Ngược đời tập thể thao: Người yếu khỏe, người khỏe đuối!

Anh Thư |

Hai cha con tôi cũng tập luyện các bài gym nặng. Tôi vốn khỏe, làm việc nặng từ nhỏ, cháu thì "liễu yếu đào tơ". Thế nhưng lúc tập thể thao thì cháu khỏe re, tôi lại hay bị hụt hơi, khó thở. Sao ngược đời vậy?

Thời gian gần đây, có phong trào tập luyện các bài cardio, gym nặng, đòi hỏi nhiều sức lực, khi tập nhịp tim tăng lên và đốt cháy nhiều năng lượng, tôi và con gái cũng thử tập để giảm cân, cải thiện vóc dáng. Con gái tôi (20 tuổi) thì tập không sao, tôi thì lại hay cảm thấy mệt, đuối sức, mặt đỏ gay, khó thở khi tập, dù xét về sức vóc thì tôi hơn con gái mình nhiều. Tôi cũng làm việc nặng từ nhỏ còn cháu thì khá yếu đuối, đến xe máy cũng phải nhờ tôi dắt giùm.

Cảm giác mệt, đuối sức, khó thở này có nguy hiểm không, vì sao tập như nhau mà chỉ có tôi thường xuyên bị vậy? Hiện tôi đã tập được 1 tháng và vẫn gặp tình trạng mệt này. Tôi nên chờ để nó tự cải thiện hay cần đi khám?

(Nguyễn Trường Duy, 50 tuổi, quận Gò Vấp, TP HCM)

Bác sĩ chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Thống Nhất:

Chào anh, trước hết tôi rất ngưỡng mộ tinh thần thể thao của gia đình anh. Chúc mừng cha con anh đã tìm được một thú vui chung lành mạnh, tốt cho thể chất và tinh thần của cả hai.

Nhưng vấn đề ở đây là hai người đang chọn những bài tập nặng, chuyên sâu nên phải cẩn thận, nhất là khi anh đã có biểu hiện mệt mỏi, tăng huyết áp.

Các bài tập thể dục thông thường mọi người đầu có thể tập như nhau. Tuy nhiên, các bài tập nặng, chuyên biệt thì nên có huấn luyện viên cá nhân nhiều kinh nghiệm.

Tùy thuộc giới tính, độ tuổi, bệnh lý mạn tính đi kèm, người tập sẽ được hướng dẫn cụ thể. Không nên tập luyện theo video hoặc bạn bè chỉ bảo.

Trường hợp của anh mệt, đuối sức khi tập luyện các bài tập nặng là do các bài tập không phù hợp với lứa tuổi của anh.

Sự trao đổi chất, chuyển hóa tế bào, sự phục hồi của các cơ quan trong cơ thể của anh (50 tuổi) không thể bằng con gái anh (20 tuổi), cho dù nhìn bề ngoài cô bé "liễu yếu đào tơ" hơn anh.

Ngoài ra, nếu trước đây anh là người ít vận động hoặc từng tập luyện nhưng bị gián đoạn trong thời gian dài, cơ thể anh sẽ khó thích nghi và dễ chấn thương, mệt mỏi khi bước vào ngay một chế độ tập nặng.

Có thể con gái anh cũng ít vận động trước đó nhưng cơ thể của một thanh niên giúp cô bé dễ thích nghi hơn.

Vì lẽ đó, anh nên dừng ngay chế độ tập hiện tại. Nên đến một trung tâm tập luyện có huấn luyện viên để được hướng dẫn các bài tập thích hợp.

Với các biểu hiện anh đã kể trong thư, anh cũng nên đi khám, tầm soát các bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, tiểu đường…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại