Người bệnh đừng cam chịu, thấy bác sĩ chưa làm việc này đã khám bệnh thì phải... la lên

Bệnh Nhân Vui Tính |

Việc vệ sinh tay không phải là lựa chọn CÓ LÀM HAY KHÔNG mà là BẮT BUỘC đối với nhân viên y tế.

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), trên thế giới, mỗi ngày có hàng ngàn người chết do bị nhiễm trùng trong quá trình chăm sóc y tế. Trước khi Fleming tìm ra Penicilline, nhân loại phòng chống vi khuẩn bằng rửa tay. Sau khi có Penicilline thiên hạ cứ nghĩ thế là OK. Tuy nhiên, sang thế kỷ 21, rửa tay vẫn là số một trong việc phòng chống lây nhiễm.

Việc vệ sinh tay không phải là lựa chọn CÓ LÀM HAY KHÔNG mà là BẮT BUỘC đối với nhân viên y tế.

Chuẩn chất lượng cho cơ sở y tế danh giá của Mỹ (JCI) có riêng một chuẩn (chương IPSG, chuẩn số 5) dành cho việc kiểm soát vệ sinh tay. Chuẩn chất lượng của Bộ Y Tế Việt Nam cũng có một tiêu chí (C4.3) đánh giá vệ sinh tay. Điều đó cho thấy, việc vệ sinh tay của nhân viên y tế là vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát nhiễm khuẩn.

Do vậy, việc vệ sinh tay không phải là lựa chọn CÓ LÀM HAY KHÔNG mà là BẮT BUỘC đối với nhân viên y tế.

Vậy mà ít có người bệnh nào biết rằng, trên thế giới, tỉ lệ nhân viên y tế rửa tay đúng lúc, đúng cách chỉ ở vào khoảng 40%. Nghĩa là trong 10 lần lẽ ra phải rửa tay thì chỉ có 4 lần tay được rửa, 6 lần còn lại thì… kệ cái con vi khuẩn đang bám ở đó muốn lây muốn nhiễm gì cứ thoải mái!

Còn ở Việt Nam thì sao? Tỉ lệ này là bao nhiêu? Suỵt! Quan sát đi, đừng hỏi!

Vậy, không lẽ người bệnh chúng mình đành cam chịu? Nên cũng phải biết chút chút, tối thiểu để ít nhất có thể tự bảo vệ mình.

Để đảm bảo bàn tay sạch, việc rửa tay phải đúng kỹ thuật, có 6 bước rửa tay như trong hình. Mỗi bước làm 5 lần, tổng thời gian tối thiểu là 30 giây. Nhưng người bệnh hay người nhà mà nhớ được cái này chắc cũng khó. Nên mình thấy bác sĩ rửa tay... trên 10 giây là ngon rồi, còn ổng xịt xịt rồi ngoáy kiểu gì cũng được.

Người bệnh đừng cam chịu, thấy bác sĩ chưa làm việc này đã khám bệnh thì phải... la lên - Ảnh 1.

Tổ chức y tế thế giới (WHO) cũng đã nghiên cứu và xác định có 5 thời điểm mà người nhân viên y tế phải rửa tay để đảm bảo hạn chế tốt nhất việc lây nhiễm, bao gồm:

Người bệnh đừng cam chịu, thấy bác sĩ chưa làm việc này đã khám bệnh thì phải... la lên - Ảnh 2.

Nói chung rất phức tạp. Không biết WHO có bị mấy ông sản xuất dung dịch rửa tay nhanh ép phải đẻ ra nhiều thời điểm như vậy hay không, nhưng người bệnh và thân nhân chắc không cần nhớ nhiều thế. Bệnh Nhân Vui Tính tôi khuyên mọi người chỉ cần chú ý duy nhất ở thời điểm thứ 1: Trước khi tiếp xúc bệnh nhân.

Nghĩa là, bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý... làm gì cũng được, nhưng muốn chạm vào người em thì LÀM ƠN RỬA TAY!

Lưu ý: việc nhân viên y tế vệ sinh tay trước khi tiếp xúc người bệnh được khuyến cáo trong vòng 1,5m, vì nếu rửa tay từ đâu đó thì có thể đã bị nhiễm trên đường đi đến khám cho bạn rồi.

Vậy nếu nhân viên y tế mang găng thì sao? Có phải rửa tay không?

Mang găng chỉ giúp tránh lây nhiễm cho nhân viên y tế, còn việc lây nhiễm chéo cho bệnh nhân thì vẫn không hơn gì việc họ không đeo găng. Do vậy, cứ thấy đeo găng đi khắp phòng sờ người nọ sờ người kia thì tới mình, mình có đuối lắm cũng phải ráng ngóc đầu dậy hô to: THAY GĂNG!

Ngoài ra, người bệnh và người nhà cũng cần phải tự bảo vệ mình bằng cách… tương tự như nhân viên y tế vậy. Nếu cơ sở y tế có cung cấp chai sát khuẩn nhanh ở đầu giường thì tốt, không thì cũng nên tự mua một chai đút túi mà dùng.

Mỗi khi sờ vào cái gì đó (cầu thang, xe lăn, thành giường, chai dịch truyền, sau khi đi vệ sinh...) thì phải rửa tay! An toàn cho mình và hạnh phúc cũng cho mình luôn!

Người bệnh đừng cam chịu, thấy bác sĩ chưa làm việc này đã khám bệnh thì phải... la lên - Ảnh 3.

Việc vệ sinh tay thể hiện sự chuyên nghiệp và tôn trọng người bệnh nên nếu thấy nhân viên y tế tiếp xúc với mình mà không rửa tay là... hiểu luôn.

Cuối cùng, người bệnh mình chỉ cần nhớ thế này cho nó đơn giản: MUỐN SỜ EM PHẢI RỬA TAY!

Ý tưởng vui: không biết có nhà sản xuất nào sản xuất quạt xếp (kiểu xòe xòe như Sở Lưu Hương đó, trên quạt in dòng chữ "Bác sĩ ơi, rửa tay chưa?". Rồi bán đại trà trong tạp hóa bệnh viện. Người bệnh mua rồi đem lên phòng bệnh, thấy bác sĩ là... xòe ra thôi. Chắc sẽ rất vui!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại