Nga và Ukraine được gì, mất gì trong trận Mariupol?

Minh Đức |

Cuộc chiến giành Mariupol đã là nguồn động lực tinh thần cho người Ukraine, giống như câu chuyện về chàng David bé nhỏ chống lại gã khổng lồ Goliath…

Các quân nhân Ukraine hỗ trợ đồng đội của họ không xa chiến tuyến, ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine, ngày 21/5/2022. Ảnh: Straits Times

Các quân nhân Ukraine hỗ trợ đồng đội của họ không xa chiến tuyến, ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine, ngày 21/5/2022. Ảnh: Straits Times

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết ông "kỳ vọng nhiều" vào vòng họp thứ hai với các nước đối tác cung cấp vũ khí cho Ukraine dự kiến diễn ra trực tuyến vào ngày mai 23/5.

Tổng thống Zelenskyy hôm 21/5 cho biết, ông mong đợi những phản ứng tích cực đối với yêu cầu của Ukraine về các loại vũ khí phòng không như các hệ thống pháo phản lực bắn loạt và máy bay phản lực tại một hội nghị trực tuyến được tổ chức hôm 23/5.

Hội nghị này theo sau một hội nghị quốc phòng được tổ chức vào tháng trước tại căn cứ không quân Ramstein của Mỹ ở Tây Nam nước Đức , với sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng từ khoảng 40 quốc gia ủng hộ Ukraine về mặt quân sự.

"Thành thật mà nói, chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng. Chúng tôi biết ơn sự hỗ trợ quân sự to lớn của các quốc gia. Chúng tôi mong đợi một phản hồi tích cực về việc cung cấp hệ thống pháo phản lực bắn loạt (MLRS)", ông Zelenskyy được dẫn lời khi trả lời câu hỏi của các phóng viên sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa ở Kyiv.

"Tôi không có bí mật gì, chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia - từ Mỹ đến mọi quốc gia châu Âu về cung cấp MLRS".

Ông cho biết, trong khi loại vũ khí này đang nằm yên ở các quốc gia khác, thì nó lại là "chìa khóa" giúp Ukraine giành thế chủ động và giải phóng lãnh thổ của mình.

Nga và Ukraine được gì, mất gì trong trận Mariupol? - Ảnh 1.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy (trái) bắt tay Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa trong cuộc gặp ở Thủ đô Kyiv, ngày 21/5/2022. Ảnh: Straits Times

Ông Costa trở thành nhà lãnh đạo phương Tây mới nhất đến thăm Thủ đô Kyiv. Ngoài cuộc gặp với ông Zelenskyy, nhà lãnh đạo Bồ Đào Nha đã gặp Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal và ký một thỏa thuận hỗ trợ tài chính không xác định.

Kyiv cũng nhận được một khoản viện trợ khổng lồ khác từ Mỹ khi Tổng thống Joe Biden ký dự luật cung cấp gần 40 tỷ USD viện trợ quân sự , kinh tế và nhân đạo cho đất nước Đông Âu.

"Chúng tôi trông đợi nhận được thêm nhiều hỗ trợ quốc phòng nữa. Ngày nay điều này là cần thiết hơn bao giờ hết", ông Zelenskyy nói trên Twitter.

Trước đó, Tổng thống Zelenskyy phát biểu trên truyền hình Ukraine rằng đất nước của ông có thể chiến thắng trên chiến trường - nhưng mọi thứ chỉ có thể kết thúc "tại bàn đàm phán".

Ông cảnh báo rằng sẽ có nhiều cuộc giao tranh hơn nhưng xung đột "sẽ chỉ kết thúc dứt điểm thông qua ngoại giao".

Các bình luận được đưa ra trong bối cảnh Nga đang tiến gần hơn đến việc giành quyền kiểm soát khu vực Donbass ở miền Đông Ukraine, tuyên bố giành chiến thắng trong trận chiến kéo dài nhiều tháng giành nhà máy thép Azovstal ở thành phố cảng Mariupol trong khi phát động một cuộc tấn công lớn ở khu vực Luhansk.

Binh sĩ Ukraine cuối cùng đầu hàng, trận Mariupol kết thúc

Việc giành được toàn quyền kiểm soát thành phố Mariupol sẽ là chiến thắng lớn nhất của người Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine, đánh dấu sự kết thúc cuộc tấn công kéo dài nhiều tuần khiến thành phố cảng chiến lược này trở thành đống đổ nát.

Đây còn là một đòn giáng "đáng kể" đối với Ukraine, không những về mặt lãnh thổ, mà còn cả về mặt tinh thần.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết, Bộ trưởng Sergei Shoigu hôm 20/5 đã báo cáo với Tổng thống Vladimir Putin về việc "giải phóng hoàn toàn" nhà máy thép Azovstal ở Mariupol và toàn thành phố.

"Lãnh thổ của nhà máy luyện kim Azovstal… đã được giải phóng hoàn toàn", Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố. Theo đó, tổng cộng 2.439 binh sĩ Ukraine đang ẩn nấp tại nhà máy thép đã đầu hàng kể từ hôm 16/5. Nhóm 531 binh sĩ Ukraine cuối cùng đã đầu hàng vào ngày 20/5.

Vài giờ trước đó, Tổng thống Zelenskyy cho biết những binh sĩ cuối cùng tại nhà máy thép đã được lệnh ngừng bảo vệ khu vực này và có thể ra ngoài.

Người Ukraine không xác nhận ngay các số liệu Nga công bố về Azovstal. Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine đã không bình luận về các tuyên bố của Nga trong bản cập nhật sáng ngày 21/5.

Nga và Ukraine được gì, mất gì trong trận Mariupol? - Ảnh 3.

Ảnh chụp từ video do Hội đồng thành phố Mariupol công bố ngày 19/4/2022 cho thấy khói bốc lên phía trên nhà máy thép Azovstal. Ảnh: CNA


Ý nghĩa của Trận Mariupol đối với Nga

Mariupol nằm giữa Bán đảo Crimea và miền Đông Ukraine, bao gồm Donetsk và Lugansk (được gọi chung là Donbass), nơi phần lớn đã nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng ly khai thân Nga. Hầu hết các cuộc giao tranh hiện tại đang diễn ra ở Donbass.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công nhận nền độc lập của 2 khu vực – được gọi là cộng hòa nhân dân Donetsk và cộng hòa nhân dân Luhansk – ngay trước khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

"Mariupol nằm ở ngay giữa Crimea và Donbass. Vì vậy, đánh chiếm Mariupol là một phần của chiến dịch ở miền Nam và Đông Nam để kết nối các khu vực Nga đang kiểm soát", bà Rita Konaev, một chuyên gia về Quân đội Nga tại Đại học Georgetown, nói với NPR hồi tháng 3.

Bằng cách kiểm soát Mariupol, Nga có thể củng cố tuyến đường bộ nối Donbass với Crimea và kiểm soát toàn bộ bờ biển phía Bắc của Biển Azov.

Tổn thất của Ukraine khi mất Mariupol

Cuộc chiến giành Mariupol đã là nguồn động lực tinh thần cho người Ukraine, giống như câu chuyện về chàng David bé nhỏ chống lại gã khổng lồ Goliath, NRP dẫn lời bà Konaev cho biết.

Trong nhiều tháng, một số ít binh sĩ Ukraine đã cầm cự bên trong khu công nghiệp cán thép rộng lớn, giữ thành phố cảng Mariupol chiến lược không rơi vào tay Nga , bất chấp các cuộc pháo kích gần như liên tục và lợi thế về hỏa lực của đối phương.

"Mục tiêu chính là kìm chân kẻ địch, và họ đã cố gắng làm vậy càng lâu càng tốt. Cảm ơn các anh hùng, những người bảo vệ chúng ta, họ đã trấn giữ pháo đài Mariupol trong một thời gian dài", Thị trưởng Mariupol, Vadym Boichenko, phát biểu trên kênh truyền hình Ukraine 16/5.

Nga và Ukraine được gì, mất gì trong trận Mariupol? - Ảnh 5.

Một binh sĩ Nga tuần tra một phần bị phá hủy của nhà máy thép ở Mariupol, Đông Nam Ukraine, ngày 18/5/2022. Ảnh: Al Jazeera


Về lâu dài, Mariupol là một trung tâm kinh tế quan trọng của Ukraine vì vị thế của nó là một thành phố cảng. Trong thời bình, đây là địa điểm chính xuất khẩu thép và ngũ cốc của Ukraine.

Kể từ khi giao tranh với Nga nổ ra, Mariupol không thể thực hiện chức năng kinh tế trên nữa, ông Liam Collins, một đại tá lục quân Mỹ đã nghỉ hưu, người đã huấn luyện các lực lượng Ukraine, nói với NPR hồi tháng 3.

Nếu Mariupol bị chia cắt khỏi Ukraine, tác động sẽ khá lớn, ông Collins nói, cho biết thêm rằng tất nhiên Ukraine không bao giờ muốn điều đó xảy ra, nhưng đó luôn là một khả năng.

Nếu Nga kiểm soát Mariupol trong một thời gian dài, ngăn cản Ukraine tiếp cận Biển Azov, thì điều đó sẽ gây tổn hại đến tình hình tài chính và sự bền vững về mặt kinh tế của Ukraine, cản trở khả năng xuất khẩu các sản phẩm của nước này.

Quyền tiếp cận biển là một phần thực sự quan trọng của nền kinh tế và thương mại Ukraine, bà Konaev nhận định.

Severodonetsk – Thành trì cuối cùng của Ukraine ở Luhansk

Trong khi đó, Nga cũng phát động một cuộc tấn công lớn nhằm giành quyền kiểm soát "thành trì" cuối cùng của Ukraine ở khu vực Luhansk.

"Quân đội Nga đã bắt đầu công phá thị trấn Severodonetsk rất dữ dội, cường độ pháo kích tăng gấp đôi, họ đang pháo kích vào các khu dân cư, phá hủy từng ngôi nhà", Thống đốc Luhansk Serhiy Haidai cho biết trên kênh Telegram của mình.

Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết, họ đã đẩy lùi một cuộc tấn công vào Severodonetsk, một phần của cái mà cơ quan này mô tả là các hoạt động lớn của Nga dọc theo một đoạn tiền tuyến.

Trong khi các lực lượng Ukraine thành công chống đỡ được các cuộc tấn công của Nga xung quanh Thủ đô Kyiv, với sự hỗ trợ ổn định của vũ khí phương Tây, cả miền Đông Ukraine và thành phố Mariupol ở miền Nam đều phải gánh chịu gánh nặng của những cuộc tấn công mặt đất và pháo binh ác liệt.

"Các lực lượng Nga đang tấn công bằng hỏa lực dữ dội dọc theo toàn bộ chiến tuyến và cố gắng nã pháo vào sâu trong hệ thống phòng thủ của Quân đội Ukraine", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ukraine Oleksandr Motuzyanyk nói với các phóng viên hôm 21/5.

Vào đầu giờ ngày 21/5, còi báo động cuộc không kích đã vang lên ở phần lớn lãnh thổ Ukraine, bao gồm cả vùng Kyiv ở miền Bắc và cảng Odessa ở miền Nam.

Các lệnh trừng phạt làm hao mòn khả năng tình báo của Nga

Nga có khả năng đang gặp phải tình trạng thiếu các phương tiện bay không người lái (UAV) do thám thích hợp mà nước này đã sử dụng để xác định các mục tiêu tấn công cho chiến đấu cơ hoặc pháo binh, Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong bản cập nhật tình báo mới nhất về xung đột Nga-Ukraine hôm 21/5.

Bản cập nhật cho biết, tình trạng thiếu UAV trinh sát phù hợp mà Nga có thể đang gặp phải càng trở nên trầm trọng hơn khi năng lực sản xuất trong nước của nước này bị hạn chế bởi các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt.

Nếu Nga tiếp tục đánh mất UAV với tốc độ hiện tại, năng lực tình báo, trinh sát giám sát của các lực lượng Nga sẽ tiếp tục bị suy giảm, tác động tiêu cực đến hiệu quả hoạt động, theo bản cập nhật.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại