Bảo vệ sức khỏe của 2 quả thận là điều quan trọng đối với sức khỏe tổng thể của mỗi người. Thận không chỉ có vai trò loại bỏ các chất thải ra khỏi cơ thể mà còn cân bằng chất lỏng trong cơ thể, sản xuất hormone điều hòa huyết áp, kiểm soát quá trình sản xuất hồng cầu,...
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của thận, nhưng chế độ ăn uống là điều đáng lưu ý nhất. Một số loại thực phẩm và đồ uống có thể làm suy giảm chức năng thận trong khi nhiều loại khác lại có tác dụng tăng cường chức năng thận và giảm nguy cơ mắc các vấn đề liên quan tới cơ quan này.
Một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí khoa học Kidney International Reports cho thấy tiêu thụ cà phê sẽ giúp giảm nguy cơ suy thận cấp - một tình trạng tổn thương thận cấp tính khi chức năng thận bị suy giảm đột ngột. Suy thận cấp khiến các chất độc không được thải ra khỏi máu mà tích tụ lại và làm mất cân bằng chất lỏng trong cơ thể. Nếu không được điều trị kịp thời, suy thận cấp có thể dẫn tới các biến chứng ở não, tim và phổi.
Cà phê có tác dụng bất ngờ trong việc ngăn ngừa suy thận cấp (Ảnh: Aleksey Korchemkin/Shutterstock)
Nghiên cứu trên được thực hiện bởi các chuyên gia của John Hopkins Medicine (hệ thống chăm sóc y tế hàng đầu của Mỹ). Họ đã theo dõi sức khỏe của 14.207 người trưởng thành từ 45 đến 64 tuổi. Trong vòng 24 năm, những người tham gia đã được khảo sát 7 lần về tần suất sử dụng cà phê của mình. Sau đó, các nhà nghiên cứu sẽ so sánh tần suất này với nguy cơ suy thận cấp của họ.
Kết quả cho thấy những người sử dụng cà phê với một lượng bất kỳ hàng ngày có nguy cơ bị suy thận cấp thấp hơn 15% so với những người không uống cà phê. Nguy cơ suy thận cấp ở những người uống 2-3 tách (mỗi tách khoảng 236ml) cà phê mỗi ngày thấp hơn 22-23%.
Khi xem xét các yếu tố khác như bệnh nền hoặc các rối loạn chuyển hóa của những có thói quen uống cà phê, các nhà khoa học nhận thấy những đối tượng này vẫn có nguy cơ mắc suy thận cấp thấp hơn 11% so với những người không uống cà phê. Các yếu tố đã được xem xét bao gồm huyết áp, chỉ số khối cơ thể, tiểu đường, việc sử dụng thuốc hạ huyết áp và chức năng thận.
Tiến sĩ Chirag Parikh, tác giả của nghiên cứu, nói: “Chúng tôi nghĩ rằng cà phê có thể giúp giảm nguy cơ suy thận cấp là do các hợp chất có hoạt tính sinh học cùng với caffeine trong cà phê, hoặc chỉ riêng caffeine, đã cải thiện khả năng tưới máu và sử dụng oxy trong thận. Chức năng thận có tốt hay không phụ thuộc vào nguồn máu tưới và lượng oxy ổn định”.
Mặc dù đây là kết quả đầy hứa hẹn nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng cần phải thực hiện nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác định tất cả các lợi ích của cà phê đối với thận, đặc biệt ở cấp độ tế bào.
Suy thận cấp có nguyên nhân từ đâu?
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương Quốc Anh (NHS), hầu hết các trường hợp bị suy thận cấp là do lưu lượng máu tới thận giảm bởi các nguyên nhân như: chảy máu, nôn mửa hoặc tiêu chảy quá nhiều dẫn tới mất nước nghiêm trọng; khả năng bơm máu của tim bị suy giảm do suy tim, suy gan hoặc nhiễm trùng huyết; sử dụng một số loại thuốc gây giảm huyết áp hoặc lưu lượng máu tới thận, chẳng hạn như thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế men chuyển (ACE),...
Suy thận cấp cũng có thể có nguyên nhân từ chính cơ quan này, chẳng hạn như viêm cầu thận, viêm mạch máu trong thận hoặc viêm các cấu trúc khác của thận.
Một số tình trạng gây tắc nghẽn hệ thống thoát nước của thận, ví dụ như phì đại tuyến tiền liệt, u bàng quang, sỏi thận cũng có thể dẫn tới suy thận cấp.
Điều quan trọng nhất khi bị suy thận cấp đó là phát hiện sớm bệnh để có can thiệp kịp thời. NHS cảnh báo các dấu hiệu của suy thận cấp là: mệt mỏi, mất nước, giảm lượng nước tiểu bất thường, lú lẫn, buồn ngủ. Nhiều người có thể có triệu chứng đau tức ngực, khó thở, buồn nôn hoặc nôn, nhịp tim không đều.