Ngoáy tai cho bé vài tháng tuổi: Cần thiết hay nguy hiểm?

PV |

Nhiều người bảo tôi con nít vài tháng tuổi là bắt đầu phải ngoáy tai, kẻo tai bẩn, dễ viêm; người khác lại nói ngoáy tai cho trẻ khi còn dưới 1 tuổi có thể ảnh hưởng màng nhĩ... Tôi rất băn khoăn.

Bạn đọc Trần Thị Hường ( huongthi...@gmail.com), hỏi: Con trai tôi 3 tháng tuổi, tôi chưa từng ngoáy tai cho bé và thấy tai bé không có gì dơ nhưng bạn tôi bảo không ngoáy tai thường xuyên sẽ khiến ráy tai đọng sâu bên trong, gây viêm tai. Điều này có đúng không và tôi có cần lưu ý gì khi ngoáy tai cho cháu bé còn quá nhỏ không?

Bạn đọc Phạm Thị Minh H. ( huongminhp@gmail.com), hỏi: Tôi vẫn hay ngoáy tai cho con gái 6 tháng tuổi khoảng 3-4 ngày/lần và thấy cháu cũng có ráy tai vàng. Nhưng bạn tôi bảo trẻ con mà ngoáy tai dễ thủng màng nhĩ. 

Tôi có thử ngưng ngoáy tai cho bé vài tuần nhưng nhận thấy tai bé rất bẩn, bé hay cọ tay lên tai như bị ngứa nên đành ngoáy lại. Tôi rất băn khoăn, mong bác sĩ tư vấn.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM), trả lời:

Thông thường ở trẻ em lẫn người lớn, tai đều có cơ chế tự động làm sạch. Các chất bẩn sâu bên trong tai sẽ dần được lông mao đẩy ra ngoài. Vì vậy, việc ngoáy vào sâu bên trong tai là không cần thiết.

Nếu muốn làm sạch tai cho bé, các bạn có thể dùng khăn mềm lau bên ngoài, hoặc ngoáy nhẹ nhàng bên ngoài bằng dụng cụ mềm khi thấy cần thiết, ví dụ khi tai ướt, khi cần loại bỏ chất bẩn đã được lông mao đẩy ra vùng tai ngoài.

Khi dùng bông ngoáy tai, chỉ được thao tác sâu nhất là ở vùng ống tai ngoài. Việc ngoáy tai quá sâu đúng là có nguy cơ gây thủng màng nhĩ, như người bạn của một trong 2 bạn lo ngại. Không thao tác mạnh, không dùng vật cứng vì các cơ quan non nớt trong cơ thể các bé đều dễ tổn thương. 

Chú ý dùng dụng cụ ngoáy tai sạch sẽ, đảm bảo chất lượng và không tái sử dụng bông đã ngoáy tai này cho tai kia.

Trong trường hợp các bạn cảm thấy tai các cháu bé nhiều ráy tai, ráy tai nằm sâu bên trong không tự thoát ra ngoài được, có mủ, tiết dịch bất thường... điều cần làm là đưa bé đi khám. Đó có thể là dấu hiệu bé bị một bệnh lý nào đó liên quan đến tai hoặc có dị vật trong tai.

Nếu nghi ngờ trong tai bé có dị vật, bị con gì bò vào... các bạn cần đưa bé đến bác sĩ, tuyệt đối không cố gắng dùng dụng cụ ngoáy tai để loại bỏ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại