Chén rượu, miếng bánh đầu xuân
Theo BS. Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Thận Nhân tạo, BV. Chợ Rẫy (TP HCM), vài ly rượu đầu năm tưởng là chuyện nhỏ nhưng lại hóa ra chuyện lớn với những người đang chạy thận.
“Không ít lần chúng tôi tiếp nhận những bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối.Vào cấp cứu mà miệng vẫn còn hôi mùi rượu.Hỏi ra mới biết các bạn đang chạy thận nhưng nghĩ uống tí rượu xuân sẽ không sao.Nào ngờ chỉ vài phút sau đó, bệnh nhân thấy mệt và lịm đi”.
Không chỉ uống vài ly rượu hoặc vài lon bia khiến chết ngất do ngộ độc, cũng tại BV. Chợ Rẫy, các BS không ít lần đón nhận các bệnh nhân suy thận mạn tính nhập viện trong tình trạng ngưng tim đột ngột. Hỏi ra mới biết nguyên nhân do “thấy dưa hấu thèm quá nên ăn gần nửa trái”, hay “cả năm không ăn bánh chưng nên giờ ăn hơn góc tư”.
Bệnh nhân suy thận mạn tính chạy thận nhân tạo tại BV. Chợ Rẫy
Một trường hợp khác, bệnh nhân 70 tuổi, ngụ ở Đồng Nai, đến BV trong tình trạng co giật, người tím tái và hôn mê sâu. Gia đình cho biết ông này ăn 4 quả khế, khoảng 30 phút sau thì có triệu chứng buồn nôn, vật vã, co giật nên đưa đi cấp cứu.
Tìm hiểu bệnh nền, các BS mới biết bệnh nhân vốn bị suy thận phải chạy thận định kỳ. Sau khi làm các xét nghiệm, các BS chẩn đoán bệnh nhân hôn mê vì bị ngộ độc caramboxin do ăn khế.
Theo các BS, người bình thường ăn khế thì không sao, nhưng những người bị suy thận, phải chạy thận nhân tạo có thể bị ngộ độc sau khi ăn khế, với các triệu chứng nấc cụt, nôn mửa, co giật, động kinh, tâm thần hoảng loạn…
Thủ phạm chính là chất caramboxin có trong khế.
Caramboxin không được xem là chất phản dinh dưỡng mà đó là một độc chất thần kinh.Không hề có thuốc giải độc cho nên bệnh nhân mắc bệnh thận không được phép ăn khế.Ngoài khế, trong ngày tết, một số loại cũng chứa caramboxin rất có hại cho người bị suy thận như chuối, quýt, lựu và dưa hấu.
Người chạy thận rất dễ ngộ độc
GS.TS. Nguyễn Văn Xang, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, phân tích thận là một cơ quan đảm nhận nhiều chức năng sinh lý quan trọng của cơ thể đặc biệt là đào thải qua nước tiểu các sản phẩm giáng hóa protein tức là các nitơ phi protein như urê, creatinin, acid uric…
Mặt khác thận cũng là cơ quan chủ đạo trong việc điều chỉnh cân bằng nước, các chất điện giải như natri, kali, điều chỉnh bằng toan kiềm (ion hydrogen) để duy trì sự hằng định của nội môi. Ngoài ra, thận còn sản xuất nhiều nội tố như erythropoietin để tạo hồng cầu chống thiếu máu, sản xuất 1,2,5 dihydrocalciferol để tăng hấp thu canxi ở ruột chống loãng xương, gãy xương…
Khi thận tổn thương mạn tính, dù có tổn thương ban đầu là ở cầu thận, ống kẽ hay mạch thận cuối cùng cũng dẫn đến suy thận mạn tính.Mức lọc cầu thận cũng sẽ giảm dần rất khó hồi phục.Biện pháp điều trị nội khoa bằng chế độ ăn giảm đạm (UGG) và thuốc men là nhằm ngăn chặn các biện chứng và làm chậm bước tiến của suy thận mạn.
Khi mức lọc cầu thận giảm xuống dưới 10ml/phút, cretinin máu tăng trên 500µmol/lít thì thận sẽ không còn đủ khả năng đảm nhiệm các chức năng sinh lý quan trọng nói trên.
Các sản phẩm giáng hóa, các độc chất nội sinh, ngoại sinh sẽ bị tích tụ trong máu, các rối loạn về chuyển hóa muối, nước, toan kiềm sẽ ngày càng trầm trọng mà các biện pháp điều trị nội khoa không còn hiệu quả. Bệnh nhân bắt buộc phải lọc máu ngoài thận để cơ thể khỏi lâm vào tình trạng nhiễm độc toàn thân mà lâm sàng gọi là “Hội chứng urê máu cao” và tử vong.
