Nghiên cứu mới chỉ ra mối liên hệ giữa cà phê và bệnh đái tháo đường

Lam Chi |

Cà phê đã được chứng minh là có thể phòng ngừa nhiều loại bệnh tật bao gồm đột quỵ, bệnh tim, bệnh thận,... Vậy đối với đái tháo đường thì sao?

Ảnh: Shutterstock

Ảnh: Shutterstock

Đái tháo đường, hay còn được gọi là tiểu đường, là một trong các bệnh lý mạn tính phổ biến nhất với nhiều biến chứng nguy hiểm ở nhiều cơ quan khác nhau của cơ thể. Bệnh được chia làm 2 tuýp, tuýp 1 và tuýp 2.

Tại lễ mít tinh hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống đái tháo đường diễn ra vào ngày 13/11/2022, các chuyên gia cho biết Việt Nam hiện có gần 5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Đáng lo ngại, tình trạng bệnh đang ngày càng trẻ hóa và đã ghi nhận cả những trẻ em mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2.

Đái tháo đường tuýp 2 chiếm tới 95% tổng số ca mắc, có nguyên nhân chính từ lối sống ít vận động, chế độ ăn không khoa học.

Nếu bạn lo lắng về nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, uống cà phê có thể giúp bạn giảm thiểu được mối lo này. Một nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng đã tiết lộ rằng uống có phê có liên quan tới việc giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã xem xét tác động của cà phê tới các chỉ số viêm, bao gồm tác động giảm viêm để chống lại bệnh đái tháo đường tuýp 2. Theo đó, chỉ cần uống thêm 1 tách cà phê mỗi ngày có thể giảm được từ 4-6% nguy cơ mắc căn bệnh này.

Nghiên cứu được thực hiện trên quy mô hơn 150.000 người.

Tại sao cà phê có thể giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2?

Đây không phải là nghiên cứu đầu tiên xem xét về mối liên hệ giữa cà phê và nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường tuýp 2. Một nghiên cứu trước đây đã cho thấy uống một tách cà phê mỗi ngày có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường ở những người có tiền sử gia đình mắc căn bệnh này. Nhưng nghiên cứu mới cho thấy các chất chống oxy hóa có trong cà phê giúp chống viêm và ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường ở những người có các tình trạng sức khỏe khác nhau.

Nghiên cứu mới chỉ ra mối liên hệ giữa cà phê và bệnh đái tháo đường - Ảnh 1.

Ảnh: Shutterstock

Càng ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy tình trạng viêm là nhân tố chính dẫn tới việc phát triển bệnh đái tháo đường tuýp 2.

"Viêm nhiễm trong thời gian ngắn do chấn thương hoặc do bệnh tật có thể là bình thường, nhưng viêm mạn tính có thể ảnh hưởng tới sức khỏe và làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 ở nhiều người", chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ, Carrie Gabriel, cho hay.

"Bổ sung thêm các thực phẩm có khả năng chống viêm và tập thể dục thường xuyên được chứng minh là có thể giúp giảm viêm và bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ mắc nhiều loại bệnh tật, trong đó có đái tháo đường."

Cà phê là loại đồ uống cực giàu chất chống oxy hóa, có tác dụng chống viêm nhiễm. Tờ Eat This dẫn lời TS.BS chuyên khoa nội tiết Adnan Zahid: "Cà phê chứa nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học, bao gồm axit chlorogenic và lignans. Những hợp chất này có thể giúp giảm viêm và stress oxy hóa (sự mất cân bằng giữa các chất chống oxy hóa và gốc tự do trong cơ thể), hai yếu tố gây ra bệnh đái tháo đường".

Loại cà phê nào có tác dụng phòng bệnh đái tháo đường tuýp 2?

Nghiên cứu trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng cho biết uống 1 tách cà phê (hoặc tối đa là 6 tách cà phê) có thể giúp giảm nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc uống càng nhiều cà phê càng có nhiều lợi ích. Việc lạm dụng cà phê có thể dẫn tới các triệu chứng như hồi hộp, bồn chồn.

"Nồng độ caffeine lý tưởng mà mọi người nên tiêu thụ mỗi ngày là không quá 400mg, tương đương với 2 tách cà phê", chuyên gia dinh dưỡng Gabriel cho hay.

Nghiên cứu mới chỉ ra mối liên hệ giữa cà phê và bệnh đái tháo đường - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Vị chuyên gia dinh dưỡng cũng lưu ý rằng những người đang mắc bệnh đái tháo đường cần theo dõi lượng cà phê mà mình tiêu thụ cũng như tránh thêm quá nhiều chất làm ngọt như đường hoặc kem vào cà phê.

"Đối với những người mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2, chỉ cần tiêu thụ 200mg caffeine (tương đương 1 tách cà phê) cũng có thể khiến lượng đường trong máu biến động nhanh chóng."

"Những người đang cố gắng kiểm soát lượng đường trong máu nên hạn chế tiêu thụ caffeine và chỉ nên tiêu thụ 1 tách cà phê mỗi ngày để tránh những ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe."

Tiến sĩ Zahid nói: "Tôi khuyến khích bệnh nhân của mình duy trì lối sống lành mạnh và tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào trong chế độ ăn uống hoặc tập luyện".

Vậy, loại cà phê nào có tác dụng tốt nhất trong việc phòng ngừa nguy cơ đái tháo đường? Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng cà phê phin và cà phê espresso là những thức uống tốt nhất để giảm thiểu nguy cơ này.

(Nguồn: Eat This)

Nghiên cứu mới chỉ ra mối liên hệ giữa cà phê và bệnh đái tháo đường - Ảnh 3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại