Đó là trường hợp bà Nguyễn Thị H. (59 tuổi, trú tại Hà Đông, Hà Nội). Bà H. nhập viện trong tình trạng hoang mang, lo sợ, khó thở, đau nhức ở vùng cổ do nuốt phải dị vật trong lúc ngủ.
Theo lời bà H., sau khi đi hội thảo giới thiệu các mặt hàng chăm sóc sức khỏe của một công ty tại khu dân cư, bà được nhân viên công ty tặng một viên đá được quảng cáo là đá nano có thể chữa được “bách bệnh”.
Như lời quảng cáo về sản phẩm, nếu bị đau xương khớp chỉ cần dán vào chỗ đau, viêm họng thì ngậm, đái tháo đường thì pha vào nước uống… thì sẽ khỏi (?). Tính đến nay bà đã sử dụng viên đá nano này được 3 tháng.
Gần đây nhất bà bị viêm họng nên buổi tối trước khi đi ngủ, bà H. cho viên đá vào miệng để ngậm, trong lúc ngủ vô tình viên đá trôi tuột xuống cổ họng và mắc kẹt khiến cho bà khó thở, bà cố lấy tay móc và khạc nhổ nhưng viên đá không ra.
Bà lo sợ chồng và con biết được việc mình tin lời quảng cáo mà rước họa vào thân, trong đêm tối một mình bà bắt xe ôm ra khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện cổ bà H. có dị vật và bà được chuyển vào khoa Tai Mũi Họng để xử trí.
Các bác sĩ khoa Tai Mũi Họng thực hiện kỹ thuật nội soi gắp dị vật cho bà H.
Dị vật to tròn được lấy ra thành công khỏi bệnh nhân.
Tại đây, bà H. được BSCKII. Nguyễn Anh Dũng - Trưởng khoa Tai Mũi Họng là người trực tiếp thăm khám và chỉ định chụp Xquang sau đó tiến hành nội soi gắp ra một viên đá nano đường kính 3cm.
BS. Nguyễn Anh Dũng cho biết: “Bệnh nhân là người lớn tuổi đường thở yếu và hẹp, dị vật nuốt phải có kích thước khá to, tròn nên quá trình nội soi đòi hỏi các bước phải được thực hiện chuẩn xác tránh gây tổn thương các mô lành xung quanh”.
Đáng chú ý, đây không phải là trường hợp đầu tiên gặp nguy vì tin theo quảng cáo dùng đá nano. Trước đó, các bác sĩ tại BV E Trung ương, BV Nội tiết Trung ương đã tiếp nhận không ít các trường hợp bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tổn thương nặng nề sau khi dùng loại đá này.
BS. Dũng cảnh báo hiện chưa biết rõ công dụng thực sự của loại đá nano này đối với sức khỏe nên người dân không nên tin tưởng mà bỏ thuốc điều trị bệnh, nhất là người mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, cơ xương khớp...
Việc nuốt phải các dị vật là rất nguy hiểm, có thể gây ngừng thở, ngừng tim nếu không đến các cơ sở y tế xử lý cấp cứu kịp thời.
Trong trường hợp hóc dị vật đường tiêu hóa, bệnh nhân cần đến ngay các cơ sở khám chữa bệnh có phương tiện nội soi thực quản dạ dày để mau chóng lấy dị vật ra đúng cách. Tránh tình trạng tự ý dùng tay móc dị vật ra khiến dị vật chui sâu vào đường tiêu hóa hoặc gây nên hiện tượng trầy xước đường tiêu hóa…