Ở giai đoạn này thì việc dinh dưỡng bệnh nhân có khác với khi còn điều trị bảo tồn nhưng cũng rất quan trọng vì lọc máu nhân tạo chỉ giải quyết được một số rối loạn cơ bản. Nếu không có chế độ ăn uống hợp lý bệnh nhân sẽ bị suy dinh dưỡng, chóng suy tim, chất lượng sống bị giảm sút.
Khi đã chuyển bệnh sang điều trị bằng lọc máu có chu kỳ urê creatinin, acid uric máu và một số nitơ phi protein khác sẽ được giảm xuống đến mức an toàn sau chu kì lọc. Natri, kali, nước cũng được điều chỉnh tốt; pH máu có thể trở về bình thường.Bệnh nhân sẽ thoải mái hơn, ăn ngon hơn, ăn khỏe hơn và khỏe dần ra.
Tuy nhiên, do chức năng thận đã suy nặng, những ngày sau chu kì lọc máu, urê, creatinin máu lại tăng, nội mô lại bị rối loạn, nhiều ít là do chế độ ăn uống của bệnh nhân. Do đó không thể bệnh ăn uống một cách tự do, không tính toán mặc dù có được lọc máu có chu kỳ.
Trước hết phải thấy rằng khi đã lọc máu ngoài thận chu kỳ thì sớm muộn bệnh nhân sẽ tiểu ít, thậm chí vô hiệu. Hai quả thận sẽ trở thành vô chức năng.
Trong kỳ lọc máu, các ion như natri, kali, hydrogen được điều chỉnh tốt nhưng những ngày không lọc máu mà bệnh nhân thiểu niệu, vô hiệu rất dễ bị tăng kali máu do đó không thể để bệnh nhân ăn quá nhiều rau, quả chín được. Đối với nước và natri cũng vậy.
Nếu để bệnh nhân ăn quá mặn, quá nhiều mì chính (bột ngọt) cơ thể sẽ bị tích natri, ứ nước, tăng thể tích tuần hoàn, phù, tăng huyết áp.
Thêm vào đó bệnh nhân lại bị thiếu máu trường diễn do suy thận mạn tính, bị tạo lỗ thông động tĩnh mạch (Cimino-Brescia fistulae) gây tăng thêm cung lượng tim. Tất cả những yếu tố đó đều là tác nhân gây dày thất trái, giãn thất trái rồi suy tim toàn bộ. Mặc dù urê máu có giảm nhờ lọc máu nhưng chất lượng sống cuộc bệnh nhân có suy tim sẽ không tốt và cuối cùng là tử vong sớm.
Mặt khác qua lọc máu bệnh nhân cũng mất một số protein, một số yếu tố vi lượng qua màng lọc thận nhân tạo, qua màng bụng. Lọc màng bụng chu kỳ kiểu CAPD) mỗi ngày bệnh nhân có thể mất từ 6 - 8g protein.
Lọc thận nhân tạo lượng protein mất ít hơn, khoảng 3 - 4g/mỗi chu kỳ lọc. Như vậy đối với bệnh nhân lọc máu chu kỳ nếu có dùng chế độ ăn giàu đạm như trong điều trị bảo tồn thì chắc chắn cân bằng nitơ sẽ bị âm tính.
Bệnh nhân sẽ bị suy dinh dưỡng do thiếu đạm. Ngược lại, nếu cho ăn quá nhiều protein, ăn tự do mức urê máu những ngày trước lọc máu tăng cao.Bệnh nhân sẽ kém thoải mái, chán ăn vì vẫn ở trong tình trạng urê máu cao.
Do đó ở bệnh nhân có lọc máu chu kỳ chế độ ăn uống được nâng cao hơn nhưng cần phải bỏ quan niệm không đúng cho rằng lọc máu ngoài thận, được ăn uống tự do, tùy ý.
Bệnh nhân chạy thận nên ăn uống như thế nào?
Ở những bệnh nhân suy thận, sau khi lọc máu, vẫn có thể xảy ra sự rối loạn về urê, creatinin hay các rối loạn về nội mô.Lúc này việc đưa ra một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp giảm thiểu những rối loạn xảy ra.
Lượng muối yêu cầu dưới 1.500mg/ngày
Để có một chế độ dinh dưỡng hợp lý cho những bệnh nhân suy thận mạn tính, bạn nên lưu ý các nguyên tắc sau khi thành lập thực đơn dinh dưỡng:
Giảm kali: Trong những ngày không lọc máu, bệnh nhân thường bị thiểu niệu, làm tăng lượng kali trong máu có thể gây rối loạn nhịp tim thậm chí ngừng tim đột ngột, tử vong mà không có triệu chứng hay dấu hiệu báo trước nào.
