Điều này cho thấy người tiêu dùng quá dễ dãi với an toàn thực phẩm (ATTP). Hà Nội hiện có khoảng 20% số cơ sở không đảm bảo ATTP, tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm rất lớn.
Gần 20% cơ sở bán thức ăn đường phố ở Hà Nội không an toàn
TS. Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Quản lý ngộ độc thực phẩm, Cục ATTP - Bộ Y tế cho biết, dịch vụ kinh doanh thức ăn đường phố không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều nước trên thế giới cũng rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại là quản lý ATTP tại các cơ sở này không hề dễ dàng.
Theo thống kê của Cục ATTP, năm 2016, trong số các vụ ngộ độc thực phẩm được ghi nhận trên toàn quốc thì 3,2 - 5,7% tổng số vụ là do thức ăn đường phố, nhiều nơi xảy ra 2 - 3 vụ ngộ độc thực phẩm trên cùng một địa bàn.
Tại Hà Nội, Chi cục trưởng Chi cục ATTP Hà Nội Trần Ngọc Tụ cho biết, trên địa bàn thành phố có khoảng 26.609 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (trong đó đa số là cửa hàng ăn uống, quầy hàng kinh doanh thức ăn chín), 5.218 cơ sở thức ăn đường phố.
Hàng năm, các đoàn kiểm tra giám sát trung bình 110.000 lượt cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, số cơ sở đạt tiêu chí ATTP trên 80%, khoảng gần 20% số cơ sở chưa đạt.
Vi phạm chủ yếu tại các cơ sở này là điều kiện vệ sinh không đảm bảo, chậm thay thế trang thiết bị, dụng cụ cũ hỏng, sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa kể đến việc lấn chiếm lòng đường vỉa hè, gây mất mỹ quan đô thị...
Từ thực tiễn, ông Tụ thẳng thắn chỉ ra những khó khăn trong quản lý ATTP đối với thức ăn đường phố, nguyên nhân là do số cơ sở lớn, luôn di biến động, đặc biệt khu vực ven đô, khu có đông người lao động thuê trọ, khu có nhiều công trình xây dựng dở dang...
Những nơi này có nhiều quán ăn bình dân không đảm bảo điều kiện ATTP nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm. Mặt khác, theo ông Tụ, một số địa phương chưa quan tâm thường xuyên, còn nể nang trong quản lý, xử phạt vi phạm chưa nghiêm.
Ý thức thực hành vệ sinh của người chế biến còn hạn chế, ý thức một bộ phận người tiêu dùng còn dễ dãi, đơn giản trong lựa chọn cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.
Nhìn đã thấy thực phẩm không đảm bảo nhưng vẫn... đông khách
Trưởng phòng Quản lý ngộ độc thực phẩm, TS. Lâm Quốc Hùng cho rằng, rất khó có thể kiểm soát được một cách triệt để thức ăn đường phố. Nguyên nhân đến từ tính thiếu tự giác, làm ăn gian dối của một số cơ sở kinh doanh cũng như sự dễ dãi, đồng tình với nguy cơ mất ATTP của người tiêu dùng.
“Thậm chí, tại nhiều địa điểm kinh doanh thức ăn đường phố không phải mang đi xét nghiệm mà có thể nhìn rõ bằng mắt, ngửi bằng mũi đã nhận thấy thực phẩm không đảm bảo nhưng vẫn đông khách. Có cầu ắt có cung, như vậy khiến cơ quan chức năng có dẹp đến mấy cũng khó.
Hơn nữa những cơ sở trên thường hoạt động ngoài giờ hành chính, cơ quan chức năng có theo dõi 24/24 giờ cũng khó có thể kiểm soát triệt để” - TS. Lâm Quốc Hùng nói.
Ông Lâm Quốc Hùng cũng cho biết thêm, hiệu lực quản lý thức ăn đường phố các cấp quận huyện còn chưa thường xuyên, chưa cao, chỉ khi nào UBND vào cuộc một cách quyết liệt, triệt để các cơ sở mới không thể làm ăn dối trá. Bởi chính chính quyền nắm rõ trong tay từng cơ sở một.
Hiện tại, UBND TP Hà Nội đã có quy định giao trách nhiệm cụ thể cho chính quyền các địa phương trong công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn, trong đó Chủ tịch UBND phường phải trực tiếp đi kiểm tra ATTP ít nhất 1 tuần 1 lần, Phó Chủ tịch UBND phường phải trực tiếp đi kiểm tra 2 lần 1 tuần...
Tuy vậy, từ thực tiễn ở cơ sở, ông Nguyễn Đức Viên, Trưởng phòng Y tế quận Cầu Giấy cho rằng, hiện vẫn còn tình trạng phần lớn các phường giao nhiệm vụ đảm bảo ATTP cho Trạm Y tế phường nên dễ dẫn tới quá tải.
Mặt khác, thực tế có không ít cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống quy mô nhỏ như quán trà sữa, cháo dinh dưỡng nhưng đứng tên công ty và do thành phố cấp giấy chứng nhận kinh doanh nên ở cấp xã phường, quận huyện khó vào kiểm tra kịp thời.
Do vậy, Trưởng phòng Y tế quận Cầu Giấy kiến nghị thành phố Hà Nội cần hướng dẫn phân cấp quản lý về ATTP triệt để hơn nữa.