Ngải cứu là vị thuốc bình dân, nhưng có thể chữa được rất nhiều chứng bệnh.
Có thể vì thế mà “Danh y biệt lục” - bộ sách thuốc có những ghi chép sớm nhất về tính năng của ngải cứu, đã đặt cho nó cái tên là “y thảo”, có nghĩa là thứ cỏ chuyên dùng trong y học.
Theo Đông y:
Lá ngải cứu (ngải diệp) có vị khổ (đắng), tân (cay), tính ôn, hữu tiểu độc (hơi có độc); đi vào 3 kinh Tỳ, Can và Thận. Có tác dụng ôn kinh chỉ huyết (làm ấm kinh mạch và cầm máu), tán hàn chỉ thống (làm ấm, chống đau), trừ thấp, chỉ dương (chống ngứa).
Thường sử dụng để chữa bụng lạnh đau, chảy máu cam, ho ra máu, phụ nữ băng lậu (băng huyết, rỉ huyết), động thai ra máu, kinh nguyệt không đều, không thụ thai do tử cung hư hàn, thấp chẩn (eczema), ngứa da...
Liều dùng: sắc uống từ 3 - 10g. Trường hợp đặc biệt (tùy theo bệnh tình và cơ địa) có thể sử dụng tới 30g (cần có ý kiến của thầy thuốc).
Bình thường, nếu là lá ngải cứu khô, nói chung chỉ nên sử dụng uống trong với liều từ 3 - 5g, nếu là ngải cứu tươi chỉ dùng 9 - 15g.
Dùng ngoài: lượng tùy theo yêu cầu, giã đắp, bó, rửa và dùng làm ngải nhung trong khoa châm cứu.
Khi dùng để cầm máu, thường sao cháy thành than. Khi dùng để hoạt huyết thông kinh, thường dùng sống hoặc tẩm rượu sao.
- Nghi kỵ: thích hợp với các chứng hàn, người thể tạng “âm hư huyết nhiệt” (theo cách phân loại chứng hậu của Đông y) sử dụng phải cẩn thận.
Nói chung, đối với những phụ nữ cơ thể suy yếu, kinh nguyệt không điều hòa, hành kinh đau bụng, thích chườm ấm, sắc diện tím tái,... thuộc “chứng hàn”, ngải diệp có tác dụng trị liệu rất tốt. Nhưng người có nội nhiệt, cao huyết áp thì không nên dùng.
Theo kết quả nghiên cứu hiện đại:
Ngoài khẳng định những tác dụng như: ôn kinh, chỉ huyết, tán hàn... mà người xưa đã phát hiện, các nghiên cứu hiện đại còn phát hiện: ngải diệp còn có tác dụng ức chế nhiều loại vi khuẩn và virút gây bệnh:
Nước sắc ngải cứu có tác dụng ức chế tụ cầu vàng, liên cầu an-pha tan máu, phế song cầu khuẩn, trực khuẩn bạch hầu, trực khuẩn lỵ, trực khuẩn thương hàn và phó thương hàn...
Có tác dụng ức chế đối với một số loại virút, trong số đó có adenovirus (ADV, là một loại virút trong nhóm virút chứa DNA gây nhiễm bệnh tiềm ẩn ở đường hô hấp trên, dẫn tới những triệu chứng giống như cảm lạnh) và rhinovirus (nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh cảm mạo thông thường).
Đặc biệt, các nghiên cứu hiện đại còn cho thấy, nhận định của người xưa về độc tính của ngải diệp là có cơ sở:
Tinh dầu trong ngải diệp là thành phần có tác dụng trị liệu, mà cũng là thành phần có độc tính cao nhất trong ngải cứu. Dùng ngoài, có thể làm cho niêm mạc da bị nóng rát, đỏ ửng.
Dùng uống trong với liều khoảng 3 - 5g có tác dụng kích thích dạ dày tăng tiết dịch vị, khiến ăn ngon hơn. Nhưng dùng liều cao có thể dẫn tới phản tác dụng hoặc bị, trúng độc.
Biểu hiện trúng độc: ban đầu, miệng và họng bị kích thích nhẹ, họng người bệnh có cảm giác khô, khát. Sau khi dùng thuốc khoảng nửa giờ, xuất hiện cảm giác khó chịu ở vùng thượng vị; đau bụng, lợm giọng, buồn nôn, nôn... do dạ dày, ruột bị viêm cấp tính.
Sau vài ngày, khi dược chất đã đi vào gan, có thể gây rối loạn chuyển hóa của tế bào gan, dẫn tới viêm gan cấp tính do trúng độc và viêm gan vàng da; gan to, nước tiểu đục, nước tiểu có lẫn dịch mật (chứng bệnh biliuria)...
Dược chất của ngải cứu cũng có thể gây tổn hại huyết quản và thành các vi huyết quản, dẫn tới sung huyết và xuất huyết tử cung, khiến cho thai phụ bị sảy thai...
Độc tính của ngải diệp tác động rõ nhất đối với thần kinh trung ương. Với liều điều trị, ngải diệp có tác dụng gây hưng phấn vỏ não và tổ chức hạ bì.
Nhưng khi dùng liều quá cao, thần kinh trung ương bị hưng phấn quá mức, dẫn tới chân tay run giật, sau đó cục bộ hoặc toàn thân co giật; sau vài lần có thể dẫn đến kinh quyết (co cứng), nói nhảm, thậm chí tê liệt.
Kiểm tra bằng kính hiển vi có thể phát hiện các tổn thương ở tế bào não. Sau khi khỏi bệnh, vẫn thường để lại những di chứng như: hay quên, ảo giác, viêm thần kinh...
Vì vậy, trong sinh hoạt, khi dùng uống trong, nói chung dùng khoảng 3 - 5g (khô) là tốt. Tối đa cũng không thể dùng quá 10g (khô).
Dùng 20 - 30g đã có thể dẫn tới trúng độc. Một số thông báo khoa học cho biết: một vài trường hợp dùng khoảng 100g sắc uống, đã dẫn tới tử vong.
Khi sử dụng lá ngải cứu sắc uống thay trà, chỉ nên sử dụng khoảng 3 - 5g khô (9 - 15g tươi). Chỉ nên sử dụng theo từng đợt, khỏi bệnh thì nghỉ.
Đối với những chị em cần dùng món “trứng gà ngải cứu” để tẩm bổ hoặc để an thai... chỉ nên dùng 3 - 5 ngọn nhỏ (khoảng 9 - 15g tươi), tránh dùng quá liều. Cần bỏ thói quen xin nhà hàng cho thêm ngải cứu.
Người bình thường, không có bệnh, không sử dụng nước sắc ngải cứu như một thứ nước uống thường xuyên, giống như nước trà.