Giảm muối và nước: Lọc máu làm tăng sự tích tụ của natri, nước nên bệnh nhân cần hạn chế uống quá nhiều nước để làm giảm nguy cơ bị phù, tăng huyết áp hay phù phổi cấp. Thiếu máu trong suy thận mạn sẽ gây tình trạng tăng cung lượng tim dẫn đến suy tim. Việc giảm muối và nước trong chế độ ăn uống cũng sẽ giúp hạn chế khả năng xảy ra của tình trạng này.
Cung cấp đạm vừa đủ: Chế độ dinh dưỡng phải cung cấp đủ các loại vitamin, khoáng chất. Lưu ý về lượng chất đạm sử dụng trong thực đơn do trong quá trình lọc máu, bệnh nhân sẽ bị mất đi 3 - 4g đạm trong mỗi chu kỳ lọc máu. Tuy nhiên, cũng không nên bổ sung quá nhiều đạm trong khẩu phần ăn vì nó sẽ gây tăng cao lượng urê, creatinin trong máu ở những ngày trước khi lọc máu. Khi urê máu tăng cao, tăng nhanh sẽ gây hội chứng urê huyết cao với những biểu hiện đau đầu, nôn, xuất huyết tiêu hóa....
Cung cấp năng lượng tối thiểu 35 Kcal/ngày.Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp với từng giai đoạn bệnh cũng như tình hình sức khỏe, các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân.
Thực đơn cho người chạy thận nhân tạo
Khi đã nắm được nguyên tắc về dinh dưỡng câu hỏi đặt ra là bệnh nhân lọc máu nên ăn gì?Thực phẩm nào nên và không nên ăn?Dưới đây là một số lưu ý cụ thể về thực đơn cho người chạy thận nhân tạo.
Tránh ăn các thức ăn nhiều kali, bao gồm: chuối, đu đủ, cam, nho, hạt dẻ, cafe hay một số loại rau xanh như cải bắp, súp lơ...
Hạn chế muối: lượng muối yêu cầu dưới 1.500mg/ngày. Việc ăn nhạt cũng có thể giúp bệnh nhân giảm lượng nước đưa vào cơ thể. Tránh ăn các đồ ăn mặn như nước mắm, đồ hộp mặn, cá biển, dưa muối...
Cung cấp vừa đủ đạm. Hạn chế ăn quá nhiều chất đạm, đặc biệt là ở những bệnh nhân lọc máu chu kỳ hoặc lọc màng bụng.
Lượng đạm cần thiết mỗi ngày đối với bệnh nhân chạy thận 1 lần/tuần là 1g/kg cân nặng, bệnh nhân chạy thận 2 lần/tuần là 1,2g/kg cân nặng, chạy thận 3 lần/tuần là 1,4g/kg cân nặng. Lượng đạm có thể được điều chỉnh trong quá trình trị liệu tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, các chỉ số của mức lọc cầu thận.
Các thực phẩm chứa nhiều đạm cần hạn chế như: thịt nạc, thịt gà, trứng, cá, tôm... Cần đảm bảo khẩu phần ăn chứa tối thiểu 50% đạm động vật. Giảm ăn các thực phẩm và đồ ăn chứa nhiều phospho, tăng cường bổ sung canxi:
Suy thận giai đoạn cuối, chức năng lọc của thận gần như mất đi hoàn toàn nên không có khả năng đào thải phospho.Lúc này, nếu lượng phospho trong cơ thể tăng cao sẽ gây giảm canxi dẫn đến loãng xương.
Các thực phẩm chứa nhiều phospho nên hạn chế sử dụng gồm tạng động vật, sữa, đậu, các loại ngũ cốc nguyên hạt, coca, bia... Bổ sung tinh bột như khoai, sắn, đậu...: do tinh bột dễ tiêu hóa, đào thải, giúp giảm thiểu áp lực cho thận trong việc đào thải; đồng thời cũng giúp tránh tình trạng suy dinh dưỡng do chế độ ăn giảm đạm.
Trong điều trị bất cứ bệnh lý nào dinh dưỡng cũng luôn là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình điều trị cũng như khả năng phục hồi sức khỏe của bệnh nhân. Bệnh nhân nên có một chế độ dinh dưỡng khoa học và tuân đúng theo hướng dẫn chỉ định của BS để có sức khỏe tốt.