Sau sự bùng phát của đại dịch COVID-19, gần đây, các quốc gia trên thế giới đang ghi nhận rất nhiều trường hợp trẻ em mắc viêm gan cấp tính chưa xác định rõ nguyên nhân. Nhiều chuyên gia đã đặt ra câu hỏi phải chăng đây là di chứng của COVID-19 ở trẻ em?
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến nay, đã có hơn 25 quốc gia xác nhận có các trường hợp viêm gan lạ ở trẻ em. Châu Âu là khu vực ghi nhận nhiều ca bệnh nhất, đặc biệt là Vương Quốc Anh với gần 200 ca.
Các cuộc điều tra để xác định nguyên nhân vẫn đang được tiến hành, nhưng các nguyên nhân thường gặp nhất của bệnh viêm gan cấp tính ở trẻ em, bao gồm cả virus viêm gan A, B, C, D và E đều đã được loại trừ.
Một số nguyên nhân khác gây ra bệnh viêm gan và nhiễm trùng ở trẻ em cũng được loại trừ. Tuy nhiên, các nhà khoa lại phát hiện các ca bệnh này nhiễm một trong hai loại virus SARS-CoV-2 và adenovirus, trong đó nhiều bệnh nhân nhiễm đồng thời cả hai loại virus này.
Hầu hết trẻ em nhiễm viêm gan bí ẩn đều không sốt mà có các triệu chứng khởi phát ở đường tiêu hóa, sau đó tiến triển thành vàng da, vàng mắt, nước tiểu sậm màu và một số trường hợp suy gan cấp tính. Đa số các trường hợp mắc bệnh trong độ tuổi 1-16. Các trường hợp viêm gan nặng, một số cần phải được ghép gan và đã có những trường hợp tử vong.
Viêm gan bí ẩn và COVID-19 có mối liên hệ?
Viêm gan là viêm sưng ở các tế bào gan. Bệnh này có thể có nhiều lý do, như uống quá nhiều rượu, gan nhiễm mỡ, hay tác dụng phụ của thuốc, hay do virus viêm gan họ A, B, C, D, hay E, thậm chí, do hệ miễn dịch hoạt động quá mức làm gan bị viêm.
Trước thời kỳ COVID-19 thì thế giới cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp viêm gan liên quan tới adenovirus nhưng chủ yếu trên người vừa được phẫu thuật ghép gan hay suy giảm miễn dịch. Tuy nhiên gần đây, thế giới bắt đầu ghi nhận số ca bệnh viêm gan bí ẩn, chưa xác định rõ nguyên nhân tăng đáng kể và đột ngột, điều này góp phần dấy lên những nghi ngờ khác về nguyên nhân gây bệnh.
Theo nghiên cứu mới của các chuyên gia tại Đại học Imperial College London (Anh) vừa được công bố trên tạp chí The Lancet Gastroenterology and Hepatology ngày 13/5, trẻ mắc viêm gan bí ẩn có thể là một biến chứng của COVID-19.
Các ca viêm gan cấp tính ở trẻ em gần đây có thể là kết quả của tình trạng nhiễm virus gốc corona, sau đó tiếp tục nhiễm adenovirus. Tình trạng này tạo thành ổ chứa virus trong đường ruột của trẻ. Hai loại virus này cộng hưởng và kích hoạt tế bào miễn dịch lặp đi lặp lại. Nói cách khác, ổ chứa virus "làm nhiễu" tín hiệu phản ứng của hệ miễn dịch, tạo thành các siêu kháng nguyên lặp lại và gây ra tình trạng phản ứng quá mức trong cơ thể.
Adenovirus tác động thêm làm ổ viêm nặng hơn, dẫn đến các bất thường ở hệ miễn dịch như tình trạng viêm gan cấp tính được báo cáo gần đây.
Do đó, một trong những lưu ý của các chuyên gia đó là theo dõi phân của trẻ bị viêm gan cấp tính liên tục, nếu phát hiện sự kích hoạt miễn dịch qua trung gian siêu kháng nguyên của virus corona, nên xem xét liệu pháp điều hòa miễn dịch ở trẻ em bị viêm gan cấp tính nặng.
Một giả thuyết khác, liên quan đến vaccine COVID-19, đa phần những trẻ bị bệnh là ở độ tuổi dưới 5 và phần lớn chưa được tiêm vaccine. Ngoài ra, ở Anh, Mỹ có một số bệnh nhân là trẻ em trên 12 tuổi. Nhưng số trẻ được tiêm vaccine ở Anh và Mỹ cũng rất ít nên khó có thể cho rằng vaccine phòng bệnh COVID-19 gây ra tình trạng này.
Dựa trên các chứng cứ y học viêm gan liên quan đến adenovirus trước thời kỳ COVID-19, chúng tôi đưa thêm giả thuyết là COVID-19 làm suy yếu hệ thống miễn dịch của cơ thể, nó làm tiền đề cho adenovirus gia tăng phá hoại tế bào gan.
Tại Việt Nam, hiện chưa ghi nhận trường hợp nào mắc viêm gan bí ẩn, nhưng khả năng xuất hiện bệnh là rất lớn. Vậy nên, việc tăng cường các biện pháp phát hiện và phòng ngừa là điều hết sức quan trọng.
Tóm lại, bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân có thể liên quan đến adenovirus hoặc biến chứng của COVID-19. Hiện nay CDC Mỹ và nhiều nước đang theo dõi bệnh này, việc chữa trị chủ yếu là hỗ trợ và ghép gan.
Phụ huynh nên lưu ý những việc cần làm để phòng tránh sớm.
Những việc cần làm để phòng ngừa và phát hiện sớm
- Đeo khẩu trang.
- Rửa tay thường xuyên vì virus có khả năng bám lâu dài trên bề mặt đồ vật kể cả khi đã dùng chất khử trùng, luôn giữ nguồn nước trong nhà sạch sẽ.
- Tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh.
- Che miệng, rửa tay, vứt giấy sau khi ho, hắt hơi.
- Tránh tiếp xúc với phân, vệ sinh cẩn thận sau khi thay tã cho trẻ.
- Tránh chạm tay vào mắt, mũi hoặc miệng.
- Thực hiện ăn chín, uống sôi.
Ngoài ra, phát hiện trễ cũng là một trong những nguyên nhân gây gia tăng số ca mắc viêm gan thời gian gần đây. Vì vậy, phụ huynh cần cho trẻ thăm khám bác sĩ ngay nếu có các triệu chứng bất thường ở đường tiêu hóa, nước tiểu sậm màu, vàng da, vàng mắt. Phụ huynh nên tiêm phòng vaccine đầy đủ cho con giúp tránh lây nhiễm viêm gan B và A, tầm soát gan mật định kỳ giúp phát hiện sớm các vấn đề ở gan, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.
Nhóm tác giả:
Hoàng Thủy Tiên (Khoa Dược, Đại học Kỹ thuật Y – Dược Đà Nẵng, Đà Nẵng).
Trần Huyền Thoại (Khoa Dược, Đại học Kỹ thuật Y – Dược Đà Nẵng, Đà Nẵng).
Nguyễn Tiến Huy (PGS, TS, BS; Khoa Y, Đại học Nagasaki, Nhật Bản).
Tài liệu tham khảo:
2. Lancet GastroenterolHepatol . 2022 May 13;S2468-1253(22)00166-2
3. https://www.cdc.gov/ncird/investigation/hepatitis-unknown-cause/overview-what-to-know.html