Xe tăng T-90S đã về, tới lúc T-62 xuất binh?
Có thể nói cho tới thời điểm hiện tại thông tin cũng như hình ảnh về chiếc xe tăng từng là "nắm đấm thép" mạnh nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam là cực kỳ ít ỏi. Tuy nhiên qua phóng sự "Hậu phương chiến sĩ" được đăng hôm 25/8 vừa qua trên kênh QPVN nhiều thông tin về xe tăng T-62 đã được hé mở.
Theo đó trước khi được trang bị các xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ mới T-90S/SK thì T-62 là mẫu xe tăng chiến đấu mạnh nhất của Binh chủng Tăng – Thiết giáp, cũng có lẽ vì vậy nên các thông tin về T-62 trong Quân đội Nhân dân Việt Nam là không nhiều.
Do đó, việc những hình ảnh huấn luyện của xe tăng T-62 được công khai ít nhiều cho thấy, nhiệm vụ của T-62 trong Binh chủng Tăng – Thiết giáp sẽ được thay đổi.
Xe tăng T-62 thuộc Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 201 trong huấn luyện. Ảnh: QPVN.
Điều này có thể xuất phát từ việc chỉ một số ít xe tăng T-90S/SK được sử dụng cho hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, còn phần lớn sẽ được đưa vào trạng thái cất trữ, bảo quản nhằm đảm bảo hệ số kỹ thuật.
Mặt khác khi T-90S/SK chính thức được biên chế thì vị trí "trấn quốc chi bảo" của T-62 cũng sẽ không còn, đồng thời chương trình hiện đại hóa T-54/55 đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn nâng cấp trên quy mô lớn.
Chính những thay đổi này sẽ tạo điều kiện cho xe tăng T-62 từ lực lượng "dự bị" chiến lược chuyển mình thành lực lượng trực chiến giống như các xe tăng T-54/55 hay PT-76 hiện tại.
Điều này cũng phù hợp với truyền thống sử dụng vũ khí của Quân đội Nhân dân Việt Nam, khi hầu hết các trang bị khí tài tối tân nhất đa phần đều được niêm cất để đảm bảo hệ số kỹ thuật và sẽ chỉ được triển khai toàn diện sau khi có phương tiện tối tân hơn thay thế.
Trong thời gian sắp đến, có lẽ hình ảnh về xe tăng T-62 của Việt Nam tham gia nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu sẽ ngày phổ biến hơn trên các phương tiện truyền thông, và hình ảnh T-62 song hành cùng T-54/55 vượt qua cửa mở trong diễn tập sẽ là khoảnh khắc cực kỳ đặc biệt.
Trong môi trường chiến tranh hiện đại ngày nay, T-62 của Việt Nam có thể bị xem là một mẫu xe tăng lỗi thời, tuy nhiên với những gì diễn ở chiến trường Syria lại cho chúng ta thấy một sự thật khác, rằng những mẫu xe tăng như T-62 thậm chí là cả T-34 vẫn có chỗ đứng của riêng mình trên chiến trường.
Bởi trong mối quan hệ con người và vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT), dù VKTBKT là yếu tố quan trọng nhưng yếu tố con người mới là nhân tố quyết định thắng lợi.
Chiếc xe tăng đặc biệt của Binh chủng Tăng – Thiết giáp
Theo cơ sở dữ liệu của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Việt Nam mua số lượng nhỏ xe tăng T-62, nhiều khả năng là từ Liên Xô trong giai đoạn 1978-1979. Trước đó, Liên Xô hầu như chỉ chuyển giao cho chúng ta các xe tăng T-34, T-54/55, PT-76.
Ở thời điểm Việt Nam sở hữu T-62, chúng vẫn được xem là loại xe tăng hiện đại hàng đầu thế giới. Điều đặc biệt là T-62 có bề ngoài hệt như T-55, tất nhiên có những điểm khác về hỏa lực cũng như tháp pháo để có thể nhận diện hai dòng xe. Tuy nhiên, riêng phần thân thì hai dòng xe gần như giống hệt nhau, thậm chí ngay cả hệ thống lái.
Bảo dưỡng xe tăng T-62 được niêm cất tại Kho KT788, Cục Kỹ thuật binh chủng. Ảnh: QĐND
Về mặt tổng thể T-62 là một trong nhiều sự lựa chọn của Quân đội Liên Xô trong việc phát triển một mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực mới để thay thế T-55, tuy nhiên thay vì thiết kế một chiếc xe tăng mới các thiết kế sư của Cục thiết kế OKB-520 đã quyết định nâng cấp hỏa lực và hệ thống động cơ cho xe tăng T-55.
Ở các nguyên mẫu đầu tiên T-62 vẫn được trang bị pháo 100mm D-54 nhưng sau đó được thay thế bằng một khẩu pháo có cỡ nòng lớn hơn là pháo nòng trơn 115mm U-5S, đây cũng mẫu pháo nòng trơn đầu tiên được Liên Xô trang bị cho xe tăng.
Hệ thống vũ khí phụ trên T-62 cũng không khác mấy so với T-55 với súng máy đồng trục PKT 7,62mm và súng máy phòng không 12,7mm DShK.
Xe tăng T-62 có trọng lượng 37 tấn, chiều dài tổng với nòng pháo 9,34m, rộng 3,3m, cao 2,4m. Xe tăng thiết kế với kiểu giáp thép thông thường với mặt trước thân dày 102mm vát nghiêng 60 độ tăng khả năng chống đạn xuyên giáp; mặt trước tháp pháo dày tới 214-242mm, hai bên hông tháp dày 153mm, đuôi tháp dày 97mm.
Biến thể T-62 Việt Nam đang sở hữu hiện tại được xác định là T-62 Obr.1960 phiên bản đầu tiên được trang bị pháo nòng trơn 115mm U-5S. Ở biến thể này T-62 được trang bị động cơ diesel V-55 công suất 581hp cho phép đạt tốc độ tối đa trên đường bằng 50km/h, off-road 40km/h, dự trữ hành trình 400-600km tùy địa hình. Xe cũng có thể lội nước sâu 5m sau 30 phút chuẩn bị.
Những pha trình diễn ngoại mục của siêu tăng T-90