Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia. Ảnh minh họa.
Đấu trí cùng lính trinh sát và đặc công Polpot
Cuối năm 1978, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 2 (đoàn Đồng Xoài), Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 bảo vệ biên giới tỉnh Long An. Đơn vị chúng tôi chốt phòng ngự ven sông Ta Yean tỉnh Svay Rieng, sâu vào đất địch khoảng 10 km.
Tác giả Xuân Tùng (Trung Sỹ) - Nguyên trung sỹ D4E2F9, QĐ 4 tham gia Chiến tranh Biên giới Tây Nam và là Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia.
Hồi mới vào chốt, tôi được chọn về trung đội thông tin. Thông tin cấp tiểu đoàn rất vất vả và nguy hiểm, luôn phải bám sát các đại đội tiền duyên, đôi khi phải trực tiếp nổ súng chiến đấu như bộ binh.
Trung đội thông tin có ba tiểu đội với phân công nhiệm vụ khác nhau. Tiểu đội máy vô tuyến 2w lên sóng hoạt động khi hành quân, vận động tấn công.
Tiểu đội hữu tuyến đảm bảo truyền tin khi đơn vị dừng chân chốt chặn, rải dây lên các đại đội tiền duyên đang bí mật tiếp cận địch, lúc máy vô tuyến chưa lên sóng để đảm bảo bất ngờ.
Tiểu đội truyền đạt là dạng thông tin "cổ đại", truyền lệnh bằng miệng, chạy lệnh bằng chân, làm nhiệm vụ trong tình huống hai tiểu đội kỹ thuật kia tê liệt. Ngoài ra truyền đạt có nhiệm vụ bảo vệ chỉ huy sở mỗi khi cận chiến.
Tôi được các anh lính cũ dạy cách rải dây, thu dây sao cho bí mật, an toàn, học sử dụng máy điện thoại quân dụng, trong vòng một tuần đã được điều xuống đại đội ngay. Chiếc máy tôi và anh Ky dùng là máy Mỹ, loại TELEPHONE SET TA-312.
Chiếc máy nồi đồng cối đá này đã gắn bó với tôi và anh Ky suốt mấy năm đánh nhau, từ biên giới Việt đến sát biên giới Thái Lan với rất nhiều kỷ niệm.
Quân tình nguyện Việt Nam tác chiến Caomelai (Chiến trường K), tháng 2-1985. Ảnh minh họa.
Những lần phải đi nối dây đêm là nguy hiểm nhất. Thấy tay quay máy nhẹ và không có tín hiệu là dây đã đứt. Trường hợp này phải báo cho máy bộ đàm mở máy lên sóng, còn hữu tuyến đi nối dây. Đêm tối như mực.
Tay lần theo dây đi thật chậm tìm chỗ đứt, mắt căng ra quan sát động tĩnh. Thỉnh thoảng co kéo dây thật nhẹ nhàng để kiểm tra. Đoạn nào thấy dây điện thoại co về dễ dàng hãy quan sát cẩn thận vì đã đến gần chỗ phải nối.
Ai biết được dây đứt vì lý do gì? Bọn trinh sát Polpot khi phát hiện đường dây điện thoại thường cắt rồi nằm phục tại chỗ bắt sống lính thông tin hoặc gài mìn. Còn cả loại đặc công địch chuyên lần theo đường dây lộ, bò vào chỉ huy sở rục lựu đạn.
Thế cho nên hướng gác phụ ban đêm bao giờ cũng hướng về nơi đường dây đi tới, và những đoạn dây rải qua đường bò phải là đoạn dây tốt, chôn ngầm dưới đất để giữ bí mật.
Những đêm mưa tầm tã dò dẫm đi nối dây, sợ địch thì ít, sợ mấy anh lính ta ngồi hầm gác ngủ gật, giật mình bắn nhầm thì nhiều. Cho nên gần đến vị trí quân ta, nếu muốn sống hãy gào mật khẩu to mồm lên.
Tiểu đoàn 2 - Lữ đoàn Xe tăng và Sư đoàn 7 - Quân đoàn 4 tấn công giải phóng Phnom Penh Ảnh: TƯ LIỆU QUÂN ĐOÀN 4.
Những chiếc máy thông tin "nồi đồng cối đá"
Ngoài máy quân dụng Mỹ, trung đội có biên chế dự trữ máy Trung Quốc loại K65 nhưng không tổ máy nào thích xài dù nhẹ hơn, chung quy cũng chỉ vì tiếng chuông. Tiếng chuông máy Mỹ không "reng reng" to mồm như máy Trung Quốc, nó kêu cồng cộc như nhái kêu hay dế gáy, to nhỏ tùy mức chỉnh.
Tụi khoa học quân sự Mỹ nó nghiên cứu rất sát thực tế chiến trường khi tạo ra âm chuông mô phỏng tiếng côn trùng tự nhiên. Tiếng chuông dế gáy đã cứu tôi một lần thoát chết, không bị phát hiện lúc trinh sát Polpot bò vào sát hầm tại phum "Dừa cụt" hồi tháng 3 năm 1979.
Ngoài nhiệm vụ giữ vững thông tin liên lạc, chiếc máy này còn giúp chúng tôi khai thác tù binh và cải thiện chất tươi. Tất cả đều nhờ bộ magheto thần thánh. Khi quay gọi máy đại đội bạn, bộ magneto trong máy sẽ phát ra dòng điện xoay chiều 220v để chuông kêu.
Thế hiệu cao nhưng dòng (A) bé, không mấy nguy hiểm. Tuy nhiên đang dùng răng cắn tuốt vỏ nhựa nối dây mà có người quay thì cũng ê ẩm hết từ hàm đến não.
Chuyện cắn răng thông thoại chỉ là chuyện hoang đường. Thế nên khi bắt được tù binh, chỉ cần dọa sẽ "làm một chút" là súng giấu ở đâu, chúng khai bằng sạch. Đang hành quân lâu ngày không có thực phẩm tươi bỗng gặp cái đìa cạn là anh em chúng tôi có việc.
Gí hai đầu dây rà xuống vũng đìa quay thật lực. Cá lóc, cá trê, cá trèn bơi gần phi tơi tới hết cả lên bờ như điên, không cần lội bắt.
Giải ngũ về nhà, tôi vẫn nhớ như in chiếc máy điện thoại cũ nồi đồng cối đá ấy. Chiếc máy mang đầy kỷ niệm đời lính trận mà dấu vết trường chinh đã hằn lên trên mình nó từng vết xước sâu kim loại, từng vệt sơn bong.
máy Mỹ, loại TELEPHONE SET TA-312
Máy thông tin Mỹ, loại TELEPHONE SET TA-312. Ảnh: Sparks Military.