Nghiên cứu thiết bị tra, nạp ống giảm chấn càng đáp máy bay Su-22M

Tuấn Sơn - Nguyễn Hòa |

Từ thực tế đào tạo và huấn luyện học viên, Học viện Phòng không – Không quân đã nghiên cứu ra thiết bị tra, nạp ống giảm chấn càng đáp máy bay Su-22M.

Từ thực tế đào tạo và huấn luyện học viên, Thiếu tá QNCN Nguyễn Thành Nam, Kỹ thuật viên, Đại đội 7, Trung tâm Huấn luyện thực hành, Học viện Phòng không – Không quân (PKKQ) đã nghiên cứu ra thiết bị tra, nạp ống giảm chấn càng đáp máy bay chiến đấu Su-22M. 

Sáng kiến này đã giúp khắc phục những điểm yếu của phương pháp, thiết bị tra, nạp cũ, cũng như nâng cao hiệu quả huấn luyện học viên chuyên ngành kỹ thuật hàng không đặc chủng tại học viện.

Nghiên cứu thiết bị tra, nạp ống giảm chấn càng đáp máy bay Su-22M - Ảnh 1.
Nghiên cứu thiết bị tra, nạp ống giảm chấn càng đáp máy bay Su-22M - Ảnh 2.

Thiết bị tra, nạp mới do Thiếu tá QNCN Nguyễn Thành Nam nghiên cứu, chế tạo.

Giới thiệu về sáng kiến mới, Thiếu tá QNCN Nguyễn Thành Nam cho biết, việc tra, nạp dầu thủy lực AMG-10 và khí Ni-tơ vào ống giảm chấn càng đáp máy bay chiến đấu Su-22M được coi là khoa mục quan trọng và thường xuyên được thực hiện trong quá trình khai thác, sử dụng và huấn luyện kỹ thuật hàng không đặc chủng tại các đơn vị.

Tuy nhiên, thiết bị tra, nạp tiêu chuẩn dành cho máy bay Su-22M được sản xuất từ thời Liên Xô, sau nhiều năm sử dụng đã xuống cấp và bộc lộ nhiều nhược điểm.

Thiết bị tra, nạp cũ không có đồng hồ đo áp suất để bơm khí Ni-tơ, xả dầu thừa trong ống giảm chấn của càng đáp máy bay Su-22M. Điều này khiến việc tra, nạp dầu thủy lực phải ước lượng bằng kinh nghiệm và quan sát của kỹ thuật viên.

Quá trình này thường không thể hoàn thành ngay trong lần nạp, xả đầu tiên, mà phải tiến hành nhiều lần gây giảm tuổi thọ thiết bị, tiêu hao nhiều dầu thủy lực và công sức của kỹ thuật viên. Cùng với đó, thiết bị xả, nạp cũ từ thời Liên Xô nên rất khó tìm kiếm linh kiện, phụ tùng thay thế để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Trong quá trình sử dụng có thể gây yếu tố mất an toàn do thiết bị đã cũ.

Toàn bộ phụ tùng và trang bị cấu tạo nên thiết bị nạp, xả mới của Thiếu tá QNCN Nguyễn Thành Nam đều là loại dễ kiếm trên thị trường, giá thành rẻ và dễ dàng trang bị trên quy mô lớn. 

Dựa trên quy trình bảo dưỡng sẵn có, Thiếu tá QNCN Nguyễn Thành Nam đã đưa ra sáng kiến về thiết bị nạp, xả mới căn cứ vào quy chiếu công nghệ của máy bay Su-22M để đơn giản hóa quy trình và tăng hiệu quả thực hiện khoa mục này. 

Thiết bị nạp, xả mới có cấu tạo như hộp kỹ thuật kín với các khoang chứa dầu thủy lực AMG-10 và khí Ni-tơ kết hợp cùng các vòi thủy lực được thiết kế phù hợp với các van trên ống giảm chấn trên máy bay Su-22M. 

Điểm mới của thiết bị là dù vẫn sử dụng hệ thống bơm tạo áp suất bằng tay, nhưng đã có đồng hồ đo áp suất giúp đảm bảo lượng khí và dầu thủy lực được bơm vào ống giảm chấn đúng và đủ áp suất tiêu chuẩn. Ngoài ra, thiết bị cũng có van xả áp để đảm bảo thiết bị không bị quá áp suất gây nổ vỡ bình chứa, mất an toàn trong quá trình sử dụng.

Trong quá trình sử dụng thực tế, thiết bị nạp, xả mới đã chứng minh hiệu quả nâng cao công tác đảm bảo vũ khí trang bị kỹ thuật tại xưởng bảo đảm kỹ thuật, Trung tâm Huấn luyện thực hành, Học viện PKKQ; kiểm soát được lượng dầu thủy lực AMG-10 và khí Ni-tơ trong ống giảm chấn đúng yêu cầu kỹ thuật, giảm thời gian công tác và đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng.

Nghiên cứu thiết bị tra, nạp ống giảm chấn càng đáp máy bay Su-22M - Ảnh 4.

Sáng kiến của Thiếu tá QNCN Nguyễn Thành Nam đã giúp khoa mục nạp, xả dầu thủy lực vào ống giảm chấn càng đáp máy bay Su-22M đơn giản và hiệu quả hơn.

Thiết bị đã được thủ trưởng Học viện PKKQ đánh giá cao và đang được tiếp tục hoàn thiện, phát triển mở rộng tính năng sử dụng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại