Ngủ quá nhiều dễ gặp rủi ro về sức khỏe, bạn ngủ mấy tiếng 1 ngày?

Linh An |

Nếu bạn thường xuyên ngủ lâu hơn 9 giờ mỗi đêm mà lại thức dậy với cảm giác mệt mỏi, hãy coi chừng vì đó có thể là dấu hiệu không tốt cho sức khỏe.

Những nguy cơ khi ngủ quá nhiều

Bất cứ ai cũng cần ngủ vì giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tinh thần, thể chất và chất lượng cuộc sống. Ngủ đúng cách mang lại tinh thần sảng khoái và sẵn sàng năng lượng để bắt đầu ngày mới, góp phần cải thiện khả năng học tập và làm việc, giúp hệ tim mạch luôn khỏe mạnh, thúc đẩy sự cân bằng của hormone và hỗ trợ hệ thống miễn dịch.

Trong xã hội hiện đại, thiếu ngủ dường như là một tình trạng khá phổ biến, tuy nhiên, ngủ quá nhiều cũng đáng lo ngại không kém. Tổ chức Nghiên cứu Giấc ngủ định nghĩa, ngủ quên hay ngủ quá nhiều tức là ngủ hơn 9 giờ trong khoảng thời gian 24 giờ.

Trong khi đối với hầu hết mọi người, ngủ từ 7 đến 9 giờ mỗi đêm là đủ, mặc dù tùy theo tuổi tác, mức độ hoạt động và sức khỏe của mỗi người mà thời gian ngủ sẽ khác nhau.

Ngủ quá nhiều dễ gặp rủi ro về sức khỏe, bạn ngủ mấy tiếng 1 ngày? - Ảnh 1.

Thiếu ngủ và "thừa ngủ" đều không tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa.

Bác sĩ Safia Khan, một chuyên gia về rối loạn giấc ngủ cho biết, một người có thể ngủ rất nhiều sau một tuần làm việc căng thẳng hoặc khi bị ốm.

Trong những trường hợp đó, việc ngủ quên là bình thường. Chuyên gia này khẳng định: "Đó được gọi là giấc ngủ phục hồi. Nhưng nếu ngủ hơn 9 giờ mỗi ngày là một thói quen, thì như vậy là ngủ quá nhiều."

Ngủ quá mức thường cho thấy điều gì đó khác đang xảy ra với sức khỏe, chẳng hạn như rối loạn giấc ngủ tiềm ẩn hoặc một tình trạng bệnh lý khác.

Theo Bác sĩ Shanon Makekau, Trưởng khoa xung nhịp học và Giám đốc y học giấc ngủ của Kaiser Permanente (Honolulu), ngủ quên có thể dẫn đến các hiện tượng như: mệt mỏi, thiếu năng lượng, giảm chức năng miễn dịch, căng thẳng, tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, tiểu đường và béo phì,...

Một nghiên cứu trên Tạp chí Tim mạch Châu Âu nêu rõ, ngủ nhiều hơn 6-8 giờ mỗi ngày (bao gồm cả giấc ngủ ngắn) có liên quan đến nguy cơ tử vong do bệnh tim cao hơn (theo dữ liệu khảo sát hơn 116.632 người trưởng thành từ 21 quốc gia).

Nguyên nhân gây ra ngủ quá mức

Một nghiên cứu được công bố trên Annals of Neurology (Tạp chí y khoa về Thần kinh học) cho thấy, 8,4% trong số gần 20.000 người tham gia nghiên cứu đã ngủ từ 9 giờ trở lên mỗi ngày. Những người bị rối loạn tâm trạng có nguy cơ ngủ quên cao gấp 3 đến 12 lần và có nguy cơ chất lượng cuộc sống kém hơn gấp 2 đến 4 lần so với những người ngủ ít hơn.

Bác sĩ Khan cảnh báo, ngủ quên cũng có thể là do chứng mất ngủ quá mức (hoặc buồn ngủ quá mức vào ban ngày), hội chứng giai đoạn ngủ muộn, sự mất cân bằng của hormone, bệnh Parkinson hoặc chứng mất trí.

Bác sĩ Ulysses Magalang, Giám đốc chương trình điều trị rối loạn giấc ngủ tại Trung tâm Y tế Wexner (Đại học Bang Ohio ở Columbus) nhận định: "Những nguyên nhân phổ biến nhất là do tác dụng của thuốc hoặc bệnh lý, rối loạn thần kinh. Nếu không phải những lý do trên thì đó có thể là chứng rối loạn giấc ngủ".

Còn theo Tổ chức Nghiên cứu Giấc ngủ và Bệnh viện Johns Hopkins, ngủ quá nhiều thường xảy ra với các tình trạng sức khỏe như béo phì, bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường, hội chứng chân không yên, nghiến răng, đau mạn tính, rối loạn giấc ngủ (chẳng hạn như ngưng thở khi ngủ, mất ngủ hoặc chứng ngủ rũ), suy giáp, trầm cảm hoặc lo lắng.

Ngủ quá nhiều dễ gặp rủi ro về sức khỏe, bạn ngủ mấy tiếng 1 ngày? - Ảnh 2.

Ngủ dậy với tâm trạng mệt mỏi và thiếu năng lượng là những dấu hiệu cần chú ý. Ảnh minh họa.

Bạn có đang ngủ quá nhiều không?

Mặc dù thường xuyên ngủ hơn 9 giờ mỗi đêm là một dấu hiệu báo động, nhưng đó không phải là tín hiệu duy nhất cần chú ý và ngủ hơn 9 giờ mỗi đêm không phải lúc nào cũng đáng lo ngại.

Theo bác sĩ Shanon Makekau, có khoảng 2% dân số là những người "ngủ lâu". Những người này cần ngủ từ 10-12 tiếng mỗi đêm.

"Cố gắng áp đặt khung giờ ngủ tiêu chuẩn từ 7-9 giờ cho những người này có thể gây bất lợi và dẫn đến "nợ ngủ". Nếu một người thường xuyên ngủ lâu hơn 9 giờ mỗi đêm, nhưng thức dậy với cảm giác sảng khoái và thư thái, người đó có thể là một người ngủ lâu.

Còn nếu một người có những triệu chứng như mệt mỏi, đau đầu, thiếu năng lượng và thay đổi tâm trạng khi thức dậy thì cần phải lưu ý" - chuyên gia này nói.

Điều chỉnh giấc ngủ như thế nào?

- Không đặt báo thức nhắc lại để tránh việc cố ngủ thêm

- Thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, kể cả ngày nghỉ cuối tuần

- Đón ánh sáng tự nhiên khi thức dậy và tránh ánh sáng gần với giờ đi ngủ (chẳng hạn như sử dụng máy tính, điện thoại trước khi đi ngủ)

Nếu bạn vẫn thấy mình thường xuyên ngủ quên sau khi thực hiện những thay đổi này, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại