Vừa buồn cười vừa thương cảnh mẹ 9x chống gậy lò dò tập đi sau khi sinh mổ

T.Q |

Không nhịn được cười đó là cảm xúc chung của mọi người khi xem clip tập đi sau khi sinh mổ của Ngọc Mai. Nhưng đằng sau đó là nỗi xót xa cho người phụ nữ khi phải trải qua thời gian vượt cạn đầy đau đớn.

Sinh con luôn là hành trình vượt cạn đầy thử thách, dù là sinh theo bất cứ phương pháp nào. Nhưng đa số ý kiến vẫn cho rằng sinh mổ đỡ đau hơn sinh thường, rồi nhiều mẹ chọn sinh mổ để bản thân đỡ phải gánh chịu những đau đớn hành hạ suốt nhiều giờ.

Tuy nhiên, khi chứng kiến những bà mẹ vật lộn trải qua cảm giác đau đớn sau khi thuốc tê lúc sinh mổ hết, rồi lò dò từng bước tập đi, hồi phục lại sức khỏe sau khi sinh thì chắc hẳn không ai còn cho rằng sinh mổ là sinh không đau đớn nữa.

Mới đây, trên một hội nhóm mạng, bà mẹ trẻ Đoàn Ngọc Mai (25 tuổi, hiện đang sinh sống tại Sơn La) đăng tải những hình ảnh mình đang chống gậy tập đi với vẻ mặt đau đớn, lưng còng còng như một bà lão 80, cư dân mạng đã được phen vừa buồn cười vừa xót xa cho những người phụ nữ đã, đang và sẽ trải qua cảnh sinh mổ.

Trải qua 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau, đến ngày dự sinh nhưng Ngọc Mai không hề có dấu hiệu đau bụng chuyển dạ. 3 ngày đợi chờ trong bệnh viện nhưng tình hình vẫn không có chiều hướng thay đổi, Ngọc Mai được chỉ định sinh mổ.

Đây là lần đầu sinh con, lại không có cơn đau đẻ nên Mai không hề có cảm giác sợ hãi gì.

Cô chia sẻ: "Trước khi sinh, mình chỉ mong sớm được gặp con. Lúc ấy lại là những ngày sát Tết nên mình sốt ruột lắm.

Quá trình sinh mổ mình được bác sĩ gây tê nên cũng không hề cảm thấy đau đớn gì. Nằm trên bàn sinh, mình hồi hộp, mắt cứ nhắm nghiền lại cho đến khi nghe tiếng con khóc mới dám mở mắt ra".

Ngọc Mai sinh mổ đúng 28 Tết. Ca sinh mổ diễn ra nhanh chóng và thuận lợi.

Tuy nhiên, cũng giống như nhiều bà mẹ sinh mổ khác, sau khi sinh 1 ngày, theo lời khuyên của bác sĩ và những người có kinh nghiệm, cô phải dậy tập đi nhằm giúp thúc đẩy tuần hoàn máu, giúp vết thương mau lành, tăng cường nhu động ruột, giúp nhanh thoát khí, tránh nguy cơ dính ruột và tắc mạch máu.

Và cảnh tập đi của Ngọc Mai đã được mẹ chồng quay lại. "Mình đã rất cố gắng tập đi, tập vận động để mau khỏe mạnh còn xin bác sĩ cho về nhà vào mùng 2 Tết", Ngọc Mai tâm sự.

Trong chiếc váy sản phụ, Ngọc Mai cúi gập người, tay cầm một chiếc gậy lò dò tập đi từng bước, vẻ mặt hiện rõ sự đau đớn.

Những hình ảnh này đã khiến cư dân mạng xem mà không nhịn được cười nhưng cũng cảm thấy thực sự xót xa cho nỗi đau và những hy sinh của người phụ nữ. Nó cũng xóa tan những suy nghĩ cho rằng phụ nữ sinh mổ là sung sướng, không hề biết đến đau đớn.

Những hình ảnh của Ngọc Mai sau khi sinh được mẹ chồng ghi lại.

Đồng cảm với cảnh tập đi của Ngọc Mai, độc giả V.A.C bình luận: "7 ngày sau mổ, mình vẫn chưa đi thẳng lưng được. Vẫn rất đau". Độc giả G.M thì thẳng thắn: "Ai nói đẻ mổ sướng thì nghĩ lại nhé.

Đau khủng khiếp. Thà đẻ thường đau mấy tiếng còn hơn đẻ mổ đau cả tháng. Mình chọn giảm đau sau sinh, dù biết không tốt nhưng không chịu được đau nên cứ phải dùng thôi".

Bà mẹ có nickname Đ.T cũng bình luận đầy cảm xúc: "Không đẻ nữa! Mình đã sinh 2 đứa rồi, cũng sinh mổ. Không biết đau đẻ như thế nào nhưng mà đau mổ thì... Sinh mổ, đau chết đi sống lại mất 2 ngày liền".

Không sinh mổ nhưng độc giả N.B cũng bày tỏ sự đồng cảm với nỗi đau khi trải qua cảnh sinh nở: "Cả hai lần mình đều đẻ thường. Đứa thứ nhất đau 15 tiếng mới lên bàn đẻ, lên bàn rồi thì nhoắng cái là con ra đời.

Đứa thứ 2 không đau nhiều nhưng giời đất ạ, lên bàn mà 2 tiếng con mới ra nổi, trong 2 tiếng trên bàn ấy đúng là thảm họa. Mình thề là cho tới khi dựng vợ gả chồng cho 2 đứa chúng nó, bế con cho chúng nó thì mình vẫn không thể quên được cảm giác đau đẻ ở cả 2 lần!

Mỗi lần nhắc tới là rùng hết mình. Đau lắm lắm các mẹ ạ!"...

Vừa buồn cười vừa thương cảnh mẹ 9x chống gậy lò dò tập đi sau khi sinh mổ - Ảnh 3.

Bé Thảo Nguyên (tên thân mật là Dingtea) - con gái Ngọc Mai lúc 2 ngày tuổi.

Vừa buồn cười vừa thương cảnh mẹ 9x chống gậy lò dò tập đi sau khi sinh mổ - Ảnh 4.

Ngọc Mai hạnh phúc bên con gái bé nhỏ.

Được biết, không chỉ đau đớn sau khi sinh mổ mà Ngọc Mai còn cảm thấy rất tủi thân khi đi sinh mà không có mẹ đẻ ở bên cạnh. Đón giao thừa trong bệnh viện lại càng khiến bà mẹ trẻ thêm buồn lòng:

"Lúc ấy mình thấy buồn lắm, lại thương mẹ chồng phải ở đây chăm sóc mình trong khi nhà nhà, người người đang nô nức chuẩn bị Tết. Nhưng rồi khoảnh khắc giao thừa đến, ôm con trong vòng tay, mọi đau đớn, buồn phiền cũng tan biến hết, chỉ còn lại niềm hạnh phúc khi được làm mẹ".

Mai lấy chồng cùng tỉnh Sơn La nhưng cách nhà tới 200km, chồng thì phải đi trực: "Sau khi sinh, chiều tối mùng 2 Tết mình được về nhà thì mùng 3, mùng 4 chồng mình đi trực cả ngày lẫn đêm. Nằm ôm con trong phòng nhớ nhà ngoại, nhớ chồng tủi thân lắm các mẹ ạ.

Đêm con ọ ẹ ị đái, mình cứ quay như chong chóng. Vì là con đầu nên mình còn lóng ngóng, vừa ngáp vừa thay tã cho con, xong vừa cho con ti vừa ngủ gật".

Hiện tại, sau hơn 1 tuần sinh con, vết mổ của Ngọc Mai đã đỡ hơn rất nhiều, dù đôi lúc vẫn còn cảm giác nhức nhức, cắn cắn ở đó. Ngoài ra, cô cũng phải đối mặt với tình trạng đau lưng sau khi sinh.

Trải qua quá trình sinh nở, Ngọc Mai nhắn nhủ: "Bác nào có vợ thì hãy yêu thương vợ mình nhé. Sinh mổ thì cũng không sung sướng gì đâu.

Còn các mẹ nên chuẩn bị kĩ hành trang trước khi sinh, nếu không sẽ lóng ngóng lắm. Và nếu có sinh mổ thì nên cố gắng vận động sớm sau khi sinh để cơ thể nhanh hồi phục lại".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại