Ảnh minh họa
Rượu, bia là đồ uống thường gặp trong ngày Tết. Tuy nhiên, để giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, bạn chỉ nên uống với một lượng vừa phải, chọn loại rượu bia rõ nguồn gốc và xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh.
Nếu bắt buộc phải uống, bạn chỉ nên uống trong giới hạn cho phép và có kiểm soát để tránh nhiều hệ lụy. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật (CDC) Mỹ, nam giới không nên uống quá 15 ly rượu/bia một tuần, nữ giới không nên uống quá 8 ly mỗi tuần. Một ly rượu/bia được quy ước là 1 chai bia 350 ml, 1 ly rượu vang 150 ml hoặc 1 ly rượu mạnh 45 ml.
Nếu uống quá nhiều rượu trong một thời gian ngắn, ngộ độc rượu có thể xảy ra, nguy cơ dẫn đến các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng.
Ngộ độc rượu là gì?
Theo website của trung tâm y tế Mayo Clinic (Mỹ), ngộ độc rượu là một hậu quả nghiêm trọng do uống một lượng lớn rượu bia trong một thời gian ngắn.
Uống rượu bia quá nhiều và quá nhanh có thể ảnh hưởng đến nhịp thở, nhịp tim, nhiệt độ cơ thể và phản xạ nôn. Trong một số trường hợp, điều này có thể dẫn đến hôn mê và tử vong.
Ngộ độc rượu cũng có thể xảy ra khi người lớn hoặc trẻ em vô tình hoặc cố ý uống phải các sản phẩm gia dụng có chứa cồn. Nếu bạn nghi ngờ ai đó bị ngộ độc rượu, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.
Triệu chứng của ngộ độc rượu
Các triệu chứng ngộ độc rượu bao gồm:
- Lú lẫn.
- Nôn mửa.
- Co giật.
- Thở chậm, tức là nhịp thở ít hơn 8 lần/phút.
- Thở không đều, tức là có khoảng cách hơn 10 giây giữa các nhịp thở.
- Da có màu xanh, xám hoặc nhợt nhạt.
- Nhiệt độ cơ thể thấp, còn được gọi là hạ thân nhiệt.
- Khó giữ được ý thức hoặc tỉnh táo.
Người ngộ độc rượu mà bất tỉnh hoặc gọi không dậy có thể tử vong.
Làm gì khi có dấu hiệu của ngộ độc rượu?
Nếu bạn nghĩ rằng ai đó bị ngộ độc rượu, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức. Đây là những gì cần làm:
1. Gọi cấp cứu: Đừng bao giờ tự cho rằng người đó đang ngủ vì ngộ độc rượu.
2. Hãy chuẩn bị để cung cấp thông tin: Nếu bạn biết loại rượu và lượng rượu người đó đã uống cũng như thời điểm uống, hãy báo cho bệnh viện hoặc nhân viên cấp cứu.
3. Đừng để người bất tỉnh một mình: Người bị ngộ độc rượu có thể nôn mửa, nghẹt thở và không thể thở được. Trong khi chờ đợi sự giúp đỡ, đừng cố làm người đó nôn vì có thể gây nghẹn.
4. Giúp đỡ người đang nôn mửa: Cố gắng giữ cho họ ngồi dậy. Nếu người bệnh phải nằm xuống, hãy quay đầu sang một bên để tránh bị nghẹn. Cố gắng giữ cho người đó tỉnh táo.
Bên cạnh ngộ độc rượu, uống quá nhiều rượu trong thời gian dài sẽ sinh ra các bệnh liên quan đến gan, rối loạn tâm thần và hành vi, thoái hóa hệ thần kinh, nhiễm độc, bệnh dạ dày và bệnh tim. Đó là những bệnh có tỷ lệ tử vong cao. Do đó, việc uống rượu có kiểm soát là rất quan trọng để phòng ngừa các tình trạng cấp cứu cũng như các bệnh lý nghiêm trọng khác.