Ngừa các bệnh đường tiêu hoá dễ mắc trong mùa hè

BS. Trần Thị Minh Phương |

Nhiễm trùng đường tiêu hoá là bệnh lý rất hay gặp, nhất là trong những ngày hè nắng nóng.

Trong phạm vi bài viết, chúng tôi chỉ xin trình bày một vài bệnh thông thường để khi gặp mọi người biết cách xử trí và cứu chữa kịp thời, tránh để bệnh quá nặng và xảy ra những biến chứng đáng tiếc.

Tiêu chảy cấp

Xảy ra khá phổ biến, tỷ lệ mắc bệnh cao ở cả những nước công nghiệp phát triển và các nước đang phát triển. Tiêu chảy thông thường không nặng, có thể tự khỏi nhưng cũng có thể tiến triển nặng đột ngột và đe doạ tới tính mạng người bệnh. Tiêu chảy được coi là cấp tính nếu thời gian diễn biến của bệnh dưới 3 tuần.

Nguyên nhân chung nhất của tiêu chảy cấp tính là tiêu chảy nhiễm trùng do ký sinh trùng Giardia, vi khuẩn mang độc tính: E.coli, trực khuẩn tả, Rotavirus, Norwalkvirus.

Tiêu chảy xuất hiện đột ngột ở người tiền sử khoẻ mạnh thường là do nhiễm khuẩn tiêu hóa. Các dấu hiệu toàn thân của tiêu chảy nhiễm trùng bao gồm: sốt, đau cơ, mệt mỏi, nôn, buồn nôn, chán ăn. 

Bệnh cảnh tiêu chảy nhiễm độc thường diễn biến nặng nhưng thời gian diễn nhiễm bệnh ngắn. Khi tiêu chảy kéo dài hoặc khi phối hợp với các triệu chứng khác như buồn nôn, nôn thường kèm theo dấu hiệu mất nước: khát nước, giảm lượng nước tiểu, giảm huyết áp.

Xử trí: Tuỳ nguyên nhân mà có cách xử trí thích hợp. Nếu do thức ăn hoặc hoá chất thì cách tốt nhất là ngừng tiếp xúc với những tác nhân này. Nếu do nhiễm khuẩn, cần phải điều trị bằng thuốc kháng sinh, được thực hiện dưới sự chỉ định của thầy thuốc.

Kháng sinh không có tác dụng làm giảm thời gian bệnh, trong một vài trường hợp còn kéo dài thời gian bệnh, vì vậy, việc sử dụng rộng rãi có thể gây tác dụng phụ làm bệnh nặng thêm và gây nên tiêu chảy do kháng thuốc.

Việc bồi phụ nước theo đường uống (orezol) là biện pháp rất có ích trong trường hợp tiêu chảy ở mức độ nhẹ hay trung bình. Bồi phụ nước và chất điện giải theo đường tĩnh mạch được chỉ định trong trường hợp mất nước nặng.

Những thuốc cầm tiêu chảy hay ức chế nhu động ruột không được khuyên dùng trong các trường hợp này vì việc đi tiêu sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn gây bệnh và độc tố của chúng.

Đối với tiêu chảy cấp nguyên nhân do virut không có thuốc điều trị virut đặc hiệu, việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng với việc bù nước, điện giải thích ứng và kịp thời.

Thói quen hạn chế ăn uống trong giai đoạn tiêu chảy mang lại những bất lợi do việc cung cấp không đủ calo cần thiết cho chuyển hoá. Các sản phẩm có chứa sorbitol trong một số sản phẩm hoa quả sẽ gây nên tiêu chảy và cần phải tránh tối đa. Bệnh nhân thường chán ăn nhưng phải duy trì tối đa việc đảm bảo năng lượng cung cấp qua đường ăn.

Ngừa các bệnh đường tiêu hoá dễ mắc trong mùa hè - Ảnh 1.

Lỵ trực khuẩn

Bệnh thường xảy ra vào mùa hè nóng nực do ăn hoặc uống các đồ ăn, nước uống bị nhiễm một loại vi khuẩn gọi là trực khuẩn lỵ. Vật truyền bệnh trung gian nguy hiểm nhất là ruồi nhặng. Ruồi đậu vào phân người bị bệnh phóng uế bừa bãi hoặc phân người bệnh không được xử lý kịp thời và đúng cách rồi đậu vào thức ăn, đồ uống làm lây bệnh.

Gián, chuột cũng là những con vật trung gian làm lây truyền bệnh lỵ trực khuẩn. Uống nước không đun sôi, lấy từ các nguồn không đảm bảo vệ sinh cũng là một đường truyền bệnh và thường gây ra các vụ dịch nhỏ trong cộng đồng.

Vài ba ngày sau khi ăn hoặc uống phải vi khuẩn lỵ từ các nguồn kể trên, bệnh khởi phát một cách đột ngột gồm các triệu chứng phổ biến là sốt, đau quặn bụng, mót rặn, đi đại tiện nhiều lần nhưng mỗi lần chỉ có rất ít phân lẫn với ít chất nhày và đặc biệt là phân có lẫn máu kiểu nhờ nhờ như máu cá. 

Sau mỗi lần đi đại tiện, người bệnh thấy dễ chịu hơn nhưng các lần đi thường rất gần nhau, có thể từ 15-20 lần trong 1 ngày hoặc hơn nữa. 

Ở trẻ em dưới 5 tuổi, người già nhiều khi bệnh biểu hiện rất nặng dưới dạng nhiễm độc tiêu chảy dầm dề, phân như nước rửa thịt, li bì, kiệt nước, mạch nhanh nhỏ, sốt cao đôi khi co giật, hôn mê và có thể chết sau vài giờ hoặc vài ngày nếu không đi khám và điều trị kịp thời.

Lỵ amíp

Bệnh này do một loại gọi là đơn bào amíp tồn tại trong phân hoặc trong nước nhiễm phân của những người bị bệnh. Do loại đơn bào này có thể tồn tại rất lâu trong môi trường dưới dạng kén nên bệnh có thể lây lan kéo dài và rất xa nếu nguồn nước ô nhiễm hoặc các vật trung gian truyền bệnh như ruồi, nhặng, gián... tiếp tục tồn tại.

Khác với bệnh lỵ trực khuẩn, bệnh lỵ do đơn bào amíp gây ra thường xuất hiện từ từ, không rầm rộ, không sốt. Người bệnh đi ngoài nhiều lần, cũng đau quặn, mót rặn mỗi khi đi đại tiện và phân cũng có lẫn máu, nhầy nhưng thường số lần đi ít hơn (khoảng 5-15 lần mỗi ngày). Bệnh có thể giảm một cách tự phát hoặc sau khi uống một vài thứ thuốc. Nhưng thường là bệnh không khỏi mà vẫn âm ỉ hoặc kéo dài dần dần chuyển sang thể mạn tính (tái phát từng đợt đau quặn bụng, mót rặn, phân lẫn máu và nhày mỗi khi cơ thể yếu, khi làm việc quá sức hoặc khi ăn thức ăn lạ có vị tanh và nhiều mỡ).

Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh lỵ amíp là áp-xe gan. Nên khi mới bị bệnh, người bệnh cần đi khám sớm để làm xét nghiệm phân tìm vi khuẩn hoặc đơn bào amíp, làm các xét nghiệm cần thiết và được điều trị đúng, kịp thời như dùng thuốc giảm đau, bù dịch và điện giải, điều trị kháng sinh đủ, có hiệu quả nhất. Ăn các thức ăn dễ tiêu, nhiều chất dinh dưỡng như sữa, các thức ăn có tính bao bọc niêm mạc như cháo ngũ cốc...

Thông thường, bệnh sẽ khỏi sau từ 5-7 ngày chữa trị đúng cách. Ăn kiêng như một số người thường nghĩ thực ra không những không đỡ bệnh mà còn rất có hại cho sức khoẻ, làm cho bệnh kéo dài hơn.

Lời khuyên của thầy thuốc

Cách tốt nhất để mọi người bảo vệ mình khỏi mắc các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hoá là ăn các thức ăn mới nấu, đậy kín, chỉ uống nước sạch đã đun sôi, không ăn các thức ăn nguội mà ruồi nhặng có thể đậu vào. Khi một người trong gia đình bị bệnh, cần giữ gìn, rửa tay kỹ sau khi đi vệ sinh, xử lý kỹ tránh làm lây bệnh cho người khác.

Sau khi săn sóc người bệnh, cần rửa tay kỹ nhiều lần bằng xà phòng hoặc các dung dịch tẩy trùng như cloramin B. Một điều cần chú ý là một khi đã đi ngoài có lẫn máu, chất nhày (hoặc chỉ có lẫn máu hoặc nhày đơn thuần) thì người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để khám. Không nên tự chữa bằng các bài thuốc dân gian vì bệnh có thể bị kéo dài, nặng lên và khó chữa hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại