều lần nỗ lực không thành công để kiểm soát, cắt giảm hoặc ngừng cờ bạc.

- Thường bận tâm đến cờ bạc (ví dụ: có những suy nghĩ dai dẳng về việc hồi tưởng lại những trải nghiệm cờ bạc trong quá khứ hoặc lên kế hoạch cho cuộc mạo hiểm tiếp theo, nghĩ cách kiếm tiền để đánh bạc).

- Thường đánh bạc khi cảm thấy đau khổ (ví dụ: bất lực, tội lỗi, lo lắng, chán nản).

- Sau khi thua bạc trong cờ bạc, thường quay trở lại vào một ngày khác để hòa vốn ("đuổi theo" số tiền thua lỗ).

- Nói dối để che giấu mức độ liên quan đến cờ bạc.

- Đã gây nguy hiểm hoặc mất đi một mối quan hệ, công việc, hoặc cơ hội giáo dục hoặc nghề nghiệp quan trọng vì cờ bạc.

- Dựa vào người khác để cung cấp tiền để giảm bớt các tình huống tài chính tuyệt vọng do cờ bạc gây ra.

Bác sĩ Ngọc cho biết người được cho là nghiện cờ bạc ở mức nhẹ nếu có từ 4-5 tiêu chí; mức trung bình từ 6-7 tiêu chí; mức nặng từ 8-9 tiêu chí.

Để phòng ngừa tái mắc cờ bạc bệnh lý, bệnh nhân cần phải cách lý khỏi các trò chơi. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp quan tâm của gia đình, nỗ lực của bản thân. 


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại